Tạc tượng 'bà Tây' ở lại Việt Nam giúp hàng ngàn người bệnh

0:00 / 0:00
0:00
TP - Bệnh viện Y học Cổ truyền Đà Nẵng và nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng sáng qua (26/2) xúc động kéo tấm màn phủ trên bức tượng đồng chân dung một người phụ nữ thầm lặng. Đó là bà Virginia Mary Lockett, 69 tuổi, chuyên gia vật lý trị liệu người Mỹ. Bà đã tình nguyện gắn bó với bệnh viện và hàng ngàn bệnh nhân bại liệt, tàn tật hơn một thập kỷ qua.

Tri ân người không cần ơn nghĩa

Bà Virginia được mời tới phòng họp lúc 9h sáng. Bác sĩ Nguyễn Văn Ánh, Giám đốc bệnh viện mở đầu buổi họp mặt bằng lời tri ân tất cả mọi người đã nỗ lực, cống hiến nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam. Trong đó có bà Virginia Mary Lockett, chuyên gia vật lý trị liệu đã tình nguyện hỗ trợ đơn vị Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng. “Bà đã thổi một luồng sinh khí mới cho bệnh viện. Bà tập luyện phục hồi cho bệnh nhân di chứng tai biến mạch não, chấn thương sọ não…, huấn luyện cho người nhà tập luyện cho bệnh nhân. Cán bộ, nhân viên học được ở bà rất nhiều, từ năng lực làm việc cho tới thái độ ứng xử với người bệnh, bà xem bệnh nhân như người nhà. Uy tín của bệnh bệnh viện ngày hôm nay là nhờ sự đóng góp lớn lao của bà”, bác sĩ Ánh nhìn nhận. Dưới hàng ghế, qua lời của người thuyết minh, bà gật đầu, đôi mắt nheo cười. Bác sĩ Ánh dừng lại đôi chút, rồi mời nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng lên trên, cùng ông gỡ tấm màn phủ trên bức tượng. Bà chăm chú dõi theo, khi tấm màn rũ xuống, mất mấy giây bà mới nhận ra đó là mình. Bà đưa tay ôm mặt, đầy xúc động vì món quá quá bất ngờ. “Tôi không tin mình được tạc tượng! Đây là bức tượng đầu tiên của tôi trong đời. Cám ơn bệnh viện, cám ơn mọi người đã yêu thương tôi”, bà vỡ òa hạnh phúc.

Tạc tượng 'bà Tây' ở lại Việt Nam giúp hàng ngàn người bệnh ảnh 1

Bức tượng đồng bà Virginia Mary Lockett được bệnh viện Y học Cổ truyền lên ý tưởng và nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng thực hiện Ảnh: Thanh Trần

Bức tượng này là tấm lòng biết ơn của toàn bệnh viện bởi sự cống hiến của bà. Mỗi người đã góp một giọt đồng đúc nên bức chân dung để đặt trang trọng trong nhà truyền thống của bệnh viện. Nhà điêu khác Phạm Văn Hạng, tác giả của nhiều công trình điêu khắc nổi tiếng như Mẹ Dũng sĩ Thanh Khê, Tượng đài Tưởng niệm đường 2/9, Cầu Rồng…khi được bệnh viện ngỏ lời nhờ thực hiện, ông đã đồng ý ngay. Nói về nguyên mẫu, nhà điêu khắc bày tỏ “Tinh hoa phát tiết ra ngoài, vẻ hiền hậu, ấm áp, tài năng của bà toát lên, cũng là xúc cảm cho tôi thực hiện và hoàn thành bức tượng trong 100 ngày”.

Bên bức chân dung, bà Virginia nhờ mọi người chụp hộ bức ảnh để gửi cho người bạn đời của mình, người đã cùng bà từ nước Mỹ xa xôi, bán hết nhà cửa sang đây giúp đỡ những người không may mắn. “Đây là điều đặc biệt và ý nghĩa nhất trong cả sự nghiệp của tôi, khi tôi chọn ở lại một đất nước mà tôi không thạo tiếng. Chồng tôi chắc hẳn cũng sẽ rất hạnh phúc”, bà nói.

Hồi sinh những cuộc đời

Tạc tượng 'bà Tây' ở lại Việt Nam giúp hàng ngàn người bệnh ảnh 2

Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng và bà Virginia Mary Lockett bên bức chân dung bằng đồng

Năm 1995, bà Virginia sang Việt Nam lần đầu tiên. Anh thông dịch viên cho bà thời điểm ấy biết bà là bác sĩ đã mạnh dạn mời bà về nhà thăm khám trường hợp của bố anh bị tai biến nằm liệt giường. Nhưng bà bất lực bởi cơ hội để phục hồi cho bố anh không còn nữa do thiếu những can thiệp ban đầu của y tế. Bà nhớ lại, sau một hồi hỏi han, anh thông dịch viên bế bố mình lên xe lăn, ông bố bật khóc không kìm lại được. Tiếng khóc ấy ám ảnh bà suốt những năm về sau và thôi thúc bà phải lên đường giúp đỡ những người đang vẫy vùng trong tuyệt vọng.

Năm 2005, biết HVO - một tổ chức phi chính phủ của Mỹ tìm kiếm chuyên gia vật lý trị liệu sang Việt Nam, bà đăng ký đi và điểm đến là thành phố Đà Nẵng. Bà tình nguyện làm việc trong một số cơ sở y tế với công việc chính là tập vật lý trị liệu cho các bệnh nhân sau tai nạn, tai biến. Để thay đổi mọi thứ, từ kiến thức, kỹ năng, tác phong làm việc, và cả sự hòa hợp với nhân viên y tế ở đây, bà cần quá trình lâu dài. Bà đánh liều bàn với chồng bán nhà để sang Việt Nam sống và giúp đỡ các bệnh nhân. Thật bất ngờ vì ông gật đầu.

Tạc tượng 'bà Tây' ở lại Việt Nam giúp hàng ngàn người bệnh ảnh 3

“Bà Tây” coi bệnh nhân như người nhà, hết lòng luyện tập để họ sớm phục hồi

Năm 2006, cùng với số tiền bán nhà trong tay, hai vợ chồng đáp chuyến bay đến Đà Nẵng. Thời gian đầu, bà làm việc trong một số bệnh viện, tập trung vào hai nhóm bệnh nhân chính là chấn thương sọ não và tai biến mạch máu não. Đến năm 2010, bà quyết định “đầu quân” vào Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng. Tại đây, bà trực tiếp khám, điều trị cho người bệnh, đặc biệt là bệnh nhân đột quỵ và chấn thương sọ não, bệnh nhi chậm phát triển vận động, điều trị giảm đau cho các bệnh lý cơ - xương - khớp…. Bác sĩ giám đốc Nguyễn Văn Ánh nhìn nhận, sự hỗ trợ của bà đã khiến đơn vị Phục hồi chức năng phát triển mạnh mẽ hơn, chia làm các mảng điều trị rõ ràng như Vận động trị liệu, Hoạt động trị liệu, Ngôn ngữ trị liệu, Điện trị liệu...Đặc biệt, từ thời điểm ban đầu dưới 10 lượt (năm 2008) thì nay đã đạt 150 - 200 lượt điều trị/ngày.

Không đếm hết bao nhiêu bệnh nhân từng có ý định buông xuôi đã được “bà Tây” chữa khỏi, có thể đi đứng, vận động. Như anh N.C. (quận Cẩm Lệ) được người nhà chuyển tới bệnh viện trong tình trạng mất khả năng ngôn ngữ, liệt nửa người sau cơn tai biến nặng. Bà đã trực tiếp tập đi, tập cử động tay, luyện cho anh ngồi, nằm, lăn, đạp xe suốt nhiều tháng trời. Chị Ngô Thị Tuyết (quê Quảng Nam) có con bị tổn thương não từ khi sinh ra, đến nay đã 5 tuổi vẫn không thể vận động đã được bà hướng dẫn cho các bài tập cũng như cách chăm sóc cháu rất tận tình. Hai năm qua, dịch bệnh căng thẳng nhưng bà vẫn có mặt thường xuyên ở bệnh viện để hỗ trợ cho bệnh nhân.Năm 2006, cùng với số tiền bán nhà trong tay, hai vợ chồng đáp chuyến bay đến Đà Nẵng. Thời gian đầu, bà làm việc trong một số bệnh viện, tập trung vào hai nhóm bệnh nhân chính là chấn thương sọ não và tai biến mạch máu não. Đến năm 2010, bà quyết định “đầu quân” vào Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng. Tại đây, bà trực tiếp khám, điều trị cho người bệnh, đặc biệt là bệnh nhân đột quỵ và chấn thương sọ não, bệnh nhi chậm phát triển vận động, điều trị giảm đau cho các bệnh lý cơ - xương - khớp…. Bác sĩ giám đốc Nguyễn Văn Ánh nhìn nhận, sự hỗ trợ của bà đã khiến đơn vị Phục hồi chức năng phát triển mạnh mẽ hơn, chia làm các mảng điều trị rõ ràng như Vận động trị liệu, Hoạt động trị liệu, Ngôn ngữ trị liệu, Điện trị liệu...Đặc biệt, từ thời điểm ban đầu dưới 10 lượt (năm 2008) thì nay đã đạt 150 - 200 lượt điều trị/ngày.

“Steady Footstep nghĩa là bước chân vững vàng. Tôi muốn những người bệnh đầu tiên phải đi được, và sâu xa hơn là mong mỏi tất cả bệnh nhân chiến thắng bệnh tật để vững vàng hơn trong cuôc sống”.

Virginia giãi bày tên của tổ chức phi chính phủ do hai vợ chồng bà sáng lập

Các kỹ thuật viên trong bệnh viện chia sẻ rằng phương pháp của bà rất sáng tạo, khác hẳn với những gì họ đã học và làm. Bà tiếp cận bệnh nhân rất kỹ, từ vận động, sinh hoạt tới cảm xúc. Đặc biệt chú trọng các chi tiết nhỏ trên cơ thể như ngón chân, đầu gối, khuỷu tay… để kiểm soát tất cả các vận động rồi mới lượng tính và đưa ra lộ trình tập luyện.

Lương y Phan Công Tuấn kể, rất nhiều lần, bệnh viện ngỏ ý hỗ trợ cho bà chi phí để bà trang trải cuộc sống nơi đất khách quê người, nhưng bà một mực không nhận. Niềm vui của bà là được thấy người bệnh an tâm điều trị, không lo gánh nặng chi phí. “Đây là môi trường làm việc tốt nhất đối với tôi rồi, nên tôi gắn bó. Ở đây tôi có thể hoà hợp được với mọi người. Mỗi ngày còn ở đây, tôi sẽ còn đến với bệnh viện, với các bệnh nhân. Chỉ khi nào không còn sức nữa tôi mới ngừng nghỉ”, bà trải lòng.

MỚI - NÓNG