Sơn nữ vượt qua định kiến

0:00 / 0:00
0:00
TP - Lâu nay, “sân chơi” cồng chiêng thường dành cho phái nam với đôi tay cứng cáp, mỗi lần gõ vào chiêng là phát ra âm thanh vang dội như thác nước dội vào vách đá. Thế nhưng, thời gian gần đây, trên cao nguyên Di Linh hùng vĩ, có những đội chiêng mà các thành viên nữ còn nhiều hơn nam. Tiếng chiêng của sơn nữ không kém phần huyễn hoặc, cuốn hút.

Người đẹp mê đánh chiêng

Mới đây, khi xem diễn tấu cồng chiêng tại thôn Duệ (xã Đinh Lạc, huyện Di Linh, Lâm Đồng), nhiều người không khỏi ngạc nhiên bởi 3 trong số 6 thành viên của đội là nữ, trong đó có hai cô gái tuổi đời còn rất trẻ: Mhiu Lang Bích (15 tuổi) và Ka Thửi (18 tuổi). Cả nhóm đang diễn tấu điệu cồng chiêng thường được dùng cho lễ cưới với tiết tấu dồn dập, kích thích khiến nhiều khán giả hưng phấn, nhún nhảy theo nhịp chiêng.

Sơn nữ vượt qua định kiến ảnh 1

Một tiết mục biểu diễn của CLB Cồng chiêng thôn Đồng Đò

Gây chú ý hơn cả là sơn nữ Mhiu Lang Bích, cô gái có khuôn miệng xinh xắn với nụ cười thân thiện, hơi bẽn lẽn. Thoạt nhìn, nhiều người băn khoăn không biết với đôi bàn tay nhỏ nhắn, mềm mại thế kia, liệu Bích có thể chơi nhạc cụ vốn chỉ dành cho nam giới? Thế nhưng, khi cô gái biểu diễn, nắm tay vung lên chắc nịch, những lần đập, vỗ liên hồi mạnh mẽ, tạo nên những âm điệu dồn dập, lúc bổng lúc trầm khiến người nghe thăng hoa.

Ở thôn Đồng Đò (xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh), chúng tôi cũng gặp những sơn nữ tài hoa. Không chỉ múa xoang uyển chuyển, tiếng hát, tiếng chiêng của các sơn nữ thuộc Câu lạc bộ (CLB) Cồng chiêng của thôn cũng rất huyễn hoặc hút hồn người nghe. Còn nhớ, năm ngoái, tại “Ngày hội Văn hoá - Thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng lần thứ 5” diễn ra tại huyện Đơn Dương, CLB này đã thu hút lượng lớn khán giả đến xem, cổ vũ. Kết quả, trong số hàng chục đội cồng chiêng của 12 huyện thành phố trong tỉnh tham dự ngày hội, CLB Cồng chiêng thôn Đồng Đò xuất sắc giành Giải Nhì.

Già làng K’Niêm cho biết, người nổi bật trong số các sơn nữ của thôn Đồng Đò tham gia biểu diễn trong ngày hội là Ka Hem, Bí thư chi đoàn thôn. Xinh đẹp, tài năng và nhiệt huyết, cô là nhân tố không thể thiếu giúp CLB Cồng chiêng hoạt động ngày một hiệu quả, phát huy nét đẹp văn hóa của tộc người K’Ho Sre, chủ nhân lâu đời của cao nguyên Di Linh.

Ka Hem kể từ hồi mười mấy tuổi đã mê tiếng chiêng nhưng cơ hội để được xem biểu diễn cồng chiêng ngày càng hiếm. Do đó, khi Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Di Linh và UBND xã Tân Nghĩa có kế hoạch mở lớp dạy cồng chiêng, Ka Hem rất phấn khởi. Cô thông báo việc này trên nhóm Zalo của chi đoàn thôn, mời gọi nhiều ngày nhưng chỉ có một vài người ghi danh học.

Sơn nữ vượt qua định kiến ảnh 2

Đội chiêng thôn Duệ

“Em đến từng nhà, thuyết phục người thân trong gia đình tạo điều kiện cho con em đi học. Đến khi tập hợp đủ số người, luyện tập được vài buổi thì một số bạn bỏ giữa chừng với lý do bận đi làm rẫy kiếm tiền phụ giúp gia đình. Sau đó nhờ già làng, cán bộ thôn lên tiếng khuyên bảo, động viên, mọi người mới đi học đều đặn. Lớp học tại CLB thường có trên dưới 30 người, trong đó 70% là nữ”, Ka Hem cho hay.

Từ các lớp học ở CLB, sự huấn luyện tại nhà của già làng cùng các nghệ nhân dày dặn kinh nghiệm, nhiều nam, nữ thanh niên thôn Đồng Đò và vùng lân cận đã đánh chiêng thành thạo; một số người còn biết đánh đàn, thổi kèn môi, kèn sừng trâu, múa xoang, hát đối đáp. Các thành viên trong CLB tập luyện nhuần nhuyễn những bài đã học, dàn dựng các tiết mục hấp dẫn với động tác sáng tạo, ngày càng có sức thu hút.

Vượt qua định kiến

Mhiu Lang Bích kể cha của em đánh chiêng khá thuần thục. Nghe tiếng chiêng của cha và các chú, các anh trong thôn, nhất là vào những dịp lễ hội tưng bừng, em rất mê nhưng không dám đụng đến loại nhạc cụ này. Bởi vì lâu nay dân làng vẫn cho rằng chỉ những người đàn ông với đôi chân trần mạnh mẽ, bàn tay khô ráp, đập vào chiêng mới lột tả được đầy đủ các giai điệu, âm thức, phát ra chuỗi thanh âm ngân dài như tiếng thú hoang gọi bầy.

Thế rồi, một ngày cách đây 2 năm, nghe UBND xã Đinh Lạc mở lớp cồng chiêng, do già làng K’Tiếu dạy, Bích lặng lẽ xin vào học. Sau những buổi học đầu tiên, đôi bàn tay bị đỏ ửng, rớm máu, khi đến trường, cầm cây bút viết bài rất khó khăn. Thế nhưng điều đó cũng không làm em lo lắng bằng những lúc bắt gặp ánh mắt hiếu kỳ, đầy hoài nghi của người dân trong làng.

2 năm qua, sau những giờ học văn hóa ở trường Trung học cơ sở, rảnh chút nào là Bích say mê tập đánh chiêng. Đến nay, em cùng các bà, các chị như Ka Thửi, Ka Thồnh… đã đánh thành thạo các bài chiêng truyền thống, phổ biến nhất là 6 điệu chiêng cơ bản, thường được sử dụng trong những dịp lễ hội, sự kiện quan trọng gắn liền với đời sống tâm linh, sinh hoạt tín ngưỡng và lao động sản xuất của người K’Ho Sre. Các thanh âm cồng chiêng mà các sơn nữ gióng lên cũng rất sôi động, trầm hùng trong lễ hiến tế thần linh mừng năm mới; sâu lắng, thổn thức trong lễ bỏ mả và đằm thắm, da diết trong những tình huống giao duyên, trao lời ước hẹn.

“Mặc dù mới học đánh chiêng vài năm nay nhưng những cô gái như Lang Bích, Ka Thửi đã bộc lộ tài năng mà Yàng (thần linh-PV) ban cho. Rõ ràng cồng chiêng không phải chỉ dành riêng cho đàn ông mà ai cũng có thể học và chơi một cách thành thạo, miễn là có đủ kiên trì và niềm đam mê”, già K’Tiếu nói như đúc kết.

Trả lời câu hỏi vì sao lại chuyển hướng dạy chiêng cho phái nữ, nghệ nhân ưu tú K’Tiếu nói: Suốt mười mấy năm được UBND xã Đinh Lạc mời dạy cồng chiêng, tôi đã dạy cho khoảng 200 người. Trước đây, tôi hầu như chỉ dạy cho đàn ông, con trai trong làng. Tuy nhiên, người K’Ho Sre theo chế độ mẫu hệ, phụ nữ bắt chồng. Sau khi học cồng chiêng, nhiều nam thanh niên theo vợ về xứ khác nên số người biết đánh chiêng trong xã ít dần. Vì vậy, chúng tôi dạy cồng chiêng cho phụ nữ để lưu giữ bản sắc văn hóa của dòng tộc. Đến nay đã có khoảng 40 phụ nữ học đánh chiêng, trong đó hơn 10 cô gái gia nhập đội cồng chiêng.

Đã ngoài 70 tuổi nhưng già làng K’Tiếu vẫn miệt mài dạy cồng chiêng cho các chàng trai, cô gái K’Ho Sre. Năm 2022, già được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Mới đây, già được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có nhiều thành tích trong bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa cồng chiêng của cộng đồng người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

Theo Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Di Linh, địa phương hiện có 3 CLB cồng chiêng tại các xã Tân Nghĩa, Đinh Lạc, Hòa Nam và 35 nhóm cồng chiêng ở các thôn, tổ dân phố, trong đó có 11 nhóm cồng chiêng trẻ. Các CLB và đội nhóm này đã truyền lửa đam mê, giúp thế hệ trẻ người K’Ho biết đánh cồng chiêng, tiếp nối văn hóa truyền thống quý báu của cha ông.

MỚI - NÓNG