Sự thật sau phát ngôn của Chủ tịch VASI: Việt Nam chỉ làm được ốc vít cho biển số ô tô?

0:00 / 0:00
0:00
Sự thật sau phát ngôn của Chủ tịch VASI: Việt Nam chỉ làm được ốc vít cho biển số ô tô?
TPO - Đánh giá về năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất ô tô của Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) Phan Đăng Tuất về việc “Việt Nam chỉ làm được ốc vít cho biển số xe ô tô” đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Chia sẻ của ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI) gây chú ý của dư luận khi đặt câu hỏi “Liệu Việt Nam đã có ngành công nghiệp ô tô hay chưa?”. Tuy nhiên, chính câu trả lời đi kèm: Việt Nam hiện nay “vừa có, vừa chưa có ngành công nghiệp ô tô” gây nhiều chú ý của dư luận hơn cả khi đối mặt nhiều ý kiến khác nhau từ các chuyên gia trong ngành.

Theo ông Phan Đăng Tuất, trên một chiếc ô tô hiện nay có hơn 20.000 chi tiết linh kiện, cần tới hơn 200 mã kim loại. Hiện nay các doanh nghiệp tại Việt Nam chưa thể chế tạo được một mã kim loại nào trong tổng số 200 mã đó. Chúng ta chỉ mới làm được cái ốc vít bắt biển số xe”. Chủ tịch VASI cũng cho rằng, đúng là ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam đã có sự phát triển trong thời gian qua. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ để sản xuất, gia công nhiều sản phẩm, linh kiện đáp ứng nhu cầu thị trường, qua đó có thể thâm nhập được vào chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp vật liệu, tức là nguyên liệu để sản xuất, chế tạo linh kiện cho xe tô tô của Việt Nam vẫn chưa phát triển, nhất là trong việc sản xuất thép hợp kim. Vì lẽ đó, hầu hết các nguyên liệu cao cấp để chế tạo, gia công và sản xuất linh kiện cho ô tô đều phải nhập khẩu do chưa sản xuất được trong nước.

Về đánh giá của Chủ tịch VASI, đại diện Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) cho rằng, nói “Việt Nam chỉ làm được ốc vít cho biển số ô tô” là chưa xác đáng, và phần nào cho thấy sự đánh giá chưa hết về năng lực của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Theo vị này, hiện các doanh nghiệp thành viên của VEAM là DISOCO, FOMECO đã trực tiếp sản xuất và xuất khẩu được nhiều linh kiện ô tô.

“Từ gần 10 năm trước, sản phẩm chủ lực của Công ty Cơ khí 19-8 có trụ sở tại Sóc Sơn (Hà Nội) là nhíp, lò xo cho các dòng xe tải đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn DIN của Cộng hoà liên bang Đức và xuất khẩu sang châu Âu, thu về cả chục triệu USD mỗi năm. Còn tính riêng về sản xuất ốc vít, Công ty CP Ốc vít Brother Việt Nam ở Bắc Ninh cũng đã có nhiều sản phẩm phục vụ cho các ngành công nghiệp như ô tô, đồ gia dụng, thiết bị điện, điện tử và gần đây đang hướng tới các sản phẩm cho ngành hàng không”, đại diện VEAM cho hay.

Sự thật sau phát ngôn của Chủ tịch VASI: Việt Nam chỉ làm được ốc vít cho biển số ô tô? ảnh 1

Ngày càng có nhiều các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam tham gia nhiều công đoạn sản xuất các chi tiết của ô tô tại chính Việt Nam. Ảnh: Như Ý

Xác nhận sự thay đổi mạnh mẽ của các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, đại diện Samsung Việt Nam cũng cho rằng, sự đổi thay của không ít doanh nghiệp sản xuất Việt Nam đang diễn ra khá mạnh mẽ. Bằng chứng là ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã trở thành nhà cung cấp cấp 1, cấp 2 cho các nhà máy của tập đoàn tại Việt Nam.

Theo đại diện Samsung Việt Nam, cùng với sự thay đổi tự thân, các doanh nghiệp Việt Nam cũng rất nỗ lực trong việc phát triển, đổi mới hoạt động để đặt chân ngày càng sâu hơn vào chuỗi cung ứng. Cụ thể, cùng với chương trình phát triển tài năng chuyên gia, chương trình nhà máy thông minh (Smart Factory), Samsung đang thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ phát triển cho các doanh nghiệp thuộc các ngành công nghiệp có giá trị cao của Việt Nam.

“Nhờ những chương trình và hoạt động này, số lượng nhà cung cấp cấp 1 và cấp 2 của Việt Nam, trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung tăng gấp 10 lần, từ 25 doanh nghiệp vào năm 2014 lên 257 doanh nghiệp vào cuối năm 2022”, đại diện Samsung Việt Nam cho biết.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cơ khí Việt Nam (VAMI), ông Nguyễn Chỉ Sáng cho rằng, khi phát triển ngành công nghiệp ô tô, không cần thiết phải có ngành công nghiệp vật liệu hay có ngành công nghiệp luyện thép. Trong sản xuất chế tạo ô tô, không có một đất nước nào sản xuất từ A đến Z cả, mà có thể mua linh kiện để gia công, lắp ráp.

Vấn đề quan trọng là làm chủ công nghệ để chế tạo sản xuất linh kiện, phụ tùng, thiết bị cho ô tô, tức là chỉ cần có ngành công nghiệp phụ trợ. Theo ông Sáng, dù ngành công nghiệp luyện kim, công nghiệp vật liệu của Việt Nam hiện có những hạn chế, nhưng không đến mức không chế tạo, sản xuất được sản phẩm nào.

"Trên thực tế, Viện Nghiên cứu cơ khí đã thiết kế được bộ Jig hàn (hệ thống đồ gá hàn, robot, khí nén và điều khiển) và đã cung cấp cho VinFast để sản xuất ô tô xuất khẩu đi Mỹ. Thaco đã có máy dập lớn dập các chi tiết thân vỏ, đó là những công nghệ hiện đại. Vì vậy nếu nói không làm được gì cũng là không phù hợp", ông Sáng nói.

Một lãnh đạo Bộ Công Thương cũng khẳng định đến nay tỉ lệ nội địa hóa một số dòng xe sản xuất, lắp ráp trong nước khá cao do khả năng cung ứng các sản phẩm công nghiệp phụ trợ nội địa được cải thiện. Trong đó, xe tải đến 7 tấn đáp ứng khoảng 70% nhu cầu, với tỉ lệ nội địa hóa trung bình 55%; xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng đáp ứng khoảng 90% nhu cầu, với tỉ lệ nội địa hóa đạt từ 20 - 50%.

Một số doanh nghiệp nội địa đã tham gia sâu vào chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu. Một số loại sản phẩm đã xuất khẩu sang thị trường Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Mỹ... “Phải thừa nhận ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam mới chỉ tham gia phân khúc thấp của chuỗi giá trị. Phụ tùng linh kiện ô tô đang sản xuất tại Việt Nam chủ yếu là các phụ tùng thâm dụng lao động, công nghệ giản đơn. Việt Nam phải nhập khẩu ròng hầu hết các nhóm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, nhất là các bộ phận, linh kiện quan trọng, thuộc hệ thống phanh, ly hợp, hộp số, hệ thống lái...", vị này nói.

MỚI - NÓNG