“Nếu ngày trước, lịch sử tiến chậm hơn cuộc đời con người, thì ngày nay nó tiến nhanh hơn, nó chạy, nó tuột khỏi con người. Bản sắc của một cuộc đời có nguy cơ tan vỡ” - Milan Kundera nhận xét (Tình yêu trong lịch sử tăng tốc - Một cuộc gặp gỡ - NXB Văn học, 2013).
Trong những thế kỷ trước, một con người từ buổi chào đời cho đến khi chết thường chỉ diễn ra trọn vẹn trong một thời kỳ lịch sử duy nhất. Ngày nay, nó vắt qua hai, đôi khi nhiều thời kỳ lịch sử. Nhưng suy ra từ Kundera, nguy cơ đổ vỡ không chỉ xảy đến với một cuộc đời, mà với cả một thế hệ, nhiều thế hệ...
Bóng dáng một con người nhỏ bé ngồi đối diện với môn Lịch sử trong phòng thi, điển hình cho sự cô đơn của con người với quá khứ. Nói đó là sự quay lưng lại của số đông với lịch sử truyền thống, không sai. Nói là ngoảnh mặt với một môn học “khổ sai”, khô cứng và nhạt nhẽo trong nhà trường, cũng đúng. Rất quen thuộc với những đề thi học kỳ môn Sử ở các lớp cấp 2, trong đó yêu cầu phải lập biểu, bảng so sánh những giai đoạn lịch sử rất dài, rồi bắt nhận định đánh giá hàng loạt vấn đề mang tầm nhân loại, mà đến luận án thạc sĩ, tiến sĩ cũng chưa chắc giải quyết xong.
Bóng một người ngồi với Lịch sử trong phòng thi, khiến nhớ đến nhân vật chính tên Khẩn trong tiểu thuyết “Ngồi” của Nguyễn Bình Phương. Khẩn - kẻ không được sinh ra, mà chỉ “thành hình” trong tư thế ngồi theo thế tọa thiền trên mảnh đất có tên Giao Chỉ, cảm nhận “Thời gian là cái gì đó lờ mờ, buồn bã”. Khẩn ngồi bên cây cột đồng mang bóng huyền sử xa xăm, để cuối cùng bỗng thấy mình ngồi bên cây cột điện giữa thời đại xô bồ bên cạnh lăn lóc những vỏ lon bia cùng rác rưởi, nước thải.
“Lịch sử là lời báo trước đích đáng nhất” (Byron, nhà thơ Anh thế kỷ 19). Hãy tin và nên biết sợ về điều đó. Khi lịch sử, thời gian trôi xuôi thật nhanh trong mỗi con người, còn nền văn minh thì đang quay ngược.