Ngày 19/9, Cục quản lý đường độ III (Tổng Cục đường bộ Việt Nam) đã yêu cầu Chi cục quản lý đường bộ III.1 tiến hành kiểm tra và báo cáo về tình trạng vi phạm hành lang an toàn đường Hồ Chí Minh tại địa bàn huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam).
Theo phản ánh, thời gian qua, khi sông Đắk Mi đoạn qua địa bàn xã Phước Xuân (Phước Sơn, Quảng Nam) trơ đáy do thủy điện Đắk Mi 4 chặn dòng, tình trạng khai thác khoáng sản, cát sỏi diễn ra. Các doanh nghiệp đào bới lòng sông để thăm dò, khai thác cát, sỏi.
Điều đáng nói, việc khai thác này đã được cấp phép và tiến hành đào ngay cạnh đường Hồ Chí Minh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở, nhất là vào mùa mưa lũ nếu thủy điện tiến hành xả lũ.
Ông Nguyễn Quảng, Phó chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, cho biết: Theo giấy phép UBND tỉnh Quảng Nam cấp, đơn vị được phép khai thác cát trong thời gian 5 năm 6 tháng, với trữ lượng khai thác hơn 50.000m3, trong đó cát hơn 42.000m3. Lúc đưa điểm mỏ vào quy hoạch khai thác khoáng sản, các ngành chuyên môn của tỉnh tham gia và có ý kiến về địa điểm, tọa độ khai thác.
Việc khai thác nằm ngay khu vực taluy âm đường Hồ Chí Minh nhưng Phó chủ tịch huyện Phước Sơn lại cho rằng: Vị trí khai thác nằm xa đường Hồ Chí Minh và không ảnh hưởng gì !
Trong khi đó, phòng TN&MT huyện Phước Sơn cho biết: Hiện nay, Cty được tỉnh cấp phép chưa được huyện ra quyết định cho thuê đất để tiến hành khai thác nhưng đơn vị này đã tiến hành mở đường, múc cát chở đi là sai quy định.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Thanh Bình (Phó Cục trưởng Cục quản lý đường bộ III), cho biết: Việc đào bới, vận chuyển cát tại khu vực xã Phước Xuân, Phước Sơn (Quảng Nam) đã ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường bộ tuyến đường Hồ Chí Minh. Công ty TNHH MTV vận tải Lân Trang đã có hành vi tự đào đất phía taluy âm nằm trong phạm vị an toàn đường bộ tại km1365+57 đường Hồ Chí Minh. Ngoài ra, đơn vị này chưa được cấp phép đấu nối với đường Hồ Chí Minh đã cho xe cộ và phương tiện vào vận chuyển là sai quy định.
“Chúng tôi đã lập biên bản và yêu cầu đơn vị này ngừng vận chuyển cát tiến hành thực hiện thủ tục xin cấp phép đấu nối tạm với đường Hồ Chí Minh. Đồng thời, yêu doanh nghiệp phải hoàn trả lại nguyên trạng tại phạm vi taluy âm đã bị đào xới để đảm bảo an toàn hành lang đường Hồ Chí Minh”, ông Bình cho biết.
Cũng theo ông Bình, khi cấp phép, theo quy định, địa phương không cần tham vấn, hỏi ý kiến của Cục về vấn đề an toàn đường bộ. Đơn vị chức năng của Cục sẽ phối hợp với địa phương để tiến hành đo đạc cụ thể tại hiện trường. Nếu phạm vi cấp phép khai thác khoáng sản tiềm ẩn và làm ảnh hưởng đến hành lang an toàn đường bộ, Cục sẽ đề nghị tỉnh Quảng Nam có điều chỉnh phạm vị, diên tích khai thác để đảm bảo an toàn cho tuyến đường huyết mạch này.