Số phận người SV nhiễm HIV: Nước mắt và nụ cười

Số phận người SV nhiễm HIV: Nước mắt và nụ cười
TP - Đang là sinh viên trường Đại học Mỏ địa chất, Đồng Đức Thành (TP Hạ Long) nhiễm HIV. Nhưng phải đến khi ra trường, anh mới biết mình bị bệnh. Mọi thứ như sụp đổ...

... rồi anh lại gượng dậy vượt qua sự kỳ thị của mọi người, lấy lại sự cân bằng trong cuộc sống từ chính những người đồng cảnh suốt 13 năm qua...

Số phận người SV nhiễm HIV: Nước mắt và nụ cười ảnh 1 Số phận người SV nhiễm HIV: Nước mắt và nụ cười ảnh 2
Một trong những giải thưởng anh Thành đạt được

Những tháng ngày tuyệt vọng

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở thành phố Hạ Long. Cả bố và mẹ đều là công nhân mỏ than Quảng Ninh. Thành đã ấp ủ ước mơ được trở thành một cán bộ quản lý ngành than. Ngày ấy, Thành đã từng có tên trong danh sách thi học sinh giỏi thành phố Hạ Long.

Thi đỗ vào Đại học Mỏ địa chất, khoa Khai thác than. Còn nhớ như in, ngày nhập học bố vỗ vai Thành nói: “Nhà mình nghèo nhưng thôi bố có lương hưu, bố con mình mỗi người một nửa. Cố gắng con nhé!”.

Thế nhưng cuộc sống thật trớ trêu, trong một lần sơ suất Thành đã lây nhiễm HIV/AIDS qua một bạn tình. Thời gian êm đềm trôi đi, Thành vẫn học, yêu và ấp ủ bao hoài bão mà không biết trong mình đang mang căn bệnh thế kỷ. Tốt nghiệp đại học năm 1998, trở về quê  làm cán bộ quản lý đúng như mơ ước.

Mãi đến năm 2001, tình cờ đi khám sức khoẻ với kết quả dương tính. Cầm tờ kết quả xét nghiệm trên tay mà bàng hoàng, Thành không tin nổi vào mắt mình. Anh lên Hà Nội xét nghiệm với hi vọng kết quả sẽ khác. Nhưng Thành vẫn nhận được câu trả lời lạnh lùng từ bác sĩ: “Dương tính”.

25 tuổi, cũng như bao chàng trai khác Thành mơ đến một mái ấm gia đình hạnh phúc. Nhưng thực tại lại quá đau đớn, phũ phàng. Thành nghĩ cuộc đời đã là con số không. Anh tự giày vò, kỳ thị mình. Rồi gia đình, bạn bè cũng lần lượt bỏ rơi anh. Bố mẹ không chấp nhận được người con hư hỏng đang mang trong mình căn bệnh “ết” như Thành.

Chính những người thân trong gia đình sợ bị anh truyền bệnh khi ở cùng nhà, ăn cùng mâm cơm, uống cùng cốc nước. Ngay cả anh trai cũng rón rén đến bên Thành hỏi xin ảnh để phòng anh có mệnh hệ gì. Đau đớn, Thành chìm trong những tháng ngày tuyệt vọng. Số tiền tiết kiệm bao nhiêu năm anh đổ vào những cuộc rượu thâu đêm để chờ chết.

Những người bạn thân thiết từ hồi cùng nhau đi học, đi làm cũng dần xa lánh. Thành kể: “Hồi ấy bạn anh có người còn mua cả vòng hoa đến nhà. Mình chết lặng. Nước mắt chảy dài...”.

Vượt lên chính mình

Rời nhà lên Hà Nội với khát vọng sẽ làm lại từ đầu. Thành tâm sự: “Thú thực  hồi ấy cũng may, có một người bạn là giảng viên khoa Tâm lý an ủi và động viên nhiều, tôi mới nghĩ khác, nếu không chắc mình đã tìm đến cái chết...”. Rồi Thành bắt tay vào tham gia các hoạt động cùng nhóm đồng đẳng.

Công việc của nhóm  là yêu cầu các thành viên đến các điểm phát kim tiêm, bao cao su. Thành vui lắm vì một bao cao su đến tận tay một người là mình có thể đã giúp được họ tránh HIV. Anh vỡ ra nhiều điều: Rất nhiều người chưa biết nhưng ngại tìm hiểu. Người bị nhiễm đang bị cộng đồng kỳ thị, xa lánh. Thành tự nhủ: “Mình phải làm được điều gì đó”. Có lẽ vì thế mà anh thấy yêu đời trở lại, cuộc sống đã có ý nghĩa hơn.

Ngày ngày Thành cùng nhóm đồng đẳng đi khắp nơi phát kim tiêm, bao cao su, tuyên truyền. Mệt nhưng vui. Đêm về anh lại chong đèn đọc sách. Sách trở thành niềm đam mê của anh. Anh đọc nhiều sách xã hội, đặc biệt tìm hiểu, nghiên cứu các sách viết về báo chí.

Anh đến với báo chí vì nghĩ báo chí là phương tiện tốt nhất để anh và những người cùng cảnh có thể góp tiếng nói của mình tới cộng đồng nhằm giảm bớt sự kỳ thị.

Thành tham gia viết bài cho tạp chí AIDS và cộng đồng. Những bài báo Thành viết thường là một câu chuyện thấm đẫm tình yêu thương, sẻ chia với hồi kết có hậu của những người cùng cảnh.

Trên “Hà Nội mới tin chiều” số 25 anh đã mượn lời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để thể hiện khát vọng tình yêu và sống “Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng/ Em là tôi và tôi cũng là em/… Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh”.

Năm 2005, Thành được Hội Nhà báo Việt Nam trao tặng giải Ba báo chí cho tác phẩm ký chân dung “Có một phụ nữ anh hùng”. Cuộc thi do Thông tấn xã Việt Nam tổ chức; năm 2006, Hội Nhà văn và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trao tặng hai giải ba cho tác phẩm ký chân dung “Người đàn ông sau 57 lần cai nghiện”.

Hiện nay Thành là cán bộ dự án Healthy Policy Iniative (Sáng kiến chính sách y tế). Đây là một dự án của một tổ chức phi chính phủ, hỗ trợ và tìm nguồn tài trợ cho những người có HIV. Vui nhất là giờ đây nhiều người có HIV đã tự tìm đến với nhóm để hoạt động, nhóm không phải đi tận nơi vận động như trước nữa. Anh cũng đã có vốn tiếng Anh khá, đủ tự tin để giao tiếp với người nước ngoài khi làm dự án.

Mười ba năm sống chung với HIV, Thành đã trải qua nhiều giai đoạn biến động tâm lý. Chặng đường phía trước còn nhiều khó khăn nhưng anh đã vững vàng để đối mặt với nó. Nói về HIV không còn là một cái gì đó quá ghê gớm. Chiều chiều, sau giờ làm việc nhóm Tự lực của những người có HIV lại tụ tập để cùng kể chuyện, đàn, hát cho nhau nghe.

Thành muốn được chia sẻ với những người đồng cảnh. Những bài báo đều đặn đăng trên Tiền phong, Lao động… vẫn khát khao được bình đẳng, yêu thương và không có khoảng cách với cộng đồng. Anh đem những bài báo của mình đã đăng ra khoe, tôi cảm nhận được niềm hãnh diện rạng ngời trên gương mặt.

Bờ bến bình yên

Anh mở lòng tâm sự: “Ngày phát hiện mình bị HIV, người con gái tôi hết lòng yêu thương cũng rời xa. Tôi tự giày vò và không tha thứ được cho mình. Những ngày đó, ngày đi làm vui thì không sao nhưng đêm về đối diện với chính mình mới thấy cô độc ghê gớm”.

Rồi liên tiếp những cơn đau nhức hành hạ cơ thể. Anh cứ chịu đựng, không biết mình phải đối mặt với nó như thế nào và bao lâu nữa. Mãi sau này, trong quá trình hoạt động anh đã gặp một người bạn đồng cảnh. “Cô ấy hiền lành và tốt tính lắm”-  Thành tâm sự.

Cô ấy luôn đến bên anh, an ủi, động viên những lúc anh khủng hoảng về  tâm lý. Có lẽ cũng là nhân duyên, lúc anh mệt mỏi, cô đơn nhất là cô ấy lại xuất hiện ân cần, chăm sóc. Cô nấu cho anh bữa cơm nóng, đắp cho cái khăn lúc ốm, vắt cho cốc nước cam.

Tình yêu là liều thần dược linh nghiệm đã khiến anh cảm thấy mình không còn đơn độc. Cũng chính tình yêu dịu dàng, đằm thắm của người con gái đồng cảnh ấy  tiếp thêm sức mạnh cho anh. Anh thú thực: “Nghĩ đến cô ấy, dù có thế nào tôi cũng không cho phép mình gục ngã”. Một ngày bắt đầu từ 7 giờ sáng, tập thể dục, đi làm, đi học và về nhà lúc mười giờ đêm. Thành cần mẫn như một con ong đi về đã không còn đơn độc.

Hiện nay, anh chị cùng chung nhóm sinh hoạt, chung lý tưởng sống. Anh cười, nụ cười không giấu được niềm hạnh phúc đang long lanh trong mắt. Hai con người, hai tâm hồn yếu đuối nương tựa vào nhau. Nghe anh say sưa nói về tình yêu tôi biết họ đang rất hạnh phúc. Tôi tin về một ngày mai tình yêu họ sẽ tràn đầy nắng ấm.

Công việc bộn bề nhưng Thành vẫn lo một ngày mình không còn việc gì để làm. Bởi dự án thì rồi cũng đến kỳ phải hết. Ước mơ của Thành cũng thật bé nhỏ. Chỉ cần có một công việc đủ để trang trải thuốc men, khám bệnh. Thành sẽ tiếp tục viết báo, tiếp tục làm việc để góp phần rút ngắn khoảng cách giữa cộng đồng và người có HIV.

Anh mong, không chỉ dự án nước ngoài mà các tổ chức trong nước cũng quan tâm đến những người có HIV để họ lấy lại cân bằng trong cuộc sống. Khi đó, sẽ có những người làm nhiều việc ý nghĩa hơn.

Tôi hiểu tâm trạng Thành, những việc anh làm với mong muốn cháy bỏng là giảm bớt sự kỳ thị của cộng đồng. Nhưng dường như điều đó không đơn giản, còn có quá ít người đưa bàn tay mình ra với những người không may như anh vững tin trong cuộc sống.

Nguyễn Hà
Khoa Báo chí - ĐHKHXH&NV - ĐHQGHN

MỚI - NÓNG