Sửa điều kiện kinh doanh: Lo ngại các nghị định “tám không”

Đại diện FPT cho rằng, dự thảo nghị định về ĐKKD về an toàn thông tin khiến DN khó đáp ứng. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Đại diện FPT cho rằng, dự thảo nghị định về ĐKKD về an toàn thông tin khiến DN khó đáp ứng. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - “Hoạt động rà soát, ban hành các nghị định về điều kiện kinh doanh (ĐKKD) rất chậm chạp, cơ học, đặt ra nhiều quan ngại về sự minh bạch, khi cộng đồng doanh nghiệp (DN) ít có cơ hội tham gia vào hoạt động xây dựng này”- ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, tại hội thảo về ĐKKD Nhận diện và kiến nghị diễn ra ngày 14/6 tại Hà Nội.

Điều kiện làm khó vẫn bủa vây doanh nghiệp

Ông Hà Thanh Tùng, đại diện Cty TNHH Sản xuất, Thương mại và Dịch vụ Đông Tùng từ Hà Giang mang đến hội thảo nhiều bức xúc về những điều kiện kinh doanh trong Nghị định 19 về kinh doanh khí và Thông tư 03 của Bộ Công Thương hướng dẫn nghị định này.

Theo ông Tùng, nghị định trên quy định thương nhân phân phối phải có các bồn với tổng sức chứa tối thiểu 300 m3; số LGP (khí hóa lỏng) trong chai các loại trên 2,62 triệu lít (khoảng 100 nghìn vỏ chai gas loại 12 kg/bình).

Ông Tùng cho rằng, để đáp ứng điều kiện trên, các trạm chiết nhỏ sẽ phải vay vốn khoảng 25 tỷ đồng mua thêm vỏ chai, đầu tư thêm bồn trữ và kho chứa, nhưng vấn đề là không có người mua.

Theo ông Tùng, để trở thành thương nhân phân phối gas, phải xin 2 “giấy phép con”, trong khi trước đây chỉ 1 giấy. Tuy nhiên, nếu làm đúng quy định của Thông tư 03, nhiều DN không có cách gì để xin được giấy phép. Chưa kể, theo quy định trên, từ lúc xin giấy phép của Bộ Công Thương đến khi đại lý nhận được giấy phép bán hàng, DN mất 135 ngày trong khi trước đó, thời gian cấp chỉ 7 ngày.

Ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Cty TNHH TM Thiên An Phúc (Hà Nội), đại diện cho các DN nhập khẩu ô tô cũng “kêu trời” về Thông tư 20 (năm 2011) của Bộ Công Thương, đang được “sao chép” vào dự thảo nghị định mới để trình Chính phủ. 

Theo ông Tuấn, thông tư 20 yêu cầu DN phải có giấy ủy quyền của chính hãng mới được nhập khẩu ô tô, và đây là điều kiện bắt buộc khiến nhiều DN ngắc ngoải. “Liệu yêu cầu này có trái với Luật DN về điều kiện đầu tư kinh doanh, và có phải vì lợi ích nhóm và kéo dài điều kiện này”- ông Tuấn nói.

Ông Nguyễn Minh Đức (Tập đoàn FPT), đại diện cho nhóm DN khởi nghiệp phản ánh một số bất cập trong dự thảo nghị định về ĐKKD về an toàn thông tin sẽ khiến cả DN lớn, cũng như DN khởi nghiệp rất khó đáp ứng. 

Chẳng hạn, dự thảo yêu cầu có cán bộ kỹ thuật chịu trách nhiệm chính phải có bằng đại học chuyên ngành về an toàn thông tin. Nhưng thực tế DN không thể tìm được người có chuyên ngành này.

Lo ngại thiếu minh bạch, chất lượng yếu

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Cty Luật BASICO cho rằng, sau 16 năm (từ năm 2005 khi có Luật DN), số “giấy phép con” - các ĐKKD do các bộ, ngành và chính quyền địa phương ban hành trái luật không những không giảm, còn không ngừng “tăng vọt” với con số lên đến khoảng 4.000 ĐKKD trái luật.

Luật sư Đức cũng bày tỏ lo ngại, nếu vẫn không dứt khoát về quan điểm và tôn trọng quy định nêu trên của Luật Đầu tư, ngoài 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, sẽ mọc thêm và không biết nguy cơ không xác định được có “267 +” bao nhiêu ngành, nghề có điều kiện nữa.

“Về bản chất rất nhiều điều kiện kinh doanh vẫn như cũ mà chưa có sự sàng lọc, đánh giá để cân nhắc sửa đổi, loại bỏ. Chưa có sự đánh giá, xem xét trong 267 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện có những ngành, nghề nào không thực sự cần thiết phải áp đặt về điều kiện kinh doanh để kiến nghị loại bỏ khỏi danh mục”. 

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết, qua rà soát, có 50 nghị định, được nâng cấp từ các thông tư, với 267 ngành nghề kinh doanh. Tuy nhiên, ông Tuấn cho hay, đến hết tháng 5, các bộ đã trình 38 nghị định lên Chính phủ. “Bộ Tư pháp đang quá tải, phải thẩm định 44 nghị định trong một tuần, không biết chuyên gia nào đọc cho hết các nghị định này được. Trong đó, chỉ 24/50 nghị định được lấy ý kiến của VCCI”- ông Tuấn nói.

Trưởng Ban Pháp chế VCCI tỏ ra lo ngại vì các nghị định “làm gấp” nên sẽ có tình trạng “tám 0” là: Không đăng dự thảo trên mạng, không gửi lấy ý kiến DN, không tổ chức hội thảo, không đánh giá tác động, không tổng kết thi hành, không kiểm soát thủ tục hành chính, không bản thuyết minh, không bản giải trình, tiếp thu ý kiến. “Ngay cả chúng tôi, khi đi tìm các dự thảo nghị định của các bộ cũng hết hơi”- ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cho rằng: “DN không sợ các ĐKKD, họ chỉ sợ ĐKKD không minh bạch”. Trong khi đó, với những rừng rào cản kinh doanh khiến cộng đồng DN bức xúc hiện nay, Luật sư Trần Hữu Huỳnh bình luận: “Không biết có ai lấy vấn đề ĐKKD làm đề tài tiến sĩ chưa, sẽ tốt hơn thay vì đề tài lời ăn tiếng nói của ông chủ tịch xã nào đó”.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, có rất nhiều thách thức để hiện thực hóa được “quyền tự do kinh doanh”, khi DN đang đối mặt những  “chằng chịt” về ĐKKD. Theo ông, có khoảng 5.826 điều kiện với 267 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư. Trong đó, có gần 3.000 điều kiện hiện đang được quy định tại các văn bản không đúng thẩm quyền.

MỚI - NÓNG