Sự điềm tĩnh

Cảnh ở một bệnh viện Ảnh: AP
Cảnh ở một bệnh viện Ảnh: AP
TP - Người Nhật mà! Người ta vẫn thường nói vậy. Người Nhật làm việc đến nỗi chính phủ phải ra sắc lệnh nghỉ ngơi. Người Nhật sản xuất hàng hóa để toàn thế giới hễ cầm đến hàng của họ là yên tâm không độc hại.

>> Mênh mông con người

>> Toàn cảnh vụ động đất gây sóng thần tấn công Nhật Bản

Cảnh ở một bệnh viện Ảnh: AP
Cảnh ở một bệnh viện. Ảnh: AP.

Người Nhật dường như cẩn trọng với cả mặt đất họ đi qua, họ cẩn thận khi làm từ cái khuy áo đến cái ô tô, tạo ra bao nhiêu thương hiệu chắc chắn cho xứ sở.

Thời buổi mọi giá trị thay đổi thậm chí hỗn loạn, sự tử tế của người Nhật làm thế giới cân bằng. Nổi tiếng sạch sẽ đứng đắn, đến bất cứ nơi nào họ làm người khó tính mấy cũng hài lòng.

Những vị nguyên thủ từ chức do không thực hiện được lời hứa với dân chúng, quan chức cao cấp từ chức chỉ vì hơn 600 USD. Người Nhật là niềm tự hào của châu Á. Nhưng nhìn người Nhật trong thảm họa động đất sóng thần vừa xảy ra, người ta lại ngạc nhiên về khía cạnh khác của họ.

Cái đống ngổn ngang của thành phố, làng quê, thị trấn, khu công nghiệp, tàu bè máy bay xe cộ nhà cửa trộn với nhau ấy, đủ cho người ở xa thấy kinh hoàng. Còn bao nhiêu người chết trong đống đổ nát, rồi bị sóng cuốn đi chưa tìm thấy.

Nguy cơ rò rỉ hạt nhân. Rét. Đói. Nhà cửa mất trắng. Những thước phim người nước ngoài quay một cách khách quan, không bố trí, cho thấy một vùng thảm họa không hề xảy ra cảnh lộn xộn không hề cướp bóc chen lấn. Chỗ nào cũng xếp hàng trật tự chỉ để nhận một chút thức ăn hay lên xe buýt. Người nọ nhường người kia. Siêu thị giảm giá không ai nỡ đầu cơ trên nỗi khổ của đồng loại.

Những điều ấy nhìn thấy được. Nhưng có nhiều điều ẩn phía sau vẻ điềm tĩnh của người Nhật trước thảm họa- có lẽ rất khó hiểu với chúng ta, nếu ta rơi vào hoàn cảnh của họ. Hầu như rất hiếm nhìn thấy nước mắt. Người đàn ông đứng trước đống đổ nát kể về người thân đã mất.

Ông kể xong và nói: Thôi, dù sao cũng đã mất rồi! Đằng sau câu nói đó là sự chấp nhận, là ý chí gan góc sẽ làm lại tất cả. Người mẹ kể về đứa con gái bị sóng cuốn đi trước mắt, tay nó tuột khỏi tay bà. Người mẹ không khóc, dường như không khóc nổi và cố nuốt nỗi đau vào trong.

Cái vẻ đó của người mẹ lại gây đau xót rất lớn đối với người khác. “Tôi hi vọng con tôi dạt vào đâu đó!”. Dường như trong thảm họa họ đều nuôi hi vọng và nếu không còn hi vọng, họ chấp nhận với thái độ can đảm.

Sự chấp nhận, đương đầu với nỗi đau xuất phát từ chỗ người Nhật rất tự trọng, không muốn biểu hiện sự đau xót một cách ồn ào sợ làm phiền người khác. Khiến cả thế giới ngưỡng mộ, kính trọng.

Ở Việt Nam, những người lớn tuổi kể rằng năm 1946 nghe lời kêu gọi tiêu thổ kháng chiến, bao nhiêu nhà gạch cao tầng thấp tầng ở thị xã thị trấn bị chủ phá sập hết, rồi già trẻ gái trai đeo tay nải đi tản cư mà không hề thắc mắc, không ai phải giải đáp dài dòng. Kháng chiến ở thủ đô bao nhiêu sập gụ tủ chè quý giá khiêng ra làm chiến lũy. Bao nhiêu tiền vàng góp cho quỹ nước trong tuần lễ vàng. Bỏ lại hết phía sau để đi kháng chiến.

Thời chống Mỹ người ta phá nhà lấy ván lót đường, phá vườn tược cho xe đi qua. Đêm B52 đánh Hà Nội hàng đoàn người hầu hết là phụ nữ trẻ em đi ra khỏi thành phố. Xe buýt xe bò xích lô huy động chở người. Trẻ em 7 tuổi đeo ba lô đi theo lớp học. Bố đi chiến đấu. Mẹ theo hướng đơn vị công tác phó mặc đứa con bé tí cho cô giáo trông nom. Tên lửa rồi bom rít trên đầu. Mà lặng lẽ mà trật tự mà chịu đựng can trường rất ít tiếng than vãn kêu ca.

Bây giờ cũng không hiếm lòng tốt nơi biên giới hải đảo, những chỗ cần xây dựng, khó khăn. Nhiều chiến công nhiều sự hi sinh. Hàng ngàn người giấu tên góp của làm từ thiện cứu giúp người khác. Nhưng có vẻ sự điềm tĩnh chấp nhận mất mát, đương đầu với hiểm nguy của người mình giờ đây nhạt đi nhiều lắm.

Chỗ nào cũng thấy vội vã đến mức cuộc sống giống hệt đường giao thông đô thị, mọi người thiếu nước trèo lên vai nhau chỉ để hơn nhau một xăng ti mét rồi vô tình làm tắc cứng tất cả. Thiếu bình tĩnh, thiếu hẳn sự nhường nhịn, nên bề mặt phố xá, làng quê nhuốm cái màu nhem nhuốc rất đặc trưng của Việt Nam. Ai cũng biết ai cũng kêu về sự suy thoái đạo đức nhưng rồi chẳng ai nhường ai, chẳng ai bình tĩnh.

Nhìn sang nước Nhật trong thảm họa, có niềm tin tưởng mạnh mẽ rằng sự đứng lên xây lại của họ chỉ là nay mai. Ngoài sự bình tĩnh đến mức như thanh thản đón nhận tai họa, vì tai họa không chừa ai, người Nhật còn là tấm gương để người ta thấy, ngay trong thảm họa cũng có một thứ văn hóa cao cả, văn hóa của hi sinh và chia sẻ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG