Tác giả Pháp viết về người Việt thời chống Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sống được định danh là truyện tranh khi xuất bản lần đầu tại Pháp, nhưng nhiều nhà văn, nhà phê bình nhìn thấy dáng dấp của một cuốn tiểu thuyết bởi câu chuyện đồ sộ, nhiều lớp lang. Người viết ra câu chuyện là cô gái Pháp gốc Việt, nữ họa sĩ trẻ lo phần tranh vẽ là người Pháp.

Sách về Việt Nam được dịch từ tiếng Pháp

Sống ngay khi được xuất bản ở Pháp được giữ nguyên tên tiếng Việt, “mẹ” “ba” cũng được viết bằng tiếng Việt. Tác giả Hải Anh cho rằng, đó là điều hết sức quan trọng. Cái tên Sống nảy ra trong tâm trí khi cô nghe mẹ kể những cuộc phiêu lưu ly kỳ thời niên thiếu. Người mẹ ấy là đạo diễn Việt Linh (Mê thảo thời vang bóng) có 7 năm sống ở chiến khu trong thời chống Mỹ. Cuốn sách vừa được dịch sang tiếng Việt, do NXB Kim Đồng ấn hành.

Tác giả Pháp viết về người Việt thời chống Mỹ ảnh 1

Pauline và Hải Anh (giữa) bắt tay nhau viết cuốn truyện tranh sinh động về chiến khu thời chống Mỹ. Ảnh: Kỳ Sơn

Tác giả chọn cách xử lý thông minh, thu hút người đọc ngay từ những trang đầu nhờ hai tuyến thời gian quá khứ - hiện tại cùng các nhân vật đan cài. Một bên là cô thiếu nữ trong ký ức người mẹ mới 16 tuổi, gắng thích nghi và hòa mình vào cuộc sống tại chiến khu. Người kia là một thiếu nữ trẻ hiện đại đang cố gắng kết nối với mẹ và quá khứ, để hiểu thêm về mẹ, về cội nguồn dân tộc.

Bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cam go những năm 1969-1975 là tuyến quá khứ. Cô Linh dũng cảm đốt hết giấy tờ tùy thân để được ở lại chiến khu cùng ba - nhà làm phim tài liệu - một phần cũng do giận hờn mẹ bỏ đi lấy người khác sau 10 năm bặt tin chồng. Sau này ở tuổi trung niên, bà mới hiểu đó là hậu quả đầy day dứt do chiến tranh gây ra.

Trong 7 năm chung chiến khu với các chiến sĩ cách mạng, Linh dần trưởng thành và dấn thân vào con đường điện ảnh. Không khí chiến tranh hiện lên trong những mảnh ký ức không quá căng thẳng nhưng đủ thấy sự khốc liệt qua sự thiếu thốn, khó khăn của đời sống thường nhật. Những chi tiết bếp Hoàng Cầm, ngụy trang thời ấy được miêu tả chân thực và sinh động bằng tranh.

Tuyến hiện tại là cô gái mang dòng máu Việt sinh ra và lớn lên trên đất Pháp. Hải Anh luôn có cảm giác không thể kết nối với người mẹ trong quá khứ, có những khoảng cách với người mẹ hiện tại và cả lịch sử, cội nguồn Việt Nam. Hải Anh dần hiểu được phần nào thời niên thiếu ly kỳ và gian khổ của mẹ gắn với bối cảnh lịch sử của dân tộc.

Sự giao cảm, thấu hiểu từ từ nảy nở trở thành chiếc cầu nối rút ngắn khoảng cách thế hệ và văn hóa Việt - Pháp. Cái kết ý nghĩa lấy bối cảnh khu cách ly COVID-19 ở một doanh trại bộ đội khi trở về Việt Nam khiến Hải Anh thêm tự tin, thêm năng lượng để viết tiếp cuộc đời mình chính tại nơi đây.

Nhà văn Đỗ Bích Thúy đọc ba lần Sống, có khi chỉ đọc bằng tranh. Chị cảm nhận được tính tiểu thuyết, mạnh dạn gọi tên thể loại mới lạ - tiểu thuyết điện ảnh, vì đậm đặc chất điện ảnh. Bên cạnh câu chuyện, con người thì hệ thống tranh đi theo tự thân kể chuyện một cách có chiều sâu.

Việt Nam là nhà

Phát biểu tại lễ ra mắt sách sáng 12/3, Đại sứ Pháp Olivier Brochet nhận định, truyện tranh có vị trí quan trọng ở Pháp với lịch sử phát triển dài lâu, có những tác phẩm thành công toàn cầu. Pháp có hẳn liên hoan truyện tranh uy tín tại Angoulême. Ông vui vì Sống đoạt giải ở liên hoan danh giá này.

“Tôi đọc cuốn sách thấy rất vui, cảm động. Với tôi, đây không đơn thuần là truyện tranh mà nó có tính chất tiểu thuyết. Tôi đọc với nhiều niềm giao cảm, cảm động trước câu chuyện về mối quan hệ giữa mẹ và con gái”, ông Olivier Brochet nói. Ông nhận định, câu chuyện chiến tranh gợi lại không gian Việt Nam những năm 1960, 1970 nhưng có cách nhìn gần gũi.

Tác giả Pháp viết về người Việt thời chống Mỹ ảnh 2

Sống được giữ nguyên tên tiếng Việt ngay khi xuất bản bằng tiếng Pháp. Ảnh: Kỳ Sơn

Hải Anh bày tỏ niềm tự hào và cảm ơn vì mẹ đã dạy tiếng Việt cho con gái. Hai mẹ con giữ thói quen nói chuyện bằng tiếng Việt suốt những năm ở Pháp. “Tôi lớn lên ở Pháp, ít biết lịch sử về Việt Nam, cũng không được học nhiều ở trường. Mẹ thường kể những câu chuyện thú vị về thời sống ở chiến khu, thi thoảng đi dạo trong công viên mẹ buột miệng nói nhớ rừng. Khi lớn lên tôi biết mình phải kể lại câu chuyện, bởi nó đáng được kể lại”, Hải Anh nói.

Hải Anh và họa sĩ Pauline Guitton chơi thân từ bé, mê đọc truyện tranh và thường chia sẻ sách cho nhau. Lớn lên trong gia đình từ ông ngoại tới cha mẹ đều làm điện ảnh, Hải Anh thừa hưởng máu nghề nhưng cô lại sợ xem, sợ làm phim chiến tranh. Cô chọn viết truyện tranh cho “nhẹ nhàng và thơ hơn”.

Đạo diễn Việt Linh thừa nhận “không nhúng tay” chút nào vào bản thảo, chỉ được con gái cho đọc khi đã in sách. Vì thế, có đôi ba điều tiếc nuối nhưng sau đó bà gạt đi tất cả, bởi những chi tiết ấy không còn quan trọng nữa. Cảm giác đọng lại là sự hài lòng. Có những câu chuyện găm vào đầu con gái từ khi mới 4-5 tuổi cho tới khi con đủ trưởng thành, đủ thấu cảm để hiểu mẹ hơn được kể lại chân thực và cảm động.

Tác phẩm là đứa con tinh thần đầu lòng hai cô gái trẻ. Pauline còn theo Hải Anh về Việt Nam suốt 9 tháng để sống, hít thở không khí Việt Nam. Pauline xúc động vì được can dự vào dự án thú vị này, bởi cô biết đạo diễn Việt Linh từ rất lâu và luôn ấn tượng với câu chuyện của gia đình họ.

Mất gần 2 tháng để Hải Anh viết câu chuyện thành dạng kịch bản, rồi chuyển cho Pauline. Họa sĩ lên phác thảo, ngồi lại cùng nhau bàn bạc. “Câu chuyện của cô Việt Linh mang tính lịch sử nên chúng tôi cố gắng tránh sơ xuất. Chúng tôi tìm những bản lưu trữ thông tin, tìm sự hài hòa trong phối màu để thể hiện câu chuyện, đọc đi đọc lại để lời nhân vật và tranh trùng khớp”, Pauline nói.

Truyện tranh Sống vượt lên trên câu chuyện cá nhân, gia đình. Tác giả Hải Anh nói rằng, cô lớn lên với ý tưởng Việt Nam là văn hóa của ba mẹ. Học hành, tư duy đều theo lối Pháp, chỉ khi về nhà mới gần gũi với văn hóa Việt, với ẩm thực, giỗ Tết. Kể từ khi về Việt Nam sống 3 năm nay, Hải Anh thực sự thấy Việt Nam là nhà, là của mình, câu chuyện của ba mẹ là của mình. “Thật khó khăn khi giữ gìn văn hóa Việt Nam trên đất Pháp. Tôi biết ơn ba mẹ giữ lại ngôn ngữ, văn hóa Việt”, cô nói.

Khi được hỏi về phản hồi của độc giả Pháp, Pauline tự hào vì lần đầu sáng tác nhưng cả độc giả Việt ở Pháp lẫn người bản địa đều đón nhận hân hoan. “Nhà xuất bản ngay lập tức quan tâm bản thảo. Đọc Sống, họ biết hơn về lịch sử Việt Nam”, Pauline nói. Những ngày tháng ở Việt Nam cho cô những cảm hứng khác biệt về màu sắc, cảnh tượng để đưa vào tác phẩm.

Sống ra mắt tại Pháp vào đầu năm 2023. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, cuốn sách nhanh chóng gây ấn tượng với độc giả tại Pháp với 8.000 bản phát hành. Từ khi còn là bản thảo, Sống đã nhận được hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ xuất bản dành cho những tác phẩm xuất sắc bằng Pháp ngữ - La Scam. Đầu năm 2024, vượt qua rất nhiều cuốn truyện tranh Pháp ngữ, Sống đoạt giải thưởng của Hội đồng giám khảo tại liên hoan ở Angoulême.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.