Sức bật Việt hậu COVID-19

 Lực lượng Hải quan kiểm tra hàng hóa của doanh nghiệp xuất nhập khẩu
Lực lượng Hải quan kiểm tra hàng hóa của doanh nghiệp xuất nhập khẩu
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, trong bối cảnh cuộc đại suy thoái toàn cầu, Việt Nam là quốc gia hiếm hoi cho tới lúc này vẫn đạt được mức tăng trưởng kinh tế dương. Với sự đồng hành, tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, các bộ ngành, cùng sự chủ động, sáng tạo của người dân và doanh nghiệp, Việt Nam hoàn toàn có hy vọng vào cơ hội có thể bật lên mạnh mẽ sau khi dịch COVID-19 được khống chế.  

Xuất siêu vẫn đạt gần 11 tỷ USD

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, dịch COVID-19 tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế toàn cầu. Ngoài những tác động từ bên ngoài, Việt Nam cũng phải chịu những tác động trực tiếp của dịch bệnh khi phải thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế đi lại…

“Nhiều doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng trực tiếp như vận tải, hàng không và các DN trong khối dịch vụ, du lịch. Bên cạnh đó, có  những DN bị ảnh hưởng gián tiếp như dệt may, da giày, ngành hàng tiêu dùng, thực phẩm… do các nước đóng cửa để ngăn dịch lây lan. Nhiều dự án, công trình đình trệ vì chưa nhập khẩu được thiết bị, chuyên gia không nhập cảnh được”, Bộ trưởng Dũng chia sẻ.

Dẫu vậy, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, tới hết tháng 8/2020, GDP của Việt Nam vẫn tăng trưởng dương và xuất siêu đạt gần 11 tỷ USD, cán cân thanh toán ổn định.

Sức bật Việt hậu COVID-19 ảnh 1 Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Khi dịch COVID-19 bùng phát ở Việt Nam, để hạn chế những tác động tiêu cực, Bộ trưởng Dũng cho biết, Bộ Tài chính đã theo dõi sát diễn biến thực tế, tham khảo kinh nghiệm tại các quốc gia đang chịu ảnh hưởng của dịch, cũng như những khuyến nghị của các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Từ đó, Bộ đã đưa ra những đề nghị với Chính phủ, Quốc hội và các ngành liên quan nhằm đạt được những bước tiến quan trọng trong việc chống dịch và khắc phục hậu quả của dịch.

“Về dài hạn, Chính phủ, Quốc hội và các bộ, ngành cần quan tâm theo dõi sát những diễn biến của dịch bệnh, tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia thành công trong khắc chế tác hại của COVID-19 để có thể đưa ra những giải pháp hỗ trợ đúng và chính xác. Người dân, DN cũng phải chủ  động, sáng tạo và tận dụng thời cơ, tuyệt đối không ỷ lại vào trợ cấp”. 


Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng

Cụ thể, theo ông Dũng, Bộ đã điều chỉnh giảm phí và lệ phí để giảm thiểu khó khăn tới mức tối đa cho DN. Với vấn đề thuế, Bộ đã kịp thời trình Chính phủ một loạt chính sách miễn giảm thuế xuất nhập khẩu (XNK) trang thiết bị y tế, phụ tùng linh kiện cho sản xuất lắp ráp của các DN công nghiệp phụ trợ, dệt may, da giày, chế biến nông lâm thủy sản... Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội miễn giảm 30% thuế bảo vệ môi trường của nhiên liệu bay, 30% thuế thu nhập DN cho DN có doanh thu dưới 200 tỷ đồng/năm, tiếp tục kéo dài miễn thuế đất nông nghiệp tới năm 2025, gia hạn giãn thuế và tiền thuê đất năm nay của các DN và các hộ cá nhân… So với năm 2019, các mức miễn giảm đã đạt khoảng gần 70.000 tỷ đồng.

Ngoài những hỗ trợ để giảm chi phí kinh doanh, Bộ Tài chính cũng đã hỗ trợ cho các DN giảm nghĩa vụ, tăng tích luỹ và cùng với những hỗ trợ có điều kiện của ngành ngân hàng, các DN đã có thể duy trì, đảm bảo dòng tiền. Hiệu quả của những giải pháp trên cho thấy, ngay trong khoảng thời gian tháng 6, tháng 7 vừa qua (trước khi dịch tái bùng phát ở Đà Nẵng), khi dịch giảm, khi dịch vụ và sản xuất - kinh doanh tái khởi động là có những tín hiệu đáng mừng ngay.

Với người dân, đặc biệt là người lao động bị mất việc làm, theo ông Dũng, Chính phủ đã có Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, thực hiện gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách là 36.000 tỷ đồng.

Người dân, doanh nghiệp phải sáng tạo, tránh ỷ lại

Hiện nay, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, trong thẩm quyền của mình, Bộ đề nghị Chính phủ duy trì các chính sách miễn giảm thuế, phí tới hết năm 2020. Sau đó, theo sát diễn biến của tình hình dịch bệnh để tiếp tục đánh giá, cập nhật và có những chính sách kịp thời hỗ trợ, hoặc là mới hơn, hoặc là mạnh mẽ hơn để hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, Bộ Tài chính sẽ rà soát, đánh giá một cách toàn diện hệ thống chính sách pháp luật về thuế để sửa đổi một cách toàn diện, phù hợp với yêu cầu hội nhập trong giai đoạn tới.

Về dài hạn, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Chính phủ, Quốc hội và các bộ, ngành cần quan tâm theo dõi sát những diễn biến của dịch bệnh, tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia thành công trong khắc chế tác hại của COVID-19 để có thể đưa ra những giải pháp hỗ trợ đúng và chính xác, nhất là với gói hỗ trợ lần 2.

Trong khi đó, người dân, DN, theo người đứng đầu Bộ Tài chính, cần phải chủ  động, sáng tạo và tận dụng thời cơ, tuyệt đối không ỷ lại vào trợ cấp. Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể an toàn vượt qua thời điểm khó khăn do dịch bệnh kéo dài như hiện nay.

Về giải pháp dài hạn, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết bộ sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất - kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh hoàn thiện thể chế tài chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đảm bảo tính đồng bộ, công khai, minh bạch, ổn định. Cùng với đó là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về thuế, hải quan, thủ tục về chứng từ xuất xứ hàng hóa, mã số hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp…

“Với những thành tích đạt được trong khắc chế dịch COVID-19 và bối cảnh cuộc đại suy thoái toàn cầu, Việt Nam là quốc gia hiếm hoi cho tới lúc này vẫn đạt được mức tăng trưởng kinh tế dương. Kết hợp với những chính sách ưu đãi như đã nói ở trên, nếu tổ chức thực hiện tốt, Việt Nam hoàn toàn có thể hy vọng vào cơ hội có thể bật lên mạnh mẽ sau khi dịch COVID-19 được khống chế”, vị bộ trưởng nhấn mạnh. 

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, tới hết tháng 8/2020, GDP của Việt Nam vẫn tăng trưởng dương và xuất siêu đạt gần 11 tỷ USD, cán cân thanh toán ổn định.

MỚI - NÓNG