Sự thành công của thuyết “phản tiếp thị”

Sự thành công của thuyết “phản tiếp thị”
Cuối tuần qua, hàng triệu độc giả may mắn vớ được “Harry Potter and the Half- Blood Prince”. Ngay trong ngày đầu phát hành đã có 10 triệu bản được bán ra. Với con số 13 cuốn/giây, Harry Potter 6 sẽ xô đổ mọi kỷ lục của các tập Harry Potter trước đó. 

Về nội dung, những nhận xét chuyên môn đầu tiên ở chính nước Anh không được tốt như đối với các tập Harry Potter trước. Người phụ trách văn hóa tờ Independent on Sunday Suzi Feay bình luận: “Harry Potter 6 quá dài, nội dung lan man, không được gọt giũa hợp lý”.

Tờ Sunday Express giật tít: “Xin lỗi JK, tác phẩm của bà không thu hút chúng tôi”. Theo một số đánh giá có phần trung lập thì lẽ ra cuốn truyện được kỳ vọng này phải được biên tập lại một lần nữa và cắt gọt mạnh tay hơn. Tất cả những điều xảy ra trong 459 trang đầu tiên có thể “nén lại” trong vài chục trang.

Nhà phê bình của BBC, Darren Waters cũng tỏ sự thất vọng: “Xét từ nhiều phương diện, Harry Potter 6 dường như chỉ là sự chuẩn bị cho tập 7, cuốn cuối cùng của Rowling. Trong nhiều phần của Harry Potter 6, tác giả mô tả hoặc điểm lại những điều đã được biết đến, hoặc dành nhiều thời gian giới thiệu các nhân vật sẽ xuất hiện trong cuốn 7”. 

Ngược lại, một độc giả người lớn của “Globe and Mail” lại khen ngợi “Harry Potter and the Half-Blodd Prince” và cho rằng Joanne K. Rowling đã giữ lời hứa, mở ra những mảng tối của trường phù thủy Hogwart. Tờ “New York Times” so sánh Rowling với  J.R.R. Tolkien, cha đẻ “Chúa nhẫn”. Cảm nhận của độc giả trẻ em cũng tương tự.

Rất nhiều em sau khi đọc xong Harry Potter 6 trả lời phỏng vấn báo chí, đài truyền hình rằng tập 6 là cuốn Harry Potter hay nhất trước nay. Và dù thế nào thì với tốc độ bán đại kỷ lục, “The Half-Blood Prince” có đầy đủ cơ hội trở thành cuốn sách bán nhanh nhất trong lịch sử phát hành, gây một cơn sốt sách chưa từng có trên thế giới.

Về tâm lý, độc giả đã phải mòn mỏi chờ đợi 2 năm (sau Harry Potter 5) để được tiếp tục bay đến thế giới phù thủy và điều này chẳng khác một chiếc lò xo nén chặt giờ được dịp bung ra. Không như những nhà sản xuất khác nếu thấy ăn khách, sẽ tung ra liên tục, Rowling viết khá cầm chừng. 15 năm nay, kể từ khi tìm ra nhân vật Harry Potter (1990) mà tập I còn bị nhiều nhà xuất bản từ chối cho đến lúc Bloomsbury nhận in, Rowling mới cho ra đến tập 6.

Nhờ sự cầm chừng và tiếp thị hợp lý mà 5 tập trước, nhà văn này đã bán được 260 triệu bản, sở hữu tài sản ước chừng 1 tỷ USD, là nữ nhà văn đầu tiên bước vào hàng tỷ phú nhờ tác phẩm của mình. Rowling và Harry Potter đã trở thành hiện tượng trên các diễn đàn thương mại.

Giáo sư chuyên ngành tiếp thị quảng cáo Stephen Brown nhận xét: “David Beckham và Harry Potter đều là những sản phẩm đương đại, được ưa chuộng khắp thế giới, những thương hiệu mới được đưa vào khai thác nhưng rất thành công... Hiện thương hiệu Harry Potter có giá trị ước chừng 4 tỷ USD”. Nhiều người băn khoăn tại sao con đường thành công của Harry Potter có thể nhung lụa đến như vậy?

Mấu chốt chính là mô hình “Phản tiếp thị”, sự từ chối phục vụ, hoặc tạo một cơn sốt giả. Thường thì chúng ta, trong vai trò nhà cung cấp dịch vụ sẽ cố gắng tìm nguyện vọng của khách hàng để đáp ứng. Đối với Harry Potter thì khác: “Chúng tôi biết độc giả muốn gì- nhưng các bạn sẽ không có được điều đó”.

Khách hàng bị “lôi kéo”, “gây tâm trạng căng thẳng” khiến họ gần như vô vọng trông đợi sản phẩm tiếp theo của Rowling. Không chỉ độc giả, mà báo giới, dư luận, truyền hình, phê bình cũng bị cuốn vào guồng. Đến lúc có được tập 6 trong tay rồi, thì nội dung chưa hẳn quan trọng. Giờ lại là sự chờ đợi mòn mỏi để được sở hữu tập 7, sự tiếc nuối vì sẽ không có những tập tiếp theo... Ngôn ngữ hiện đại chính là một kiểu của tâm lý ngược suy đoán lôi kéo khách hàng vào guồng quay của sự việc.

“Mẹ đẻ” của chiến lược tiếp thị thông minh này chẳng phải ai khác chính là Joanne K. Rowling. Thông qua 6 tập Harry Potter, có thể thấy những chi tiết mô tả khá rõ chiến lược tiếp thị được các chuyên gia nghiên cứu của Anh gọi là “Author- preneur” – một cây bút biết rất rõ độc giả muốn gì chứ không chỉ viết vì ham thích.

Tất nhiên, Rowling không phải là nhà văn duy nhất thấu hiểu nhu cầu độc giả. Có thể kể ra Charles Dickens, Mark Twain, L. Frank Baum (Wizard of Oz”) hay Edgar Rice Burroughs (“Tarzan”). Họ đều là những cây bút biết rất rõ độc giả muốn gì. Song trên sân chơi thương mại, chưa ai thành công như Rowling. Đây thực sự là điều các nhà văn khác cần học hỏi.  

MỚI - NÓNG