> Cấm đùn đẩy trách nhiệm tiếp dân
> Khiếu kiện kéo dài: Không rõ trách nhiệm
Còn nhớ tại phiên thảo luận ở tổ về Dự thảo Luật Tiếp công dân ngày 31/5/2013, ĐB Thuyền cũng đã từng lên tiếng về tình trạng này, ông nói: “Thấy số lạ không nghe, làm sao gần dân được”.
ĐB Trần Du Lịch từng thẳng thắn đặt câu hỏi: “Không biết có nước nào mà khiếu nại tố cáo nhiều như nước mình không? Có những người đi kiện từ năm 1990 đến giờ, đoàn nào cũng tiếp cả mà vẫn không giải quyết được”.
Lý giải về thực trạng này, có ĐB cho rằng hiện nhận thức của cán bộ địa phương về việc tiếp dân còn mờ nhạt, ai cũng ngại nên thường giao cho những người rỗi rãi hoặc thiếu năng lực, thậm chí không bố trí được ở đâu mới đưa về bộ phận tiếp dân.
Trước thực trạng trên, Dự thảo Luật Tiếp công dân sắp được thông qua quy định, Chủ tịch xã phải tiếp dân ít nhất 1 ngày mỗi tuần, chủ tịch huyện 2 ngày mỗi tháng, chủ tịch tỉnh và bộ trưởng 1 ngày mỗi tháng.
Việc thể chế hóa trách nhiệm và nghĩa vụ phải tiếp công dân của cán bộ nhà nước, nhất là cán bộ lãnh đạo là điều hết sức cần thiết, thể hiện được bản chất của chính quyền là của dân, do dân và vì dân.
Nhớ lại, cách nay ngót 70 năm ngay từ buổi đầu lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Chính phủ ta là chính phủ của nhân dân, chỉ có một mục đích là phụng sự cho lợi ích của nhân dân. Chính phủ rất mong đồng bào giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình để làm tròn nhiệm vụ của mình là người đầy tớ trung thành tận tụy của nhân dân” (Hồ Chí Minh toàn tập, t.7, tr.361-362).
Bác cũng thường xuyên căn dặn cán bộ: “Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dầu khó đến đâu mặc lòng, những vấn đề quan hệ tới đời sống của dân. Phải chấp đơn, phải xử kiện cho dân mỗi khi người ta đem tới” (Hồ Chí Minh toàn tập, t.4, tr.47-48).
Việc cán bộ có thói quen không nghe điện thoại số lạ, tức số của dân, chỉ nghe số quen, tức số của cấp trên, cấp dưới hay người thân, chỉ là một trong vô vàn những biểu hiện xa dân mà thôi.
Thực ra, cũng không phải cứ nghe số lạ mới là gần dân, bởi nếu lãnh đạo ngày nào cũng trực tiếp nghe cả chục cuộc dân phản ánh sẽ không còn thời gian để điều hành, chỉ đạo.
Điều quan trọng là, cần phải thiết kế một cơ chế mang tính hệ thống để tiếp nhận và xử lý thấu đáo mọi ý kiến của dân. Có như vậy người dân mới thực sự được tôn trọng, cán bộ mới thực sự gần dân như Bác Hồ từng căn dặn.