Làng Tân Hiệp, xã Cam Tuyền (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) được nhiều người gán cho cái tên làng không sợ chết. Song người dân ở đây rất hiền lành, họ muốn sống. Vì không có việc làm ổn định nên bà con mới lao vào cái nghề rà phá phế liệu chiến tranh chẳng đặng đừng kia.
Vậy là nhà nào cũng đầu tư vài cái máy rà sắt, nhà ít cũng sắm cho được một cái làm cần câu cơm. Trong làng người già xấp xỉ tuổi sáu mươi nếu còn sức cũng gắng vác máy rà lên núi, đứa con nít chưa đọc thông viết thạo cũng được cha mẹ sắm cho một chiếc máy rà cao quá đầu để tập tành rà sắt. Nhiều gia đình quanh năm suốt tháng dắt nhau lên núi đào phế liệu, khi nào trúng được nhiều mới chịu về.
Chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Phương, người thu mua phế liệu ở làng Tân Hiệp. Anh Phương nhớ lại, năm đến bảy năm trước mỗi ngày thu mua được hơn một tấn phế liệu chiến tranh do người dân trong làng đi đào về bán. Ngày cao nhất làng Tân Hiệp có hơn một trăm người vào rừng đi rà phá, tìm kiếm phế liệu chiến tranh. Sản phẩm chủ yếu là những miếng sắt gỉ, một ít nhôm, vài đầu đạn gỉ.
Nỗi đau còn dài
Nhiều năm qua chính quyền tỉnh Quảng Trị đã nỗ lực cùng chia sẻ những khó khăn của người dân bằng những việc làm cụ thể, mong rằng ngày càng còn lại rất ít người đi theo nghề nguy hiểm này.
Ông Hoàng Liên Sơn, Chủ tịch xã Cam Tuyền cho biết giải pháp bền vững nhất để hạn chế số người vào rừng tìm kiếm phế liệu chiến tranh là xin Nhà nước cấp đất thêm cho bà con có sản xuất, cụ thể là trồng rừng sản xuất.
Sau 5 năm kiến nghị với chính quyền cấp tỉnh, xã Cam Tuyền đã được Cty Lâm nghiệp đường 9 trả lại một phần diện tích rừng. Trên cơ sở đó xã cấp lại cho bà con thôn Tân Hiệp trồng rừng. Tính đến cuối năm 2015, trung bình mỗi gia đình ở đây có 1,7 ha đất rừng, hơn gấp 3 lần khi mới đến. Có đất trồng rừng nên bà con có thêm việc làm, dần dần ổn định cuộc sống.
Thông qua nhiều hoạt động thiết thực, các cơ quan chức năng Quảng Trị cũng thường xuyên vận động các gia đình này bỏ nghề tìm kiếm phế liệu chiến tranh. Theo ông Sơn, việc cần làm lâu dài là công tác xóa đói giảm nghèo cho người dân, tạo ra công ăn việc làm cho lao động thất nghiệp. Từ ngày có thêm đất trồng rừng bà con bắt đầu lấn xa dần cái nghề chết chóc đó nhưng chưa thể giải quyết hết được ngày một ngày hai.
Không riêng gì ở làng Tân Hiệp, người dân theo nghề tìm kiếm phế liệu chiến tranh. Ở các huyện miền núi như Hướng Hóa, Đakrông cũng còn không ít người tham gia nghề này. Họ vào rừng dùng máy dò tìm kiếm phế liệu, bom đạn chưa nổ đào lên để mang về bán cho các đại lý thu gom.
Mới đây, ở khóm Đông Chín, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, có hơn 1.000 quả đạn pháo nằm lăn lóc ở bên đường. Trong đó phần lớn là đạn rốc-két 70mm; pháo 122mm; cối 120mm; m79... vẫn còn ngòi nổ, rất nguy hiểm khi di chuyển. Đội rà phá bom mìn lưu động tỉnh Quảng Trị (thuộc tổ chức Cây hòa bình Việt Nam) đã đến hiện trường, khoanh vùng và đặt các biển báo nguy hiểm để xử lý.
Điều tra ban đầu của cơ quan chức năng, số đạn pháo này được các đại lý thu mua phế liệu gom lại để bán sắt vụn, vì còn ngòi nổ nên không dám liều mang ra cưa mà mang đến tập trung tại khu vực này để báo tin cho cơ quan chuyên trách đến xử lý.
Theo số liệu thống kê ở Quảng Trị có khoảng 10% bom mìn còn sót lại hiện nằm sâu trong lòng đất chưa phát nổ. Số liệu nghiên cứu tình hình nạn nhân bom mìn và nhận thức về hiểm họa bom mìn sau chiến tranh tại Quảng Trị của dự án Renew - Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Trị cho thấy, 63% trong tổng số người được gặp gỡ, phỏng vấn đã từng nhìn thấy bom mìn, 50,4% đã từng nhìn thấy bom mìn ít nhất là 1 lần/năm; 14,9% nhìn thấy bom mìn hàng tháng và 6,1% nhìn thấy bom mìn hàng ngày.
Theo thống kê chưa đầy đủ của BCĐ Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn, từ sau chiến tranh đến nay cả nước đã có hơn 100.000 người chết và bị thương do bom mìn sót lại, bình quân mỗi năm có khoảng 4.000 người chết và bị thương vì bom mìn phát nổ.
Với tiến độ rà phá như hiện nay thì phải mất 300 năm nữa mới giải quyết được hết bom mìn để lại sau chiến tranh. Nếu đẩy mạnh tiến độ và có sự hỗ trợ của các tổ chức quốc thế thì thời gian đó dự kiến được rút lại còn khoảng 100 năm và nhanh là 70 năm nữa. Mỗi năm, Bộ Quốc phòng và các tổ chức chuyên môn đã rà phá được hơn 100ha đất đai có bom mìn.