Suy nghĩ của bà mẹ 'bắt con' chạy trốn giấc mơ thần đồng

Suy nghĩ của bà mẹ 'bắt con' chạy trốn giấc mơ thần đồng
Chị là người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực nhân sự ở các tập đoàn Nhật Bản. Những chuyến đi giảng dạy dài ngày khiến gia đình thường vắng mẹ. Tuy nhiên, hai đứa con trai ở tuổi trung học cơ sở khá đặc biệt, đã lọt vào các chương trình huấn luyện học sinh giỏi toán quốc gia.

Một chuyến trở về từ Nhật, chị nhận thấy đứa con trai lớp 8 không đến trường theo thời khóa biểu, mà toàn bộ thời gian chỉ để theo các chương trình bồi dưỡng đặc biệt về toán của thành phố. 

Kiểm tra chuyện học hành của con, chị nhận được thông tin nhà trường đã hỗ trợ hết sức cho cậu học sinh giỏi toán để em có thời gian chuyên tâm với toán học và chuẩn bị cho các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, còn các môn khác, thầy cô sẽ hỗ trợ cho em những điểm 10 tròn trĩnh.

Và người mẹ đã nổi giận! Sau cơn giận là lo âu khi nghĩ đến nhân dạng đứa con trong tương lai, những cái máy về toán học và hoàn toàn thiếu hụt các kiến thức phổ thông. Các môn khoa học xã hội đã bị tước bỏ tính "hồn nhiên" ngay trong lứa tuổi em đang được giáo dục để hoàn thiện nhân cách.

Và người mẹ ấy đã hành động, đưa đơn xin rút con ra khỏi đội tuyển - một con đường bước tới tương lai không ai không mơ ước cho con cái. Suốt hai năm tiếp theo, chị lo âu theo dõi sự phát triển, cuộc sống tinh thần của con, cận kề bên từng mơ ước và sự thất vọng để kịp giúp con có sự thăng bằng khi trở về lớp học bình thường.

Suy tính của chị rất giản dị: nếu trở thành người thành đạt nhờ tài năng, tối thiểu cũng phải được nuôi dạy đầy đủ về kiến thức và cảm xúc để thật sự hiểu và hưởng hạnh phúc.

Am hiểu về nền giáo dục Nhật Bản, chị thường áp dụng cách dạy con rèn luyện bản lĩnh, mạnh dạn chứ không chỉ ưu tiên cho kiến thức, định hình tương lai theo cách luyện gà nòi để đi thi là điều hoàn toàn phản giáo dục.

Có lẽ không ai xa lạ với các đội "gà nòi" cấp quốc gia, cấp thành phố ngày đêm cày môn chuyên để thi đấu lấy giải. Có ai ngồi nghĩ ngợi vào những buổi lễ, thành tích thi học sinh giỏi của trường vang lên dằng dặc trong niềm tự hào của tập thể lẫn gia đình các em.

Tôi từng gặp những phụ huynh sung sướng kể quá trình con em luyện thi từ cấp tiểu học, khi đạt được thành tích cao sẽ được nhà trường miễn tất cả các môn học khác để em đi làm nhiệm vụ "thần đồng".

Phần lớn các gia đình rất tự hào kể chuyện con em họ đã được nhà trường chăm sóc theo cách đó, đến người lớn còn không ý thức rõ bản chất của giáo dục con người, thì các em cứ việc phát triển như một tài năng, được hưởng quyền "miễn trừ" kiến thức. Ai cũng nghiễm nhiên nghĩ rằng các em đã xuất sắc như vậy thì cần gì đến các kiến thức phổ thông ấy.

Trường hợp một em học rất giỏi môn sinh học, đạt giải quốc tế và được tuyển thẳng vào khoa Sinh một trường đại học trong nước. Tuy nhiên, em đang theo đuổi giấc mơ y khoa với học bổng nước ngoài. Bởi vậy, với đặc quyền phục vụ các kỳ thi quốc tế, em chỉ luyện môn Sinh và học tiếng Anh. 

Ai cũng mong em đạt giấc mơ trở thành bác sĩ, không ai nghi ngờ một bác sĩ giỏi về chuyên môn với khả năng cá nhân, nhưng không ai nghĩ đến một bác sĩ rất thiếu môi trường rèn luyện về kiến thức tổng hợp xã hội, tài năng liệu có thể phát triển?

Luyện "gà nòi" vẫn đang tiếp tục. Những thành tích quốc gia và quốc tế vẫn đang được thiết lập qua mỗi năm. Bỗng nhớ hình ảnh giáo sư toán Ngô Bảo Châu, sau đỉnh cao khoa học, giáo sư luôn thể hiện một con người toàn diện, không chỉ góp phần xây dựng Viện Toán học Việt Nam mà còn tham gia rất nhiều hoạt động văn hóa như viết sách, giới thiệu sách, tham gia các chương trình từ thiện, cổ vũ giới trẻ hướng về các giá trị nhân văn như một cách khẳng định "gà nòi" còn cần nhiều hơn thế để trở thành những tài năng thật sự.

Theo Theo Doanh nhân Sài Gòn Online
MỚI - NÓNG