Sốt xuất huyết: Tử vong vì chủ quan

Sốt xuất huyết: Tử vong vì chủ quan
TP - Một bệnh nhân 25 tuổi ngụ ở Sóc Trăng đã tử vong sau khi mắc sốt xuất huyết nhưng chủ quan vì cứ ngỡ người lớn “miễn nhiễm” với căn bệnh này.

> Bùng phát dịch xuất huyết
> Khống chế sốt xuất huyết nhờ muỗi mang wolbachia

Ca tử vong thứ 5 ở người lớn do mắc sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay ở BV Bệnh nhiệt đới TPHCM. ảnh: L.N
Ca tử vong thứ 5 ở người lớn do mắc sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay ở BV Bệnh nhiệt đới TPHCM. ảnh: L.N.

Bệnh nhân vừa tử vong tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tên là Lê B.Đ. Đây là ca tử vong thứ 5 do sốt xuất huyết xảy ra ở người lớn từ đầu năm đến nay ở khu vực phía Nam. Trước đó, Đ. nhập viện sau khi toàn thân tím tái, tiểu ra máu.

Theo gia đình bệnh nhân, trước khi nhập viện, Đ. đi làm tại một xưởng bánh bao trên địa bàn phường An Lạc, quận Bình Tân, TPHCM. Bệnh nhân có biểu hiện sốt, bỏ ăn nên đã ra quầy thuốc tây để mua thuốc về uống vì nghĩ cảm sốt thông thường.

Mấy ngày sau bệnh vẫn không giảm, Đ. được đưa đến Trạm y tế phường An Lạc và được truyền nước biển và cho thuốc về nhà uống. Bệnh vẫn không thuyên giảm nên Đ. tiếp tục đưa đến Bệnh viện quận Bình Tân, TPHCM thăm khám. Tại đây, bác sĩ kết luận Đ. bị sốt kèm đau họng và cho thuốc về nhà tiếp tục uống.

 Có thể do muỗi sinh sôi ở môi trường nước tù đọng, nhất là khu vực bị ngập nước, sau đó nước rút nên lăng quăng nảy nở. Đa phần các ca mắc ở người lớn nhập viện đều muộn do chủ quan

Bác sĩ Hợp nói về nguyên nhân.

Sau khi nhập vào Bệnh viện quận 6 cấp cứu trong tình trạng tím tái, Đ. được chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cấp cứu và tử vong sau 5 ngày điều trị. Bác sĩ Dương Bích Thủy, khoa Cấp cứu Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, cho biết Đ. mắc sốt xuất huyết ngày thứ 6, nhập viện trong tình trạng mạch huyết áp không đo được, sau đó bị tổn thương đa cơ quan, rối loạn đông máu, hôn mê.

Ghi nhận của phóng viên cho thấy, trong những ngày qua tại Khoa Nhiễm D của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, đã có 74 ca sốt xuất huyết phải nằm điều trị nội trú, có đến 50 ca bệnh người lớn.

Bác sĩ Đỗ Trọng Hợp - Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương cũng cho biết trong một tuần qua, mỗi ngày nơi đây tiếp nhận 15 ca sốt xuất huyết nhập viện, trong khi trước đó chỉ một vài ca.

“Có thể do muỗi sinh sôi ở môi trường nước tù đọng, nhất là khu vực bị ngập nước, sau đó nước rút nên loăng quăng nảy nở. Đa phần các ca mắc ở người lớn nhập viện đều muộn do chủ quan”- bác sĩ Hợp nói về nguyên nhân.

Theo bác sĩ Đỗ Trọng Hợp khi phát hiện đau bụng vùng hạ sườn phải; chóng mặt, đau đầu, tay chân lạnh, vã mồ hôi, tiểu ít trong khi có biểu hiện ói, đi cầu hay tiểu ra máu và vật vã… đều là các dấu hiệu của sốt xuất huyết nên phải nhanh chóng nhập viện điều trị.

Ngoài ra, bác sĩ Hợp cho biết phải vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ khi triều cường rút đi, xúc rửa lu vại đựng nước, tránh để nước tù đọng vì đó là nơi lý tưởng cho muỗi sinh sôi.

Các bác sĩ khuyến cáo, bệnh sốt xuất huyết đang ở giai đoạn cao điểm trong năm. Để hạn chế nguy cơ bị muỗi gây bệnh tấn công, người dân phải thường xuyên ngủ mùng, giữ nhà cửa sạch sẽ thông thoáng, khơi thông ao tù nước đọng, phát quang bụi rậm quanh nhà để muỗi không còn nơi sinh sống.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.