'Số đỏ' xuất bản ở Trung Quốc: Khó và dễ

0:00 / 0:00
0:00
Dịch giả, PGS.TS Hạ Lộ
Dịch giả, PGS.TS Hạ Lộ
TP - Dịch giả, PGS.TS Hạ Lộ cho biết: “Số đỏ” của nhà văn Vũ Trọng Phụng mới ra mắt ở Trung Quốc, in lần thứ nhất với 8.000 bản. “Bà đỡ” của “Số đỏ” chính là NXB Văn nghệ Tứ Xuyên. Việc xuất bản “Số đỏ” tại thị trường sách Trung Quốc thuận lợi song công cuộc dịch thuật “đứa con tinh thần” này của Vũ Trọng Phụng là thách thức đối với dịch giả.

Từng đọc “Số đỏ” nhưng không hiểu gì

PGS.TS Hạ Lộ (Đại học Bắc Kinh), chính là người đã dịch “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh sang tiếng Trung Quốc, được độc giả và giới chuyên môn nước này đánh giá cao.

Dịch giả chia sẻ: “Tôi đã quan tâm đến hiện tượng Vũ Trọng Phụng từ rất lâu rồi. Lần đầu tiên tôi được biết đến cái tên Vũ Trọng Phụng và tác phẩm của ông là vào khoảng mùa thu năm 1996. Khi ấy, tôi đi nghe một buổi bảo vệ đề cương luận văn Thạc sỹ. Đề tài của anh ấy là “Nghệ thuật truyện ngắn Vũ Trọng Phụng”. Tôi còn nhớ anh ấy đã nói: “Đã có quá nhiều những nghiên cứu về tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng, song truyện ngắn của ông lại chưa được quan tâm chú ý”.

Khi đó, tôi đã học tiếng Việt được hơn 2 năm, song hình như tôi chưa từng nghe đến cái tên Vũ Trọng Phụng lần nào, đừng nói đến chuyện đọc tác phẩm của ông ấy. Thế mà người bạn bảo vệ luận án thạc sỹ của tôi lại nói: “Đã có quá nhiều những nghiên cứu về tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng”. Tôi lấy làm hổ thẹn vô cùng và quyết định phải tìm hiểu xem, rốt cuộc ông đã viết những tiểu thuyết nào”.

'Số đỏ' xuất bản ở Trung Quốc: Khó và dễ ảnh 1

Bìa trước “Số đỏ”

Phải đến khi học môn Lịch sử văn học Việt Nam, Hạ Lộ mới nắm được nhiều thông tin về nhà văn Vũ Trọng Phụng, trong đó “Số đỏ” là tác phẩm tiêu biểu của ông. Tuy nhiên, thời điểm ấy mạng Internet vẫn chưa phổ biến, những nhà nghiên cứu như Hạ Lộ ngoài việc đọc sách giáo khoa, không còn kênh nào để có thể mua được sách Việt Nam, càng không thể tiếp cận việc nghe đài hay xem ti vi của Việt Nam.

Cơ hội mở ra, khi tháng 9 năm 2000, nhà nghiên cứu Hạ Lộ được sang du học tại trường ĐH KHXH &NV Hà Nội theo diện học bổng trao đổi học giả của Bộ Giáo dục Trung Quốc - Việt Nam. Đặt chân đến Hà Nội, ngay ngày hôm sau, Hạ Lộ đi dạo Bờ Hồ và phát hiện ở khu vực này có quá nhiều hiệu sách. Chị vô cùng bất ngờ khi hiệu sách nào cũng bày bán “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng. Hạ Lộ bèn mua một cuốn. Dịch giả thú nhận về lần đầu đọc “Số đỏ”: “Tôi đọc mà chẳng hiểu gì cả, càng không thể cảm nhận được những chỗ thú vị của nó”.

Nhưng Hạ Lộ có duyên với “Số đỏ”, chị kể tiếp: “Vào năm 2016, tôi tham gia hệ đề tài Dịch và Nghiên cứu tác phẩm văn học hiện đại và đương đại Đông Nam Á, chủ nhiệm đề tài giao cho tôi phụ trách chọn dịch và nghiên cứu một tác phẩm văn học kinh điển của Việt Nam. Tôi lập tức nghĩ ngay đến “Số đỏ”, một phần vì đó là tác phẩm nổi tiếng không thể phủ nhận.

Hơn nữa, dung lượng của nó không quá dài. Tôi nghĩ, mình đã từng dịch những tác phẩm như “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh thì “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng không phải là quá khó. Và thế là tôi đã chọn “Số đỏ”. Nữ dịch giả nói thêm: Trước “Số đỏ”, chị cũng đã dịch và giảng dạy một tác phẩm khác của Vũ Trọng Phụng là “Cái ghen đàn ông”. Do đó, chị cũng đã có những hiểu biết nhất định về thân thế, sự nghiệp của ông.

Tưởng dễ hóa… lầm to

PGS.TS Hạ Lộ thú nhận, quá trình dịch “Số đỏ” chị gặp nhiều khó khăn, không lường trước được: “Như tôi đã chia sẻ, tôi chọn “Số đỏ” vì nghĩ rằng tác phẩm này ngắn và dễ, như vậy sẽ giúp tôi tiết kiệm được thời gian. Nhưng đến khi thực sự bắt tay vào dịch tôi mới nhận ra mình đã lầm to. Nó quá khó”.

Dịch giả lý giải, bởi “đứa con tinh thần” của nhà văn Vũ Trọng Phụng có quá nhiều phương ngôn tục ngữ, tiếng lóng đầu đường xó chợ và cả những đoạn đối thoại rất khó để có thể dịch chuyển sang tiếng Trung: “Tôi đã phải mất khoảng hơn một năm để hoàn thành bản thảo đầu tiên, sau đó lại mất hơn một năm nữa để trao đổi với bạn bè Trung Quốc biết tiếng Việt và bạn bè Việt Nam biết tiếng Trung Quốc về các vấn đề còn thắc mắc, sau đó mất mấy tháng nữa để tham khảo bản dịch tiếng Anh và chỉnh sửa bản thảo”.

Trái với công việc dịch thuật, xuất bản “Số đỏ” lại rất thuận lợi ở Trung Quốc. Nữ dịch giả giải thích: “Có lẽ vì “Nỗi buồn chiến tranh” do tôi dịch trước đó đã được độc giả Trung Quốc đón nhận một cách nồng nhiệt, mọi người đều muốn được biết nhiều hơn nữa về văn học Việt Nam”.

Lúc đầu, PGS.TS Hạ Lộ dự định xuất bản “Số đỏ” ngay tại NXB Đại học Bắc Kinh, là nơi chị đang công tác. Sau đó, bạn bè của chị ở NXB Văn nghệ Tứ Xuyên nói rằng, họ muốn ra mắt một bộ tùng thư về Văn học Đông Nam Á. Vì vậy, họ hy vọng chị có thể hợp tác cùng với họ.

“Đây là một nhà xuất bản rất có uy tín trong lĩnh vực xuất bản tác phẩm văn học ở Trung Quốc”, Hạ Lộ khẳng định thương hiệu của đơn vị cho ra đời “Số đỏ”.

“Số đỏ” xuất bản thành sách lần đầu năm 1938 đến nay đã 83 năm. Vũ Trọng Phụng sinh năm 1912, mất năm 1939. Do đó, việc xuất bản “đứa con cưng” của Vũ Trọng Phụng theo quy định về luật bản quyền thì được tự do khai thác: “50 năm sau khi tác giả qua đời thì không cần phải xin bản quyền nữa. Song tôi vẫn hi vọng sau này có cơ hội được gặp con cháu của tác giả để trao tặng tận tay bản dịch này, để tỏ lòng kính trọng của tôi”, PGS.TS Hạ Lộ nói.

Tác phẩm in lần thứ nhất với 8.000 bản, giá mỗi cuốn sách là 42 nhân dân tệ. Dịch giả Hạ Lộ vừa cầm trên tay những cuốn “Số đỏ” đầu tiên.

Người viết lời tựa cho “Số đỏ” chính là ông Bành Thế Đoàn, Tham tán Văn hóa ĐSQ Trung Quốc tại Việt Nam. Trong lời tựa, ông viết: “Cuốn tiểu thuyết này được dịch và giới thiệu ở Trung Quốc sẽ có một tác động tích cực đối với người Trung Quốc trong việc hiểu biết về Việt Nam và sự phát triển của văn học Việt Nam. Nhưng để dịch hay được cuốn tiểu thuyết thật không dễ.

Khi sang công tác tại Việt Nam năm 1993, tôi may mắn được xem 8 tập của bộ phim truyền hình “Số đỏ” do Đài truyền hình Việt Nam phát sóng, phim được hãng phim truyện Việt Nam sản xuất năm 1990. Hơn 20 năm đã trôi qua, những hình ảnh sống động của Xuân Tóc Đỏ, Bbà Phó Đoan, cụ Cố Hồng, ông TYPN, ông Phán mọc sừng… như vẫn còn mới mẻ trong tâm trí tôi” (TS. Bùi Thiên Thai, Viện Văn học, dịch)

Văn học Việt đang được quan tâm

Theo PGS.TS Hạ Lộ, do dịch bệnh một số hội chợ sách ở Trung Quốc không thể tổ chức được. Nhưng văn hóa đọc không bị ảnh hưởng, vì độc giả chủ yếu đặt sách qua mạng. Vì không thể ra khỏi nhà nên họ lại có thời gian đọc sách: “Cá nhân tôi cho rằng, hiện nay, ngày càng nhiều người Trung Quốc quan tâm đến văn học Việt Nam. “Số đỏ” mới ra mắt được một tuần đã có không ít bạn bè nói với tôi rằng, họ đã đặt mua trên mạng. Ngoài ra, cũng có rất nhiều người nói rằng, họ rất thích và sẽ mua. Hiện cũng đã có một số báo chí đặt tôi viết bài bình sách nhân quá trình dịch Số đo”.

Theo Hạ Lộ, mấy chục năm qua, do kinh tế thị trường phát triển và văn học phần nào bị gạt ra bên lề cho nên số lượng tác phẩm văn học Việt Nam được dịch và xuất bản ở Trung Quốc còn ít. “Nỗi buồn chiến tranh” có lẽ là tiểu thuyết Việt Nam đầu tiên được xuất bản trong những năm gần đây. Nó được đón nhận vô cùng nồng nhiệt. Ngôn ngữ và nghệ thuật tiểu thuyết của “Nỗi buồn chiến tranh”được rất nhiều độc giả và nhà văn đánh giá cao. Thậm chí họ hỏi Hạ Lộ: “Ngôn ngữ gốc của tiểu thuyết Việt Nam này có hay như vậy không? Hay chị đã cải tác nó thành như vậy?”.

MỚI - NÓNG