Năm 2009, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một hộp sọ với xương hàm và hai đốt sống dưới một hố sâu của vùng đất sét Heslington, York, Anh.
Đáng nói hơn, các nhà khảo cổ thực sự sốc khi bộ não trong hộp sọ này vẫn còn nguyên vẹn sau hàng nghìn nằm. Thậm chí, các nếp nhăn trên vỏ não vẫn còn in rõ.
Lúc đầu, các nhà khảo cổ nghĩ rằng họ tìm thấy một hộp sọ bình thường. Thế nhưng sau khi làm sạch phần xương sọ, họ đã có một phát hiện rúng động: bộ não trong hộp sọ vẫn còn gần như nguyên vẹn.
Nhà khảo cổ Rachel Cubitt cho biết: "Tôi chăm chú nhìn qua lỗ đáy của hộp sọ và phát hiện ra một điều đáng kinh ngạc. Nó không giống như bất cứ điều gì tôi đã thấy trước đây".
Kiểm tra phân tử carbon đối với phần xương hàm, các nhà khoa học xác định chủ nhân của bộ não có thể đã sống ở thế kỷ VI trước công nguyên. Một kiểm tra khác trên hộp xương sọ và răng chỉ ra rằng, người này tử vong ở độ tuổi từ 26 đến 45 tuổi.
Tuy nhiên, để trả lời cho câu hỏi "Vì sao bộ não vẫn còn tồn tại gần như nguyên vẹn sau hàng nghìn năm", các nhà khảo cổ đã phải mất nhiều năm nghiên cứu với nhiều giả thuyết.
Vừa qua, họ tuyên bố rằng, nguyên nhân sự tồn tại kỳ diệu của bộ não kể trên do nó ở trong một hộp sọ, chôn trong môi trường đất sét mặn. Điều này giúp bộ não tránh được quá trình oxi hóa. Các mô não không bị phân hủy, các tế bào vẫn giữ được hình dạng và cấu trúc ban đầu.
Phát hiện này được cho là quan trọng bởi theo các nhà khoa học, nó chứng tỏ cấu trúc của tế bào thần kinh có thể tồn tại qua một thời gian rất dài.