Sóng ngầm ở Philippines

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte
TP - Đúng hôm 18/10 bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc kéo dài bốn ngày của nhà lãnh đạo Philippines, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana cho biết Tổng thống Rodrigo Duterte đưa ra các tuyên bố mà không tham khảo nội các, theo Philippine Daily Inquirer.

Đỉnh điểm các tuyên bố gây sốc của ông Duterte là Philippines sẽ đoạn tuyệt quan hệ với Mỹ vốn tồn tại 70 năm. Rồi Philippines có thể giải quyết song phương với Trung Quốc tranh chấp biển Đông thay vì đa phương như lập trường chung ASEAN.

Trước các thắc mắc của nhiều bên, nhất là từ phía Mỹ, nội các Philippines bảo hãy đợi “vì chúng tôi phải chờ chỉ đạo từ ông ấy” như bà Maria Banaag, một quan chức Văn phòng Tổng thống Philippines, nói với Reuters. Vì sao có chuyện ấy?

Truyền thống chính trị ở Philippines là hay xoá bỏ di sản chính trị và ngoại giao của người tiền nhiệm. Nếu các tuyên bố của ông Duterte được hiện thực hoá, những gì cựu Tổng thống Aquino kỳ công xây dựng trong sáu năm cầm quyền có nguy cơ thành mây khói.

Ngày 2/10, Tổng thống Duterte cho biết ông sẽ xem xét lại Thỏa thuận Tăng cường Hợp tác Quốc phòng (EDCA) ký với Mỹ tháng 4/2014 vốn có mục tiêu sâu xa chống Trung Quốc độc chiếm biển Đông. Rồi hôm 19/10, ông miêu tả phán quyết của Tòa án Trọng tài Quốc tế (PCA) - gần như phủ định hoàn toàn đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở biển Đông - chỉ là “một tờ giấy”.

Chính trường Philippines từ xưa đến nay là tập hợp của các nhóm lợi ích khác nhau. Nếu quan hệ Philippines - Mỹ bị đẩy xuống mức thấp nhất, các nhóm liên quan đến hợp đồng quân sự và kinh tế với Mỹ hẳn sẽ không ngồi yên. Và nếu phán quyết của PCA bị xem nhẹ, tình cảm dân tộc của một bộ phận không nhỏ người Philippines tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường.

Chính sách đối nội và đối ngoại mà ông Duterte thực thi sau ba tháng cầm quyền bề ngoài là vì quốc gia song, trên thực tế, có thể có sự tham gia của các nhóm lợi ích. Việc nội các không cổ vũ tức thì các tuyên bố của ông có vẻ là điềm báo cho nhiều điều khó đoán tại một đất nước mà thể chế chính trị luôn gắn bó chặt chẽ với các gia tộc và các nhóm.

Chuyện, vì thế, có thể không dừng ở việc Philippines sẽ không đối đầu với Bắc Kinh trong vấn đề biển Đông nữa một khi họ được đối tác kia giúp xây dựng kết cấu hạ tầng và cho phép ngư dân Philippines tiếp cận bãi cạn Scarborough (Hoàng Nham) vốn bị chiếm từ năm 2012.

MỚI - NÓNG