Tắc trách = lãng phí

Tắc trách = lãng phí
TP - Ở đâu đó trên cả nước, nhiều trẻ em hằng ngày phải cởi trần lội sông tới trường. Một chiếc áo phao là cả niềm mơ ước. Thế mà, chỉ vài ngày nữa thôi, lần đầu tiên trong lịch sử sử dụng tiền ngân sách, hơn 155 tỷ đồng sẽ phải chi một cách vô lý vì sự thiếu trách nhiệm của nhiều cấp chính quyền ở Thủ đô.

> Phung phí hàng trăm tỷ đồng tiền ngân sách
> Phong tỏa gần 720 tỷ đồng vụ nữ giám đốc lừa ngân hàng
> Nữ giám đốc lừa nghìn tỷ nhờ thân với 'quan tham'

Dường như phía nhà thầu Nhật Bản nói tránh số tiền trên không phải để phạt mà để bù chi phí phát sinh. Tuy nhiên, ai cũng hiểu vì sao. Những kỹ sư Nhật làm việc nguyên tắc và khoa học bậc nhất thế giới có lẽ sẽ phải học cách thích nghi cung cách làm việc với tính tiểu nông còn cao. Cần lưu ý, trước khi “chốt” số tiền hơn 155 tỷ đồng, phía nhà thầu Nhật đã “ra giá” 200 tỷ đồng. Có lẽ đã có sự thương thảo nào đó để hạ số tiền này.

Hà Nội vừa kỷ niệm 5 năm mở rộng thành Thủ đô tầm vóc; lễ hội nghìn năm cũng quy mô hoành tráng; chi tiêu ngân sách 7 tháng đầu năm tăng 24,4% so với cùng kỳ; nhân tài khắp nơi đổ về hội tụ. Thế nhưng, trong muôn vàn cái được thì công tác giải phóng mặt bằng chậm “vô đối”.

Chậm tới mức, chỉ vướng một đường dây điện đi qua dự án cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên, Chính phủ đã chỉ đạo, nhưng vẫn dai dẳng xử lý. Chậm tới mức, cũng tuyến đường này, tỉnh Thái Nguyên “sạch” mặt bằng và nửa tuyến đường đã khai thác từ lâu, nhưng tới địa phận Hà Nội thì tắc.

Cái giá của sự chậm trễ giải phóng mặt bằng, nhiều diễn đàn quan trọng của đất nước đã phân tích. Không chỉ Hà Nội mà tỉnh nào cũng có. Biết là lãng phí sờ sờ ra đấy, nhưng dễ gì giải quyết.

Dường như việc chậm giải phóng mặt bằng giống sự chậm chạp giải quyết các thủ tục hành chính. Nhiều khi cứ luẩn quẩn, loanh quanh. Cũng là so sánh giải phóng mặt bằng: Các ông chủ bất động sản thì thủ tục nhanh chóng lạ thường; còn xây cầu, làm đường lại ì ạch.

Vụ hơn 155 tỷ đồng phải đền bù có thể sẽ là một tiền lệ về hậu quả từ sự tắc trách của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Các nhà thầu ngoại hẳn đã biết cách “đánh” vào điểm yếu là chỉ có phạt tiền may ra tiến độ mới không bị ngáng trở. Nhưng, mượn ý của nhà văn Nam Cao: Tiền có của nhà nào đâu, của ngân sách ấy mà!

Các em học sinh cứ tiếp tục cởi trần lội sông, tiền ngân sách chưa tới được bến sông ấy đâu. Chưa kể, năm nay, ngành tài chính đang lo sốt vó trước nguy cơ hụt thu.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG