“Sơ tán” gia cầm, gấp như... cứu hỏa

“Sơ tán” gia cầm, gấp như... cứu hỏa
Ngày hôm qua và hôm nay, 15/11, “chiến dịch sơ tán” gia cầm ra khỏi nội thành Đà Nẵng với quy mô lớn nhất từ trước đến nay diễn ra hết sức khẩn cấp...

Trước đó, hơn 30.000 con gà, vịt ở phường Hòa Thuận Đông quận Hải Châu, gần 80.000 gà, vịt, ngan ở Khánh Sơn, Đà Sơn, xã Hòa Sơn, Hòa Vang, và hàng chục con vịt ở Hòa Liên, huyện Hòa Vang bị chết một cách bất thường.

Trước hiểm họa dịch cúm gia cầm, UBND TP Đà Nẵng đã thành lập khẩn cấp đội “Phản ứng nhanh phòng chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người”.

Trong chiến dịch sơ tán ngày hôm qua, không khí khẩn trương, gấp gáp được Đội Phản ứng nhanh đẩy lên ngay từ sáng sớm. “Chiến dịch sơ tán” gia cầm chưa bao giờ lại diễn ra quy mô như vậy.

Hàng ngàn con gà, vịt, chim cút được chất lên xe đưa đến chỗ tiêu huỷ dù chưa có dấu hiệu dịch cúm trước những ánh mắt thẫn thờ của người dân. Dù tự nguyện giao nộp nhưng họ vẫn không khỏi đau xót trước đống tiền “bay” theo đại dịch.

Ông Nguyễn Cư - chủ trại chim cút ở tổ 91, phường Mỹ Khê, buồn bã: “Vậy là số vốn gần năm chục triệu bỏ ra bây giờ đã mất sạch rồi. Thành phố hỗ trợ cho gia đình tui được 9.000.000đ, coi như cũng là một phần an ủi. Cả gia đình 8 người trông cậy vào trứng chim, không biết nay mai lấy gì mà sống”.

Ông Cư cho biết với 9.000 con chim cút, mỗi con bán gần 5.000đ, 1.000 trứng có giá 180.000đ, trừ chi phí chăn nuôi, gia đình ông mỗi ngày thu lãi gần 200.000đ.

Ngôi nhà 2 tầng vừa mới xây cũng là tiền thu được từ trại chim cút. Nở nụ cười gượng gạo, ông Cư phân trần: “Nhưng vẫn phải tự nguyện giao nộp để tiêu hủy, chứ nếu để như vậy đến khi dịch phát ra thì không những tiền mất mà người cũng nguy”.

Bà Đinh Thị Là (tổ 90, Mỹ Khê) cùng nỗi niềm như ông Cư: “Gia đình tui cũng biết chăn nuôi chim cút thời buổi này là vô cùng mạo hiểm, bây giờ thì mất trắng rồi, nhưng biết làm sao được”.

Chỉ tính riêng trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, địa bàn được coi là “giang sơn” của chim cút, đã có 27 hộ gia đình tự nguyện giao nộp gia cầm vào sáng qua, với khoảng 200.000 con chim cút. Mỗi nơi Đội Phản ứng nhanh đi qua, dù không khí vô cùng khẩn trương, gấp gáp, nhưng chúng tôi vẫn kịp nhìn thấy những nuối tiếc, thẫn thờ trong ánh mắt người dân.

Ông Lê Văn Tám – Trưởng Đội Phản ứng nhanh cho biết: “Ngay từ ngày 13/11/2005, chúng tôi đã tiến hành tiêu hủy 6.549 con gà và 134 con vịt tại quận Sơn Trà.

Hôm nay, đội chúng tôi chia thành 3 tốp sẽ tiếp tục thu gom và tiêu hủy tại các quận Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ và Thanh Khê, dự kiến số gia cầm bao gồm cả gà, vịt và chim cút lên đến gần 27.000 con, số còn lại khoảng 15.000 chim cút và 5.000 con gà sẽ tiếp tục xử lý dứt điểm trong các ngày tới”.

Cũng trong ngày 13/11/2005, Đội phản ứng nhanh phát hiện hơn 1.000 con chim cút đã chết khoảng 3 ngày, bốc mùi hôi thối nồng nặc tại bãi đá Hòa Khánh (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ), hiện vẫn chưa phát hiện dấu hiệu dịch từ 1.000 con chim cút trên.

Ông Trần Văn Huy – Phó BCĐ phòng chống dịch cho biết: “Đến 17h chiều nay, 15/11, “chiến dịch sơ tán” gia cầm quy mô cơ bản sẽ được hoàn tất. Tuy nhiên, điều khó khăn trước mắt là một số hộ chăn nuôi yêu cầu được di dời gia cầm chứ không tiêu hủy, mà việc thành lập chuồng trại để tái chăn nuôi phải mất khoảng 1 tuần. Thế nhưng, dịch cúm thì không chờ ai bao giờ”.

Cũng theo ông Huy thì hiện trong nội thành thành phố còn rất nhiều chim bồ câu hoang và nhiều hộ gia đình nuôi chuồng chim trên những lầu cao, những trường hợp này vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để...

Tuy vậy, ông Lê Văn Tám vẫn hào hứng: “Khó khăn đến mấy thì đúng chiều mai, chúng tôi cũng phải cơ bản hoàn thành việc di dời gia cầm khẩn cấp ra khỏi nội thành. Dịch đã bùng phát ở Quảng Nam rồi, bây giờ sơ tán gia cầm cũng phải gấp như... cứu hỏa”. 

MỚI - NÓNG