Tách bạch kinh doanh hạ tầng với vận tải đường sắt

Đại biểu Quốc hội đề nghị có lộ trình tách bạch kinh doanh hạ tầng với vận tải đường sắt. Ảnh: Như Ý
Đại biểu Quốc hội đề nghị có lộ trình tách bạch kinh doanh hạ tầng với vận tải đường sắt. Ảnh: Như Ý
TP - Ngày 18/11, thảo luận về dự án Luật Đường sắt sửa đổi, đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) đề nghị có lộ trình tách bạch kinh doanh hạ tầng và kinh doanh vận tải đối với đường sắt quốc gia để thu hút các nguồn lực.

Đường bộ “độc diễn” gây nhiều bất cập

ĐB Trần Xuân Hùng (Hà Nam) cho rằng, ngành đường sắt nên phát triển theo lợi thế tự nhiên hiện có của nước ta. Các tỉnh ven biển đều có cảng biển nên việc đấu nối đường sắt với các cảng biển rất quan trọng. Tuy nhiên ông Hùng đề nghị làm rõ quản lý nhà nước về đường sắt chứ không đánh đồng giữa quản lý nhà nước với nhà nước là đại diện chủ sở hữu tài sản.

“Chúng ta chưa quy định tách bạch giữa tổ chức nào quản lý? Tổ chức nào bảo trì bảo vệ kết cấu hạ tầng, hạng mục nào do nhà nước, hạng mục nào do doanh nghiệp thực hiện?”, ông Hùng đặt vấn đề và cho rằng nếu không làm rõ những vấn đề trên sẽ làm phát sinh thêm bộ máy cồng kềnh.

Cho rằng đầu tư cho đường sắt cũng phải đồng bộ với các loại hình vận tải khác, ĐB Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên - Huế) nêu thực tế nhiều tỉnh có khu dân cư, khu công nghiệp “đẻ” ra đường cắt ngang, chưa kể nhiều vấn đề chồng chéo trong quản lý. Chưa rõ Cục Đường sắt quản lý gì, tỉnh quản lý gì.

ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) thì cho rằng, ngành đường sắt hiện nay tụt hậu, yếu kém bởi công nghệ điều hành thủ công, lạc hậu, mạng lưới thiếu kết nối, tư duy bao cấp, chất lượng dịch vụ kém. Trong khi đó, chiếm khoảng 65% dịch vụ hàng hóa, đường bộ đang “độc diễn”, gây ra nhiều bất cập như ùn tắc, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, xe quá khổ, quá tải, phá đường... 

ĐB Thường cho rằng, cần đổi mới quyết liệt và tạo động lực thúc đẩy ngành đường sắt hướng ra cơ chế thị trường, tách bạch quản lý nhà nước, sản xuất, kinh doanh. Có lộ trình tách bạch kinh doanh hạ tầng và kinh doanh vận tải đối với đường sắt quốc gia để thu hút các nguồn lực; có chính sách ưu đãi rõ hơn, đẩy mạnh khai thác lợi thế các nhà ga.

Nguy cơ mất việc ngay trên sân nhà

Thảo luận về Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi), ĐB Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) cho rằng, Việt Nam luôn tự hào có tiềm năng du lịch, với nhiều di sản thế giới, nhiều danh lam thắng cảnh, thiên nhiên tươi đẹp. Tuy  nhiên sau 30 năm đổi mới, du lịch Việt Nam vẫn còn ở dạng tiềm năng, thua xa so với các nước trong khu vực. Do đó, việc sửa đổi Luật Du lịch này là cần thiết nhưng vấn đề quan trọng là phải “bắt đúng bệnh, kê đúng đơn”. Có thế thì mới đưa du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Đi vào các quy định cụ thể, ĐB Mai cho rằng, có hai vấn đề quan trọng để thu hút khách nước ngoài đến Việt Nam là hoạt động quảng bá du lịch và xây dựng đội ngũ nhân lực. Theo bà Mai, mỗi năm Việt Nam chi phí cho hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch chỉ khoảng 2 triệu USD là quá thấp so với với các nước trong khu vực như, Thái Lan, Singapore, Malaysia. Hoạt động quảng bá cũng phân tán, dàn trải nên hiệu quả đạt được không cao. Do đó, cần phải tăng cường hoạt động quảng bá, tập trung những thị trường trọng điểm.

Về nhân lực, theo ĐB Mai là vừa thiếu, vừa yếu. Nếu tình trạng này không sớm được cải thiện thì trong một vài năm nữa, khi nhân lực du lịch trong khu vực ASEAN được vào Việt Nam thì chúng ta có nguy cơ mất việc ngay trên sân nhà. ĐB Mai đề nghị cần phải tăng cường công tác đào tạo, nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ hướng dẫn viên du lịch.

ĐB Ngàn Phương Loan (Lạng Sơn) cũng đề nghị bổ sung quy định về văn hóa ứng xử của hướng dẫn viên du lịch. Bởi sự yếu kém của hướng dẫn viên du lịch cũng là một trong những nguyên nhân khiến du khách không quay trở lại. ĐB Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) cho rằng, kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống, ngoại ngữ của đội ngũ hướng dẫn viên còn kém. Công tác đào tạo chưa chuyên nghiệp, thống nhất. Do đó, khi sửa đổi dự thảo luật lần này phải chú ý đề ra các quy định để nâng cao trình độ, ý thức trách nhiệm của đội ngũ hướng dẫn viên du lịch.

ĐB Lưu Thành Công (Vĩnh Long) băn khoăn trước việc dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) lần này bỏ đi quy định về phát triển thành phố du lịch. Theo ĐB Công, thời gian qua nhiều thành phố đã phát triển theo hướng đô thị.  Chúng ta cũng đã tính đến điều trên, rất cần có những đô thị du lịch, như Hội An, Huế, Hạ Long, Đà Nẵng… Do đó, việc bỏ đi quy định về phát triển thành phố du lịch là không phù hợp.

Chưa thông qua Luật về Hội, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi

Theo dự kiến, Luật về Hội, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 2, tuy nhiên đến thời điểm này, cả hai luật được thống nhất rút khỏi chương trình, tiếp tục xem xét vào kỳ họp sau.

Với dự án Luật về Hội, đa số ý kiến đại biểu cho rằng, nhiều nội dung trong dự thảo luật chưa thật phù hợp với thực tiễn của hoạt động hội trong những năm qua. Thậm chí, có quy định còn hạn chế hơn so với pháp luật hiện hành, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập, nặng về yêu cầu quản lý nhà nước. Về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu và kết quả tổng hợp cho thấy, có 448/460 (chiếm trên 90% tổng số đại biểu Quốc hội) đồng ý chưa thông qua dự án luật tại kỳ họp thứ 2 này.               

 Thành Nam

MỚI - NÓNG
Tỉnh Isfahan của Iran. (Ảnh: Getty)
Iran bác tin bị tấn công tên lửa
TPO - Tiếng nổ được nghe thấy ở Isfahan là do Iran kích hoạt các hệ thống phòng không, một quan chức Iran nói với Reuters, đồng thời khẳng định không có cuộc tấn công tên lửa nào nhằm vào nước này như báo chí vừa đưa tin.