Sức mạnh khủng khiếp của tên lửa phòng không vác vai Verba

Hệ thống tên lửa vác vai thế hệ mới Verba vượt trội so với tất cả các sản phẩm tương tự.
Hệ thống tên lửa vác vai thế hệ mới Verba vượt trội so với tất cả các sản phẩm tương tự.
Từ năm 2015 đến nay, lực lượng vũ trang Nga đã và đang tiếp nhận các hệ thống tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) thế hệ mới Verba.

Đây là sản phẩm độc đáo do các chuyên gia Cty cổ phần NPK "Viện chế tạo máy" ở Kolomensk, trực thuộc Cty cổ phần NPO "Hệ thống chính xác" nằm trong tập đoàn Rostec, thiết kế.

Hệ thống mới nhất trên trước tiên được trang bị cho các lữ đoàn Bộ binh (bộ binh cơ giới và xe tăng), cũng như các sư đoàn dù. Quân đội Nga không chỉ nhận được các hệ thống tên lửa Verba mà cả thiết bị bảo dưỡng, đào tạo, cũng như thiết bị phát hiện với hệ thống điều khiển tự động Barnaul-T.

Verba được trang bị cho quân đội Nga năm 2015 và lần đầu tiên trình làng tại Diễn đàn Kỹ thuật Quân sự quốc tế "Army 2015" tại Kubinka ở ngoại ô Moskva. Hệ thống MANPADS này có các khả năng và đặc điểm vượt trội so với tất cả các sản phẩm tương tự sử dụng trong quân đội các nước khác trên thế giới.

Độc đáo trên chiến trường

MANPADS được thiết kế dành cho một người bắn duy nhất. MANPADS với tên lửa dẫn đường (thực chất là một bước tiến mới) lần đầu tiên được sử dụng năm 1969 trong "cuộc chiến tiêu hao" Arab-Israel. Đó là MANPADS Strela-2 của Liên Xô. Trong 1 ngày, chỉ bằng 3 quả tên lửa, Strela-2 đã hạ gục 3 máy bay A4 Skyhawk của Israel. Kết quả này gây sốc cho các chuyên gia quân sự. Trong trận chiến đó 2 quả tên lửa đã được bắn vào các máy bay Mirage III, song mục tiêu nằm ngoài tầm với của tên lửa.

Một vài năm trước đã xuất hiện hệ thống tên lửa Red Eye của Mỹ. Và từ những năm đó MANPADS đã được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới.

MANPADS rất phù hợp trong các cuộc chiến tranh hệ thống-trung tâm và chiến tranh lồng ghép. Ban đầu chúng được chế tạo để bảo vệ các quân đoàn bộ binh và suốt hơn 1/2 thế kỷ tồn tại đã chứng minh chúng là các vũ khí chiến đấu tốt trong quân đội hiện đại nhờ khả năng sử dụng đơn giản và tính hiệu quả. Trong suốt lịch sử của mình, MANPADS Liên Xô và sau đó của Nga đã hạ gục hơn 700 thiết bị bay. Chúng được sử dụng ở Ai Cập, Iraq, Nam Tư, Ethiopia, để bảo vệ các đơn vị quân đội trong cuộc xung đột ở Peru.

Tên lửa vác vai Stinger nổi tiếng tại Afghanistan từ năm 1986. Các MANPADS này đã hạ gục hơn 100 máy bay và trực thăng Liên Xô. Các nhóm đặc nhiệm Liên Xô đã săn lùng hệ thống Stinger và trong một thời gian ngắn đã đoạt được một số tên lửa, sau đó đưa về Liên Xô sử dụng để chế tạo các hệ thống chống lại chúng.

Ngoại hình dễ nhầm lẫn

Người chế tạo ra MANPADS đầu tiên của Nga là các Tổng công trình sư thiên tài Boris Shavyrin và Sergey Nepobedimyi. MANPADS chỉ là một trong gần ba chục sáng chế của Nepobedimyi và NPK "Viện chế tạo máy". Trong số này có tổ hợp tên lửa chiến thuật Oka, mà thay thế nó là Iskander; tổ hợp bảo vệ tăng chủ động Arena; tổ hợp tên lửa chống tăng hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết Khrizantema-S và nhiều hệ thống khác. Hiện Tổng công trình sư của NPK "Viện chế tạo máy" là học trò của Nepobedimyi, ông Valery Kashin. Dưới sự lãnh đạo của ông, Viện trên đã chế tạo hệ thống tên lửa Igla-S, mà sự phát triển của nó là hệ thống Verba.

Tuy bề ngoài giống với Igla-S, song Verba là hệ thống vũ khí hoàn toàn khác với các tính năng mới. Verba có thể bắn hạ không chỉ các mục tiêu truyền thống trên không như máy bay và trực thăng, mà còn có thể tiêu diệt các mục tiêu bay thấp như tên lửa hành trình và máy bay không người lái (UAV).

So với Igla-S, Verba đã tiến bộ đáng kể. Lần đầu tiên trên thế giới hệ thống này sử dụng đầu đạn mới tự dẫn đường quang học 3 băng (hay 3 quang phổ) hoạt động trong các vùng tử ngoại, hồng ngoại gần và hồng ngoại trung. Điều này cho phép có thêm thông tin về mục tiêu để hệ thống trở thành vũ khí có "chọn lọc".

Ba cảm biến liên tục kiểm tra nhau khi bị thiết bị bay mà tên lửa muốn bắn hạ gây khó bằng cách đánh lừa thông qua các mục tiêu giả. Đầu đạn tự dẫn đường sẽ tự "chọn" mục tiêu nhiệt giả (nhiễu), và tập trung vào đối tượng dù không phải là bức xạ nhiệt đáng kể nhất, nhưng là mục tiêu cần tấn công. Độ nhạy của đầu đạn tự dẫn đường tăng lên đến 8 lần. Nhờ đó khu vực tìm và bắn hạ mục tiêu trên không tăng 2,5 lần so với Igla-S. Tổ hợp Verba còn được trang bị hệ thống ngắm ban đêm Mowgli-2.

Hệ thống điều khiển tự động cho phép Verba phát hiện các mục tiêu trên không, kể cả các nhóm mục tiêu, xác định thông số bay của chúng và thậm chí phân bổ mục tiêu giữa các lần bắn. Động cơ tên lửa mới cho phép hạ mục tiêu ở khoảng cách 6km. Độ cao hoạt động của tên lửa là từ 10m đến 3,5km. Trọng lượng ống phóng cùng nguồn điện và tên lửa trong ống khi vào vị trí chiến đấu chỉ là 17,25 kg.

Theo lời Tổng công trình sư Kashin, tên lửa "hoàn toàn" ứng dụng kỹ thuật số. Hệ thống dẫn đường được thiết kế để có thể sử lý các hệ thống chống tên lửa của mục tiêu. Người sử dụng chỉ cần bóp cò, sau đó mọi thứ do tên lửa tự thực hiện. Hệ thống nhận dạng "bạn hay thù" làm giảm đáng kể nguy cơ tấn công các thiết bị hay thân thiện.

Đối thủ cạnh tranh tụt hậu theo năm tháng

MANPADS Verba có thể sử dụng không chỉ bằng cách vác vai. Trong tương lai, nó có thể gắn trên tháp pháo tàu chiến hay trực thăng. MANPADS Igla-S đang được sử dụng cho hệ thống gắn trên tàu Gibka và các modul tự động Strelesh trên máy bay trực thăng quân sự. Theo ông Kashin, Verba cũng sẽ được ứng dụng theo hướng này. Hơn nữa, Verba ngay từ đầu đã được phát triển tính đến khả năng sử dụng nó trên các "thiết bị quân sự di động" khác.

Tính năng của Verba không chỉ vượt trội so với các MANPADS Igla-1, Igla, Igla-S sử dụng trong quân đội Nga, mà cả các hệ thống tương tự của nước ngoài như Stinger Block I của Mỹ, và QW-2 của Trung Quốc. MANPADS của Mỹ về cơ bản thua Verba trên tất cả các khía cạnh.

Chính phủ Nga đã cho phép bán hệ thống tên lửa vác vai này cho nước ngoài và hệ thống đã có khách mua. Tuy nhiên các nhà sản xuất không nêu tên quốc gia mua hệ thống. Quân đội Mỹ gọi MANPADS mới của Nga là một trong những loại vũ khí "đáng lo ngại" nhất, và khả năng xuất khẩu chúng là "sự kiện có khả năng đe dọa". Báo Mỹ Business Insider cho rằng Nga đã tạo ra hệ thống phòng không nguy hiểm nhất trong lịch sử.

Khả năng Nga xuất khẩu Verba khiến cho cả Israel lo ngại. Họ cho rằng Verba có thể loại bỏ hầu hết các hệ thống bảo vệ của quân đội phương Tây. Trong những cuộc xung đột địa phương suốt 3 thập kỷ qua, mối đe dọa lớn nhất đối với máy bay quân sự chính là MANPADS.

Chính phủ Israel đã quyết định trang bị cho hạm đội máy bay hệ thống chống hồng ngoại DIRCM để bảo vệ trước MANPADS. Hệ thống này kết hợp máy dò quang thụ động phát hiện các tên lửa để đưa ra giải pháp đối phó. Các nhà phát triển hệ thống khẳng định chùm tia laser sẽ vô hiệu hóa tên lửa tấn công bắn vào máy bay. Tuy nhiên các chuyên gia quân sự Nga khẳng định hệ thống này không vô hiệu hóa được Verba.

Theo Theo Báo Tin Tức
MỚI - NÓNG