Tái cơ cấu ngân hàng, bao lâu?

Tái cơ cấu ngân hàng hiện bị cho là hơi chậm. Ảnh: Như Ý.
Tái cơ cấu ngân hàng hiện bị cho là hơi chậm. Ảnh: Như Ý.
TP - Hoạt động tái cơ cấu ngân hàng đã được 3 năm. Tuy nhiên, nhiều vấn đề trong tái cơ cấu vẫn còn lúng túng. Có ngân hàng tự tháo gỡ bằng nội lực, có nhiều ngân hàng loay hoay. Thậm chí có chuyên gia kinh tế cho rằng phải mất 10 năm, chứ không thể vội...

Tự cứu

Kể với Tiền Phong về câu chuyện tự tái cơ cấu, lãnh đạo một ngân hàng từng chinh chiến thời đó nhớ lại: “Quãng năm 2012, mất thanh khoản không chỉ rơi vào 8 ngân hàng thương mại (NHTM) yếu kém phải sáp nhập mà còn “sém” cả vào những ngân hàng lớn. Ngay ở NHTM chúng tôi lúc bấy giờ, nhìn bề ngoài ngon lành nhưng bên trong có lúc nguy. Bế tắc, từng phát tín hiệu kêu cứu với đối tác ngoại thì nhận được trả lời: Không. Hãy về xin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cứu”.

Tuy nhiên, nếu kêu NHNN cũng đồng nghĩa được “bơm” cho ít tiền và bị kiểm soát đặc biệt… Vậy là chỉ còn cách tự cứu mình. Hồi đó, cả ngân hàng mở chiến dịch dốc sức làm việc gấp 2- 3 lần, suốt ngày họp, bàn giải pháp tìm cách gỡ (tìm nguồn, đủ chiêu huy động; phân ban nợ xấu...). “Thoát được giai đoạn khó, nhiều nguời lăn ra ốm nặng, có nguời cấp cứu vì làm việc lao lực. Bây giờ nghĩ lại vẫn choáng”- Vị này nói.

Đến giờ này, có lẽ ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TPBank đã thở phào. Thời điểm năm 2012, để mua cổ phần trở thành cổ đông lớn và đứng vai chủ tịch HĐQT TPBank, gia đình ông chủ Tập đoàn vàng bạc Đá quý Doji đã bán đứt Cty Diana cho Unicharm với giá 184 triệu USD, liên kết góp vốn vào TPBank (do FPT sáng lập), cùng với người em Đỗ Anh Tú.

Một bạn hàng của ông Phú lúc đó từng ngán ngẩm: “Không biết bác ý tính gì mà bán nhà máy, rút hẳn một chân ra khỏi vàng để đổ vào cái ngân hàng đang sắp chết. Cầm chắc bác ấy sẽ thất bại”. Ấy vậy mà chỉ sau 2 năm, sử dụng một chiến lược đồng bộ từ làm thương hiệu, xây dựng sản phẩm bán lẻ, giờ ông chủ ngân hàng TPBank đã có thể tự hào những việc đã làm.

Cần 10 năm tái cơ cấu ngân hàng?

Đến thời điểm này, trong 9 ngân hàng yếu kém xác định đợt đầu, có 8 thành viên đã tiến hành tái cơ cấu (gồm Habubank, SCB, TinNghiaBank, Ficombank, TPBank, TrustBank, Navibank và Western Bank), ngoại trừ GP Bank hiện chưa rõ tiến độ. Về “sức khỏe” từng ngân hàng tái cơ cấu, rất cần sự đánh giá xếp loại công khai của NHNN, nhưng cơ bản, việc xử lý những ngân hàng yếu kém đã đạt tiêu chí: Đảm bảo an toàn cho hệ thống.

Theo chuyên gia kinh tế - TS Trần Hoàng Ngân, để hoàn thành tái cơ cấu xong hệ thống ngân hàng, thời gian phải lên tới 10 năm. Hiện mới được gần 3 năm và đúng là hơi chậm. “Dư luận đang muốn nhanh, nhưng với ngân hàng không thể được. Xử lý tái cơ cấu lĩnh vực này là cả một nghệ thuật, không được để dân hốt hoảng”- TS Ngân nói.

Số lượng ngân hàng như thế nào thì đủ cho nền kinh tế như Việt Nam? Chuyên gia Hội đồng tư vấn tiền tệ quốc gia Trần Hoàng Ngân nhìn nhận: Có thể “co hẹp” bớt lại ít hơn 40 NHTM cổ phần đang hoạt động, theo hướng làm cho các ngân hàng nhỏ hoạt động tốt hơn, rồi sáp nhập vào các ngân hàng lớn. Tuy nhiên quan trọng nữa chính là các NHTM phải tiến đến nâng lên chuẩn nợ quốc tế (đạt chuẩn Basel II), mới thực sự lành mạnh được.

Theo nhiều chuyên gia, tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng đã đến mức báo động, dù các quy định khống chế tình trạng này không thiếu. Đây được xem là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nợ xấu, và nguy cơ thao túng hoạt động kinh doanh tài chính. Giải pháp dài hạn để ngăn chặn hành động này là cần tập trung mạnh hơn vào công việc xây dựng thị trường tín dụng và thị trường vốn minh bạch.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.