Trung Quốc có thể nhượng bộ Philippines trên biển Đông

Ngư dân Philippines chuẩn bị tới khu vực bãi cạn Scarborough để đánh bắt hải sản. Ảnh: The Inquirer
Ngư dân Philippines chuẩn bị tới khu vực bãi cạn Scarborough để đánh bắt hải sản. Ảnh: The Inquirer
TP - Một số nguồn tin từ Trung Quốc nói rằng, có thể Bắc Kinh sẽ để ngư dân Philippines vào khai thác hải sản ở bãi cạn Scarborough trên biển Đông kèm theo các điều kiện, nhưng chưa rõ là gì. Hợp tác nghề cá sẽ là một trong những nội dung của hàng chục văn bản hợp tác song phương dự kiến được ký kết trong tuần này.  

Bắc Kinh được cho là sẽ có những bước đi nhượng bộ Tổng thống Philippines  Rodrigo Duterte nhân chuyến thăm của ông tới Trung Quốc, bắt đầu hôm 18/10. “Mọi người có thể vào, nhưng sẽ có điều kiện”, Reuters dẫn một nguồn tin ngoại giao Trung Quốc nói về khả năng Trung Quốc để ngư dân Philippines vào đánh bắt tại khu vực Scarborough. Khi được hỏi điều kiện là gì, người này nói: “Hai nước sẽ phải thành lập các nhóm công tác để vạch ra chi tiết”. Người này không cho biết Bắc Kinh sẽ đòi hỏi gì từ Manila để đổi lấy việc nhượng bộ khai thác hải sản. “Đó sẽ là sự trở lại thời kỳ Arroyo”, nguồn tin thứ hai nói, ngụ ý thời của cựu Tổng thống Philippines Macapagal Arroyo, khi ngư dân cả Trung Quốc và Philippines đều khai thác trong vùng biển gần Scarborough.

Báo Philippines Philstar dẫn một nguồn tin từ dinh tổng thống Philippines nói rằng, ông Duterte sẽ nói đến vấn đề biển Đông nếu được nêu ra trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 20/10. Ông Duterte sẽ không chủ động nêu vấn đề phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế nhưng sẽ đáp lại nếu chuyện này được nhắc đến. Tuy nhiên, thông điệp cốt lõi của ông đối với vấn đề Scarborough sẽ là khẳng định chủ quyền của ngư dân Philippines tại đó, nhưng ông sẽ “lắng nghe và không đưa ra áp đặt nào đối với phía Trung Quốc”, nguồn tin nói.

Tổng thống Duterte đã đưa ra quan điểm trên trong tuyên bố trước khi rời Brunei sang Trung Quốc. “Có những lĩnh vực được quan tâm đặc biệt và nhiều người băn khoăn rằng tôi sẽ ứng xử với Trung Quốc như thế nào trong vấn đề biển Đông. Chúng tôi sẽ theo đuổi yêu sách của mình. Chúng tôi không mặc cả gì ở đó. Chúng tôi tiếp tục khẳng định rằng đó là của chúng tôi, và rằng phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế sẽ được tôn trọng… Nhưng sẽ không có sự áp đặt cứng nhắc. Chúng tôi sẽ nói và có thể sẽ diễn đạt lại những lời lẽ trong phán quyết và đặt ra giới hạn cho lãnh thổ của chúng tôi, vùng đặc quyền kinh tế của chúng tôi”, ông Duterte nói.

Ông Alberto Encomienda, một chuyên gia về biển và là cựu quan chức ngoại giao Philippines, cho rằng, đằng sau những tuyên bố có vẻ mâu thuẫn về biển Đông này là cách tiếp cận khôn ngoan hơn và mang tính xây dựng hơn khi tách các vấn đề địa chính trị khỏi địa kinh tế trong quan hệ với Trung Quốc. “Và cách đó đang tỏ ra hiệu quả”, ông Encomienda nói.

Hợp tác khai thác tài nguyên biển

Trong khi Tổng thống Duterte đang ở Trung Quốc trong chuyến thăm được coi là để hàn gắn quan hệ với Bắc Kinh, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay hôm qua nói rằng, tranh chấp lãnh thổ giữa Philippines và Trung Quốc có thể mất thời gian cả đời mới giải quyết được, nhưng không nên ngăn cản quan hệ song phương. Phát biểu tại Bắc Kinh, ông Yasap nhắc lại rằng, quan hệ ấm lên với Trung Quốc “sẽ không làm xói mòn quan hệ gần gũi của chúng tôi với các đồng minh và đối tác truyền thống”.

Ông Encomienda nói rằng, Trung Quốc đã đề nghị nhiều dạng hợp tác song phương với Philippines, bao gồm hợp tác trong khai thác hải sản và tài nguyên biển. Ít nhất cả tá biên bản ghi nhớ, trong đó có lĩnh vực hợp tác khai thác hải sản, sẽ được ký kết trong chuyến thăm Trung Quốc lần này của ông Duterte. Đây sẽ là tín hiệu cho sự bình thường hóa hoàn toàn trong quan hệ song phương sau một giai đoạn khó khăn dưới thời chính phủ của Tổng thống Benigno Aquino.

Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Zhao Jianhua nói rằng, trong chuyến thăm này, Philippines và Trung Quốc sẽ thảo luận các biện pháp tăng cường hợp tác trong ngành khai thác hải sản nhằm phát triển ngành nuôi trồng thủy sản và các công nghệ đánh bắt, bảo quản, sản xuất và tiếp thị. Trung Quốc đã bày tỏ quan tâm lĩnh vực nhập khẩu hải sản Philippines như cá Lapu-Lapu, tôm, cua… Đại sứ Zhao nói rằng, loài cá măng sữa của Philippines sẽ rất được yêu thích ở Trung Quốc. “Ký biên bản ghi nhớ về hợp tác nghề cá là vì chúng ta biết rằng, Tổng thống Duterte rất quan tâm ngư dân và chúng tôi có thị trường, có vốn và quan tâm. Và để phát triển và hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực nghề cá, chúng ta có thể đóng góp theo nhiều cách có lợi cho ngư dân”, ông Zhao nói.

Bất đồng ngoại giao giữa Philippines và Trung Quốc bắt đầu năm 2012 từ vụ đối đầu ở bãi cạn Scarborough khi Philippines đưa tàu hải quân đến khu vực này để bắt ngư dân Trung Quốc đánh bắt trái phép ở đây. Việc ngư dân Philippines không được vào khai thác trong vùng biển này là một trong những lý do Manila kiện Bắc Kinh ra tòa quốc tế. Tòa trọng tài quốc tế công nhận Scarborough là ngư trường truyền thống đối với cả ngư dân Philippines và Trung Quốc.

Hôm qua, cảnh sát Philippines phải dùng hơi cay để giải tán khoảng 1.000 người biểu tình chống Mỹ tụ tập bên ngoài Đại sứ quán Mỹ tại Manila.

MỚI - NÓNG