Tái cơ cấu ngân hàng: Cổ đông lớn thao túng tinh vi!

Giới ngân hàng thường không để tiền “chết”. Ảnh: ST.
Giới ngân hàng thường không để tiền “chết”. Ảnh: ST.
TP - Sau loạt bài 3 kỳ “Hé mở chiêu kinh doanh các ngân hàng”, Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) - ông Nguyễn Hữu Nghĩa về những vấn đề như đi đêm lãi suất, cho vay sân sau và sở hữu chéo ngân hàng...

Xử phạt gần 145 cá nhân, tập thể vi phạm 

Ngân hàng cũng là doanh nghiệp và tất yếu trong kinh doanh phải có cạnh tranh. Tuy nhiên đã xuất hiện những “chiêu” không lành mạnh. Ngân hàng Nhà nước có biết không và xử lý ra sao đối với những vi phạm này?

Cần phải khẳng định trên thị trường tiền tệ không có cơ chế “một giá”. Lãi suất có sự cao, thấp khác nhau giữa các TCTD, khách hàng, kỳ hạn tùy theo mức độ rủi ro trong từng giao dịch, đối tượng cụ thể. TCTD vi phạm quy định của NHNN về lãi suất hoặc vi phạm quy định về cạnh tranh sẽ bị xử lý theo pháp luật.

Thời gian qua, NHNN tăng cường thanh tra, giám sát và đã phát hiện nhiều TCTD vi phạm quy định về lãi suất đã được NHNN và các cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh, thậm chí một số cá nhân đã bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, từ năm 2012 trở lại đây NHNN kiên trì theo đuổi chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả hơn cùng với tăng cường công tác thanh tra, giám sát tái cơ cấu TCTD yếu kém thì thị trường tiền tệ đã ổn định hơn, thanh khoản của các TCTD đã được cải thiện rõ rệt và tình trạng vi phạm quy định lãi suất về cơ bản chấm dứt... Ngày 17/10/2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 96/2014/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Theo đó, TCTD có thể bị phạt tới 100 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định về lãi suất huy động vốn và 60 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định về lãi suất cấp tín dụng, đồng thời bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.

Trên cơ sở những sai phạm được phát hiện, căn cứ vào mức độ và hành vi sai phạm trong năm 2013, NHNN đã ban hành 150 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 138 đơn vị, cá nhân với tổng số tiền phạt gần 1,5 tỷ đồng, số tiền xử phạt bổ sung là 500 USD. Trong 10 tháng đầu năm 2014, NHNN đã ban hành 149 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 145 đơn vị, cá nhân với tổng số tiền phạt khoảng 1,4 tỷ đồng và số tiền xử phạt bổ sung là 900 USD.

Trong cái nhìn của dư luận, ngân hàng đặc biệt là các NHTM cổ phần là giới buôn tiền và sẽ không để tiền chết. Nhưng nếu không có ngân hàng dẫn vốn, hệ thống doanh nghiệp phần nhiều rơi vào tê liệt. NHNN làm thế nào để điều hòa?

Lợi nhuận của ngân hàng xét cho cùng có được cũng là được phân phối lại từ lợi nhuận của doanh nghiệp. Điều này có nghĩa là sức khỏe của ngân hàng phụ thuộc vào sức khỏe của doanh nghiệp, vì vậy vấn đề đặt ra làm thế nào cho doanh nghiệp “sống khỏe và trường thọ” để ngân hàng không “chết”. Đây cũng là mục tiêu chính sách điều hành của Chính phủ và là trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương chứ không của riêng NHNN. Theo đó, cần phải tạo lập môi trường kinh doanh hấp dẫn, lành mạnh, ổn định và minh bạch cho doanh nghiệp và các trung gian tài chính hoạt động.

Tái cơ cấu ngân hàng: Cổ đông lớn thao túng tinh vi! ảnh 1

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Chánh Thanh tra NHNN.

Không để cổ đông thao túng

Câu chuyện về sở hữu chéo, về các ông chủ thành lập ngân hàng và cho vay sân sau từng rộ lên. Quan điểm của NHNN về vấn đề này qua thanh tra kiểm tra thấy sao?

Ngày 20/11, NHNN ban hành Thông tư số 36/2014/TT-NHNN quy định các tỷ lệ, giới hạn bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trong đó có nhiều quy định chặt chẽ hơn về người có liên quan, góp vốn, mua cổ phần, an toàn tín dụng,… nhằm tạo cơ sở pháp lý xử lý căn bản, hạn chế tình trạng sở hữu chéo, sự thao túng, chi phối của cổ đông lớn, cho vay quá mức đối với cổ đông lớn và người có liên quan.

NHNN ủng hộ hoạt động sáp nhập, hợp nhất trên cơ sở tự nguyện, lợi ích, chiến lược kinh doanh của từng TCTD và phù hợp với các quy định của pháp luật, góp phần lành mạnh hóa thị trường tiền tệ - ngân hàng, thực hiện thành công Đề án cơ cấu lại các TCTD theo đúng mục tiêu và lộ trình đề ra. 

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Chánh Thanh tra NHNN

Ở Việt Nam, sở hữu chéo có tính lịch sử khi mà chúng ta đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa DNNN, khuyến khích tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đầu tư ngoài ngành, xử lý ngân hàng yếu kém. Do đó, xử lý vấn đề sở hữu chéo là một nội dung quan trọng của Đề án cơ cấu lại các TCTD đã được Bộ Chính trị và Chính phủ phê duyệt nhưng cần phải làm thận trọng, từng bước để giữ ổn định hệ thống. Luật các TCTD năm 2010 có một số quy định cấm sở hữu chéo. Hiện nay, có một số trường hợp vi phạm quy định về sở hữu nói trên nhưng phát sinh từ trước khi Luật các TCTD có hiệu lực (ngày 1/1/2011) đang được NHNN chỉ đạo xử lý trong quá trình thực hiện tái cơ cấu TCTD.

Về vấn đề cổ đông lớn thao túng, chi phối TCTD, từ năm 2012 NHNN tích cực đẩy mạnh công tác thanh tra và đã phát hiện nhiều trường hợp cổ đông lớn sở hữu vượt quá mức quy định của pháp luật dưới nhiều hình thức hết sức tinh vi thông qua nhờ đứng tên hộ, ủy thác đầu tư, ủy quyền,… Các cổ đông lớn này thao túng, chi phối hoạt động ngân hàng và vay với số tiền lớn đã dẫn đến mất an toàn hoạt động ở một số ngân hàng. Tất cả các trường hợp vi phạm về sở hữu vốn, giới hạn cấp tín dụng đều bị xử lý theo quy định trong quá trình tái cơ cấu ngân hàng như buộc phải chuyển nhượng vốn về mức giới hạn theo quy định, trả nợ cho ngân hàng hoặc phải đem tài sản hợp pháp để khắc phục tổn thất, thậm chí có trường hợp vi phạm nghiêm trọng đã bị xử lý hình sự.

Về CEO, có ý kiến cho rằng họ chỉ là người làm thuê và nhiều khi phải làm theo ý ông chủ ngân hàng dù không muốn. Qua thực tế xem xét việc đề cử, bổ nhiệm CEO của các NHTM, ông thấy sao?

Câu chuyện về quản trị, điều hành và bổ nhiệm CEO, ngân hàng là lĩnh vực kinh doanh nhiều rủi ro, phức tạp, vì vậy người quản lý, người điều hành phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện về chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, năng lực lãnh đạo…  và phải được NHNN chấp thuận danh sách dự kiến những người được bầu, bổ nhiệm làm thành viên HĐQT, thành viên HĐTV, thành viên ban kiểm soát, tổng giám đốc của TCTD theo quy định của Luật các TCTD.

Sáp nhập để thành ngân hàng lớn

Mới đây, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định thời gian tới sẽ tiến hành sắp xếp lại trật tự trong các vấn đề từ sở hữu chéo, xử lý nợ xấu; quản trị rủi ro. Tuy nhiên vấn đề này tồn tại quá lâu và không dễ gì xử lý?

Những yếu kém, hạn chế của các TCTD đang phải xử lý hôm nay đã được tích tụ từ nhiều năm trước do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó nhiều vấn đề có tính hệ thống như sự yếu kém về quản trị, điều hành, năng lực tài chính, chất lượng tín dụng, mức độ an toàn, lành mạnh… cần phải có giải pháp, lộ trình phù hợp và mất nhiều thời gian để xử lý triệt để.

Về tình hình sáp nhập, hợp nhất các ngân hàng ông có thể cho biết cụ thể hơn?

Các hoạt động mua lại, sáp nhập, hợp nhất các TCTD diễn ra mạnh mẽ, an toàn không chỉ giữa TCTD yếu kém với TCTD bình thường mà còn diễn ra giữa các TCTD bình thường với nhau hoặc giữa TCTD trong nước với TCTD nước ngoài trên nguyên tắc tự nguyện và phù hợp với các quy định của pháp luật. Nhờ đó, số lượng các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã giảm dần, đặc biệt là các TCTD yếu kém. Kể từ năm 2012 đến nay đã có 7 TCTD tham gia hoạt động sáp nhập, hợp nhất trên cơ sở tự nguyện, trong đó có 4 NHTM cổ phần yếu kém. Việc sáp nhập, hợp nhất giữa các TCTD đã góp phần làm giảm số lượng ngân hàng yếu kém, tăng quy mô và khả năng cạnh tranh của một số TCTD. Các ngân hàng yếu kém được cơ cấu lại theo các phương án được duyệt nhìn chung đều có tình hình hoạt động ổn định và cải thiện hơn so với thời điểm bắt đầu thực hiện cơ cấu lại.

Hiện nay, NHNN đã nhận được đề xuất về mua lại, sáp nhập, hợp nhất của một số TCTD và đang nghiên cứu, hướng dẫn thủ tục triển khai mua lại, sáp nhập, hợp nhất, xử lý tiếp một bước cơ bản tình trạng sở hữu chéo để hình thành một số TCTD có quy mô lớn, khả năng cạnh tranh cao theo mục tiêu tại Đề án 254.

Cảm ơn ông!

Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015 không đặt mục tiêu đến năm 2015 xử lý được triệt để tất cả những yếu kém, hạn chế của hệ thống mà  tập trung lành mạnh hóa tình trạng tài chính và củng cố năng lực hoạt động của các tổ chức tín dụng; cải thiện mức độ an toàn và hiệu quả hoạt động… tạo nền tảng đến năm 2020 phát triển được hệ thống các TCTD đa năng theo hướng hiện đại, hoạt động an toàn. 

MỚI - NÓNG