Sông Cầu Bây ô nhiễm, hàng vạn hộ dân lao đao

Sông Cầu Bây bị ô nhiễm tại khu vực xã Đa Tốn. Ảnh: K.N
Sông Cầu Bây bị ô nhiễm tại khu vực xã Đa Tốn. Ảnh: K.N
TP - Sông Cầu Bây từng là nguồn cung cấp nước tưới chủ yếu cho hàng ngàn hécta cây trồng của huyện Gia Lâm (Hà Nội). Tuy nhiên từ khi các khu công nghiệp xuất hiện ngày càng nhiều trên địa bàn quận Long Biên, sông Cầu Bây ngày càng bị ô nhiễm khiến hàng vạn hộ dân lao đao.

PV Tiền Phong đến xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm), một trong những địa phương điển hình chịu ảnh hưởng của nước sông Cầu Bây bị ô nhiễm. Đứng trên cầu Đào Xuyên, có thể nhìn rõ nước sông Câu Bây đen kịt, dòng chảy chậm, mùi thum thủm bốc lên nồng nặc. 

Gần đây, hộ gia đình anh Nguyễn Văn Đông (thôn Đào Xuyên, Đa Tốn) khi bơm nước sông Cầu Bây vào ao đã khiến gần 2 tấn cá giống bị chết do nước sông nhiễm độc. 

“Hiện giờ, nhiều hộ dân địa phương đã phải đào giếng để lấy nước trồng trọt, chăn nuôi. Những hộ dân sống sát sông Cầu Bây thường xuyên phải đóng cửa vì không chịu nổi sự ô nhiễm bốc lên, có khi còn khó ngửi hơn cả mùi phân”- bà Đỗ Thị Minh Thu, Phó trưởng thôn Đào Xuyên cho biết. 

Sông Cầu Bây dài khoảng 12 km, bắt đầu từ phường Ngọc Thụy thuộc quận Long Biên, chảy qua một số xã của huyện Gia Lâm rồi đổ ra sông Bắc Hưng Hải. Từ khi các khu công nghiệp trên địa bàn quận Long Biên đi vào hoạt động, việc xả thải diễn ra khá “vô tư” khiến sông Cầu Bây ngày một ô nhiễm. 

Tình trạng này khiến không chỉ xã Đa Tốn, mà những địa phương khác gồm thị trấn Trâu Quỳ, các xã Kiêu Kỵ, Đông Dư của huyện Gia Lâm sử dụng nguồn nước tưới chủ yếu từ sông Cầu Bây để sản xuất nông nghiệp đã lãnh đủ hậu quả. Do sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng, những năm qua người dân các xã nói trên đã nhiều lần kiến nghị sự việc đến các cấp có trách nhiệm để đề nghị giải quyết. 

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Hợi, Phó trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) huyện Gia Lâm cho biết: Sự việc bức thiết khiến đầu năm 2014, Phòng TN&MT huyện Gia Lâm đã phải trả lời kiến nghị cử tri địa phương về tình hình ô nhiễm sông Cầu Bây. “Tuy Gia Lâm là nơi chịu hậu quả nặng nhất, nhưng nguyên nhân lại xuất phát từ địa phương khác nên chúng tôi không tự giải quyết được” - ông Hợi nói. 

Thời gian qua Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã tiến hành nạo vét toàn bộ tổng chiều dài hơn 7km sông Cầu Bây chảy trên địa bàn huyện Gia Lâm để khơi thông dòng chảy, nhưng biện pháp đó chỉ hạn chế được phần nào lượng nước thải công nghiệp xả ra sông Cầu Bây.

Trong Báo cáo 2092 từ năm 2012, Sở TN&MT Hà Nội đề nghị UBND TP Hà Nội giao Ban Quản lý các Khu Công nghiệp & Chế xuất Hà Nội chủ trì, phối hợp với các bên liên quan khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để đầu tư, xây dựng và lặp đặt hệ thống xử lý nước thải tập trung của Khu công nghiệp Sài Đồng B theo đúng quy định hiện hành về bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp. Tuy nhiên, sau đề xuất trên, trong thời gian qua việc giải quyết tình trạng tiến hành khá chậm trễ khiến sông Cầu Bây ngày càng ô nhiễm trầm trọng, tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của nhiều hộ dân.

Năm 2013, qua kiểm tra 33 cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn quận Long Biên, Thanh tra Sở TN&MT Hà Nội đã lập biên bản vi phạm 16 doanh nghiệp gây ô nhiễm sông Cầu Bây, với tổng số tiền phạt gần 600 triệu đồng.

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.