Sông Hồng ký sự, Kỳ 7: Bồng bềnh ngắm Thủ đô

0:00 / 0:00
0:00
TP - Qua Bạch Hạc, sông Hồng chảy một quãng nữa là chạm vào nội thành Hà Nội. Lúc này, sông trôi giữa các lớp trầm tích của kinh kỳ và phố xá ồn ào. Một chuyến bồng bềnh trên tàu du lịch để ngắm, chiêm nghiệm về dòng sông có lẽ là trải nghiệm thích hợp nhất trong hành trình khám phá sông Hồng qua Hà Nội…

Chuyện dọc dòng sông

Sau khi đặt vấn đề, chúng tôi được Xí nghiệp Du lịch Sông Hồng - đơn vị duy nhất khai thác tua du lịch sông Hồng giới thiệu khá chu đáo về các hành trình. Vì muốn có được cái nhìn dài, rộng nhất về Hà Nội từ dưới sông, chúng tôi quyết định đặt tua với lộ trình riêng: Từ cầu Thăng Long, qua hết 5 cầu nội thành Hà Nội đến Bát Tràng và xuôi đến tận đền Chử Đồng Tử (Khoái Châu, Hưng Yên).

Sông Hồng ký sự, Kỳ 7: Bồng bềnh ngắm Thủ đô ảnh 1

Bến tàu du lịch Chương Dương (quận Hoàn Kiếm)

9h sáng, tàu đón chúng tôi tại bến Bạc (144 An Dương Vương, quận Tây Hồ). Tiết trời mùa Đông se lạnh khi mặt trời vẫn còn bị mây che chắn. Lớp sương nhẹ trên dòng sông làm cho du khách lâng lâng, hòa mình vào sông nước hữu tình. Phía trước, nữ hướng dẫn viên bắt đầu kể chuyện: “Sông Hồng là con sông rất riêng của Hà Nội, của Việt Nam. Nước sông Hồng khi thì đỏ lựng phù sa như màu gạch, lúc chỉ phơn phớt hồng, không giống với bất kỳ dòng sông nào. Con sông ấy đã bồi đắp nền văn minh sông Hồng, một trong 36 nền văn minh của thế giới…”. Rồi, hướng dẫn viên chỉ tay bờ phía nội thành Hà Nội kể về đê Cơ Xá - hệ thống đê được vua Lý Nhân Tông cho đắp vào năm 1.108 ngăn nước sông Hồng hung dữ với thành Thăng Long tại phường Cơ Xá, khu vực Nghi Tàm, Hồ Tây ngày nay để bảo vệ kinh thành Thăng Long.

Sau khoảng 10 phút, tàu đến cầu Thăng Long. Hướng dẫn viên bắt đầu giới thiệu: “Năm 1985, cầu Thăng Long được đưa vào sử dụng. Đây là dấu mốc về tình hữu nghị Việt - Xô, là cây cầu lớn nhất Đông Nam Á lúc bấy giờ… Tiếp đến sẽ là cầu Nhật Tân - cây cầu dây văng lớn nhất Việt Nam. Từ dưới sông, chúng ta sẽ quan sát được 5 trụ tháp hình thoi với các dây văng cách điệu như 5 cửa ô Hà Nội. Buổi tối, đèn chiếu sẽ biến các trụ cầu có dây văng thành hình cánh hoa đào của vùng đất Nhật Tân này”.

Qua cầu Nhật Tân là cầu Long Biên - chứng tích 100 năm đau thương và hào hùng của lịch sử Việt Nam. Năm 1902, cầu khánh thành và trở thành cây cầu sắt lớn thứ 2 trên thế giới lúc đó (sau cầu Brooklyn bắc qua East River của nước Mỹ). Hướng dẫn viên nói rất hay về ý tưởng thiết kế cây cầu Long Biên hình con rồng là xuất phát từ tích “rồng bay” khi vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long. Rồi đến cầu Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì…, cây cầu nào cũng có những chuyện gắn với quá khứ và hiện tại của Hà Nội.

Trong quy hoạch chung của thành phố Hà Nội, sông Hồng được xác định là trung tâm. Quy hoạch phân khu sông Hồng đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt vào tháng 4/2022 cũng đưa ra các giải pháp để cải tạo chỉnh trang, tái thiết đô thị, bổ sung và nâng cấp công trình hạ tầng xã hội, hệ thống giao thông, thoát nước, cây xanh hai bên bờ sông Hồng. Các làng nghề ven sông Hồng cũng có chủ trương bảo tồn, phát triển. Đây là cơ hội phát triển hoạt động du lịch đường sông trong tương lai.

Bên cạnh vẻ đẹp sông nước hữu tình được thiên nhiên ban tặng, trên hành trình dọc sông Hồng, chúng tôi còn được đến nhiều điểm di tích, công trình văn hóa với bề dày lịch sử lâu đời như: Chùa Bồ Đề, Đền Dầm, Đền Đại Lộ, đền Đa Hoà… với những tích truyện gắn liền với sông Hồng. Ví như, địa điểm thánh Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung gặp nhau trong hoàn cảnh oái oăm được cho là ở chính bãi sông Hồng đoạn có đền Đa Hòa ngày nay (đền thờ Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân, ở Khoái Châu, Hưng Yên). Không chỉ thế, ven sông Hồng còn có nhiều làng nghề truyền thống, các làng chài nhỏ đặc sắc. Trong chuyến đi này, chúng tôi còn được lên bờ thăm làng Bát Tràng, tự tay nhào nặn những đồ gốm rồi nung chín để mang về làm quà.

Sông Hồng ký sự, Kỳ 7: Bồng bềnh ngắm Thủ đô ảnh 2

Khách du lịch sông Hồng

Tiềm năng chờ đánh thức

Cô hướng dẫn viên của đơn vị du lịch quả là đã tìm hiểu, xâu chuỗi rất nhiều câu chuyện lịch sử quanh sông Hồng để kể cho khách. Nhưng còn biết bao nhiêu chuyện nữa để kể về mối tương quan giữa sông Hồng và vùng đất kinh đô. Ví như, khi tàu chạy qua đoạn Hồ Tây, tôi và anh bạn đi cùng lại nói về câu chuyện mà một anh tiến sĩ môi trường bạn tôi nói với tôi hôm nọ: Hồ Tây thực ra vốn là một đoạn cong của sông Hồng. Hồ được hình thành theo cơ chế rất phổ biến: Sông thường uốn lượn, tạo ra những đoạn cong như hình “móng guốc” (móng của loài vật như trâu, bò). Khi đạt độ cong tối đa, sông sẽ có xu hướng đi thẳng, lấp dần lối vào khúc cua đó. Trong một trận lũ lớn, sông bồi lấp, đổi hẳn dòng, để lại một cái hồ lớn bên cạnh sông. Và hồ Tây cũng hình thành như thế.

Sông Hồng ký sự, Kỳ 7: Bồng bềnh ngắm Thủ đô ảnh 3

Cầu Long Biên trầm mặc

Khi tàu qua quận Hoàn Kiếm, những con phố sầm uất rất sát sông Hồng như hàng Bè, hàng Tre, Than, hàng Vôi đều gợi cho chúng tôi sự liên quan rất mật thiết về hàng hóa được chuyển từ sông Hồng lên bờ để bán. Xuôi thêm một quãng nữa về sẽ đến hàng loạt các cầu cảng cũ kỹ của cảng Hà Nội. Phải lần giở lại cuốn “Hà Nội - con đường, dòng sông và lịch sử” (của nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc và Nguyễn Văn Lê) và xuất bản năm 1984, chúng tôi mới hình dung ra hết sự tấp nập, tầm quan trọng của cảng Hà Nội trong việc chở than (vì thế, cảng này còn được gọi là Cảng Phà đen), chở lương thực, đạn dược phục vụ chiến tranh trong quá khứ.

Vậy nên, tiềm năng của sông Hồng qua nội thành Hà Nội, lớn nhất, “tương lai” nhất chính là vận tải khách - tức là dịch vụ du lịch trên sông. Tuy nhiên, qua trải nghiệm thực tế trên tuyến sông Hồng, chúng tôi thấy rằng, cảnh quan hai bên sông Hồng nhiều chỗ còn hoang sơ. Đoạn qua nội thành có cảnh quan luộm thuộm, nhà chủ yếu vẫn “quay lưng” ra phía sông. Một số đoạn sông là nơi tập kết rác thải, phế thải xây dựng, khai thác cát… dễ làm khách tham quan có ấn tượng xấu. Đây cũng chính là chia sẻ của vị đại diện đơn vị cung cấp dịch vụ tua du lịch sông Hồng đã 20 năm qua.

Ông Lưu Đức Kế, nguyên Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist (Tổng Cty Du lịch Hà Nội), một nhà tư vấn phát triển du lịch có uy tín cũng từng trải nghiệm du lịch sông Hồng và các con sông khác của nước ta đánh giá rất cao về tiềm năng du lịch của sông Hồng. Tuy nhiên, những gì đang thực hiện theo ông Kế chỉ mới là những bước sơ khai.

Theo ông Kế, để phát triển du lịch sông Hồng, cần phải đầu tư đồng bộ. Trước hết phải có bến tàu khách, hai bên sông phải được cải tạo, chỉnh trang để du khách thấy “mát mắt”. “Những cái đó là cơ bản. Còn dịch vụ trên tàu thì dễ làm và chúng ta đã làm được. Nếu quy hoạch vào giữa thành phố thì sông Hồng tuyệt đẹp, không kém sông Hàn ở Seoul, Hàn Quốc hay sông Seine của Paris, Pháp.”, ông Kế nói. (Còn nữa)

MỚI - NÓNG