Grab 'đá bóng' áp thuế VAT lên tài xế?

Tài xế tập trung đình công trước văn phòng Grab tại Cầu Giấy, Hà Nội sáng 7/12 Ảnh: Anh Tuấn
Tài xế tập trung đình công trước văn phòng Grab tại Cầu Giấy, Hà Nội sáng 7/12 Ảnh: Anh Tuấn
TP - Đại diện Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), theo luật định, Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Do đó, Grab phải là chủ thể đứng ra kê khai, nộp thuế cũng như giao dịch pháp lý với cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có cơ quan thuế. Thực tế, dù chiếm thị phần lớn nhất nước trong lĩnh vực xe công nghệ, song mấy năm qua, Grab vẫn liên tục báo lỗ.

Hiểu thế nào cho đúng

Mấy ngày qua, tài xế Grab trên cả nước đồng loạt tắt app (ứng dụng gọi xe), tập hợp trước trụ sở và văn phòng của hãng xe công nghệ này tại Hà Nội, TP.HCM để phản đối việc tăng mức khấu trừ. Giải thích về việc này, đại diện Grab cho rằng, việc tăng giá cước, cũng như tăng chiết khấu với tài xế là do thực hiện Nghị định 126 (có hiệu lực từ 5/12/2020).

Tuy vây, thuế suất 10% thuế giá trị gia tăng (VAT) áp dụng thống nhất đối với các loại hình kinh doanh vận tải và đã có từ trước.

Do đó, Nghị định 126 không làm tăng thuế VAT đối với cá nhân tài xế Grab, họ chỉ chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN).  

“Trước đây do chưa có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng, nên việc áp dụng thuế với Grab không thống nhất, chưa tính đúng, tính đủ thuế VAT như các mô hình taxi truyền thống khác. Nghị định 126 vừa được Chính phủ ban hành đã quy định cụ thể hơn vấn đề này”, Ngày 9/12, bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết.

Cũng theo bà Lan, Grab là đơn vị quyết định giá cước vận tải, quyết định toàn bộ giao dịch với khách hàng, cũng như với tài xế. Chính vì vậy, Grab phải là chủ thể đứng ra kê khai, nộp thuế cũng như giao dịch pháp lý với cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có cơ quan thuế.

Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law firm thì cho rằng, GrabBike hay GrabCar cùng do một công ty sở hữu, bản chất hoạt động là giống nhau, chỉ khác nhau ở phương tiện vận chuyển. Trước Nghị định 126, Chính phủ đã ban hành Nghị định 10/2020/NĐ-CP về  quản lý vận tải có hiệu lực từ 1/4/2020, ấn định Grab là đơn vị kinh doanh vận tải hành khách (taxi), có sử dụng công nghệ, nên được ưu đãi thuế nhất định. Nghị định 126/2020/NĐ-CP ra đời để tiếp nối Nghị định 10/2020/NĐ-CP, quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế.

Đối với việc tăng giá dịch vụ của Grab, nguyên nhân được Luật sư Trương Anh Tú chỉ ra là cho đến thời điểm này, Grab vẫn không thừa nhận mình là đơn vị kinh doanh vận tải, không chịu sự chi phối như các hãng taxi truyền thống về việc đưa ra giá dịch vụ, đăng ký với Sở Công thương.

Còn việc tăng tỷ lệ chiết khấu tài xế Grab Car và Grab Bike, theo luật sư Tú, Grab không ký hợp đồng lao động với tài xế mà chỉ ký thoả thuận tỷ lệ phân chia phí dịch vụ thông qua hoạt động cung cấp và quản lý công nghệ. Khi Nghị định 126 có hiệu lực, buộc Grab phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, Grab lại mạnh tay “đá quả bóng” VAT sang các tài xế, “áp VAT” lên các tài xế xe công nghệ.

Grab cho rằng, thoả thuận giữa họ và tài xế không phải hợp đồng lao động, không chịu sự ràng buộc bởi các quy định của pháp luật lao động. Nguyên nhân, theo Luật sư Tú bởi Grab hiện không chịu sự điều chỉnh nào của pháp luật về lao động.

Theo ông Tú, ngành Thuế trên tinh thần Nghị định 126 cần có quy trình cụ thể ràng buộc giữa Grab và người lao động, có cơ chế bảo vệ người lao động theo pháp luật lao động.

Lòng vòng thế chấp cổ phần, liên tục báo lỗ

Grab xuất hiện ở Việt Nam vào tháng 2/2014 với tên gọi ban đầu là Cty TNHH GrabTaxi, tiền thân của Cty TNHH Grab sau này. Tháng 10/2014, công ty tiếp tục ra mắt dịch vụ GrabBike. Năm 2015, Grab Việt Nam được Bộ Giao thông Vận tải cấp phép thí điểm hoạt động tại Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng.

Tháng 3/2018, Grab đã mua lại toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại Đông Nam Á - thỏa thuận sáp nhập lớn nhất từ trước tới nay tại khu vực. Chưa dừng lại ở đó, với tham vọng mở rộng thị phần, tháng 8/2019, Grab công bố sẽ rót thêm 500 triệu USD vào Việt Nam.

Doanh thu năm 2019 Grab (công ty mẹ) đạt 3.382 tỷ đồng, tăng hơn 54,1% so với cùng kỳ, cao nhất trong giai đoạn 2016 - 2019. Có thể thấy, con số này vượt rất xa so với Be và GoViet.

Do đó, không ngạc nhiên khi báo cáo dữ liệu của ABI Research cho thấy, Grab trong năm 2019 đứng top 1 thị trường với 146 triệu cuốc xe, tương đương 73% thị phần.

Tuy nhiên, lỗ thuần của Grab ngày càng lớn. Tính riêng năm 2019, Grab lỗ đến 1.670 tỷ đồng, tăng 88,7% so với năm 2018 và cũng là con số lỗ lớn nhất của Grab từ năm 2016 đến 2019.

Grab cũng là doanh nghiệp mở rộng phát triển sang lĩnh vực thương mại điện tử với Công ty Cổ phần Dịch vụ Công nghệ Moca (GrabPay by Moca), doanh nghiệp mà Grab nắm 3,5%. Grab đang hướng đến triển khai dịch vụ tài chính với Grab Financial. Grab cũng thể hiện tham vọng với lĩnh vực bảo hiểm khi thành lập Cty TNHH GrabInsure Việt Nam vào 19/9/2019.

Đáng chú ý, các cổ đông của Grab cũng có nhiều bí ẩn. Cty TNHH Grab vào năm 2016 có vốn điều lệ 20 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông khá bất ngờ gồm 3 người Việt, đó là: ông Nguyễn Tuấn Anh (34%), Nguyễn Phú Sinh (33%) và Trần Anh Đức (33%). Từ tháng 4/2016- 3/2020, ông Tuấn Anh luôn duy trì tỷ lệ sở hữu tại Cty TNHH Grab là 51%. Trong khi đó, Grab INC - pháp nhân đến từ Quần đảo Cayman, chỉ nắm 41% vốn.

Ngày 1/2/2020, ông Tuấn Anh nghỉ việc ở Grab. 51% vốn này sau đó đã có chủ mới là bà Lý Thụy Bích Huyền. Bà Huyền đã đem toàn lô cổ phần nói trên thế chấp tại Cty TNHH GPay Network Việt Nam - công ty con của Grab.

Từ 5/12, Grab nâng tỷ lệ chiết khấu tài xế Grab Car từ 28,3% lên 32,8% (bao gồm phí ứng dụng + VAT + thuế thu nhập cá nhân) đối với tài xế chịu phí sử dụng ứng dụng 25%; với GrabBike, tăng từ 20% lên 27,2%.  

MỚI - NÓNG
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
TPO - Sáng nay 12/12, người dân TPHCM đón ngày mới trong thời tiết mát mẻ, nắng yếu nhưng sương mù tiếp tục bao phủ nhiều nơi. Tham khảo trên ứng dụng quan trắc không khí Air Visual cho thấy, nhiều khu vực tại TPHCM có điểm đo chất lượng không khí không tốt cho sức khỏe.