PV Tiền Phong:
- Hiện nay phía VCPMC vẫn khẳng định Sky Music chỉ có quyền đối với các bản ghi và quyền liên quan đến các tác phẩm âm nhạc đang kinh doanh. Còn về quyền Tác giả âm nhạc thì Sky Music không có nên việc kinh doanh là vi phạm? Sky Music nói gì về vấn đề này?
Ông Trương Quốc Việt:
-Theo điều 33.2 Luật Sở Hữu Trí Tuệ, đơn vị có sử dụng bản ghi âm, ghi hình (“Bản ghi”) để phát nhạc tại địa điểm kinh doanh (siêu thị, quán cà phê, khách sạn….) phải trả nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất (“Phí sử dụng”) quyền tác giả, quyền liên quan cho 2 chủ thể bao gồm: Chủ thể quyền tác giả: người viết các nốt nhạc, lời bài hát; Chủ thể quyền liên quan: cá nhân, tổ chức đầu tư chi phí, công sức để tạo nên bản ghi âm, ghi hình… Đối với các Bản ghi mà SKY Music cung cấp thì SKY Music tiếp nhận Phí sử dụng từ các đơn vị kinh doanh và phân phối lại cho các chủ thể quyền hoặc đại diện hợp pháp của họ, và do vậy các Đơn vị kinh doanh này đã hoàn thành nghĩa vụ theo luật định.
Về phía SKY Music, chúng tôi thực hiện phân phối Phí sử dụng như sau: Với phần quyền liên quan, SKY Music trả trực tiếp cho chủ thể quyền như là Sơn Tùng M-TP, Noo Phước Thịnh, Hà Anh Tuấn vv… Với nhạc nước ngoài thì chúng tôi trả phí cho các đơn vị như Sony Music, Universal Music; Với phần quyền tác giả thì hiện chúng tôi có 02 phương thức thanh toán bao gồm: Tự động thanh toán: áp dụng với các chủ thể có hợp đồng với SKY Music như nhạc sĩ Phú Quang, An Thuyên, Nguyễn Văn Chung, Quốc Bảo, Nguyễn Thành Chung, Sơn Tùng M-TP …. Ủy quyền thanh toán: Đối với những chủ thể quyền tác giả mà SKY Music chưa ký hợp đồng trực tiếp, thì SKY Music được các đơn vị sử dụng nhạc ủy quyền để liên lạc, đàm phán và chi trả Phí sử dụng quyền tác giả tại địa điểm kinh doanh của các đơn vị này. Với công nghệ đo đếm tần suất khai thác nhạc SKY Soundtrack (trước đó là Xmusic Station), SKY Music có đầy đủ dữ liệu về số lượt phát, tần suất phát, tại từng địa điểm phát nhạc, làm căn cứ để chi trả phí sử dụng quyền tác giả. VCPMC tuyên bố họ là đại diện của nhiều nhạc sĩ cả trong và ngoài nước nên cũng là một đối tượng để SKY Music đàm phán và chi trả Phí sử dụng tương ứng.
-Vậy mức chi trả tiền tác quyền cho các nhạc thuộc VCPMC được SKY Music tính ra sao?
-Khi đàm phán, SKY Music yêu cầu VCPMC thực hiện các việc sau: 1) Cung cấp các hợp đồng ủy quyền để chứng minh thẩm quyền đại diện nhận Phí sử dụng; 2) Thống nhất biểu Phí sử dung căn cứ theo số lượt phát, tần suất phát (căn cứ tính phí theo Điều 43.4 b) Nghị định 22/2018/NĐ-CP); 3) Đối soát dữ liệu khai thác theo thực tế tại các Đơn vị kinh doanh…
Tuy nhiên VCPMC né tránh thực hiện các yêu cầu trên mà không có lý do rõ ràng, chính đáng. Sự trì hoãn của VCPMC cản trở phân phối Phí sử dụng quyền tác giả gây thiệt hại cho các chủ thể quyền. Trong quá trình đàm phán, VCPMC đã đề cập tới con số 3 tỷ đồng nhưng là dựa trên một số hợp đồng quá khứ theo cách tính khoán trái pháp luật, không dựa trên số lượt phát, tần suất phát như đã quy định tại Điều 43.4 b) Nghị định 22/2018/NĐ-CP và trước đó là Điệu 45a.1 b) Nghị định 100/2006/NĐ-CP. Vì vậy SKY Music bác bỏ đề xuất này của VCPMC. Sau đó VCPMC im lặng rồi bất ngờ vu cáo SKY Music vi phạm pháp luật.
SKY Music trong một hội thảo về Quyền sở hữu trí tuệ
-Trong khi VCPMC đang dự tính kiện SKY Music ra toà thì chính Sky Music đã khởi kiện VCPMC. Việc khởi kiện này như thế nào?
-Chúng tôi đã gửi đơn khởi kiện VCPMC và lá đơn đã được Tòa án nhân dân Quận 10- TPHCM tiếp nhận vào ngày 14/11/2018, hiện đang được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Trong đơn, bên cạnh yêu cầu VCPMC xin lỗi, SKY Music còn yêu cầu số tiền bồi thường (Tạm tính tới ngày 14/11/2018) là 500 triệu đồng. Tuy nhiên sau một loạt hành động leo thang xung đột của VCPMC, mới nhất là ngày 19/12/2018 VCPMC tổ chức họp báo tại Hà Nội để tuyên truyền những thông tin sai sự thật tới công chúng thì chúng tôi đang tính toán mức thiệt hại để yêu cầu tăng số tiền bồi thường lên tương xứng.
Thông tin chi tiết về tiến trình tố tụng sẽ được chúng tôi cập nhật cụ thể trong thời gian tới.
-Theo đánh giá của Sky Music thì hiện tại hướng kinh doanh giải pháp âm nhạc mà Sky Music đang đeo đuổi có những ưu thế gì? Cần phát triển ra sao? VCPMC và Sky Music có thể ngồi lại với nhau, cùng tìm ra giải pháp để phát triển song hành được hay không?
-Việc xác định nhuận bút, thù lao là thỏa thuận dân sự. Đối với các đơn vị sử dụng nhạc tại địa điểm kinh doanh, nếu tập trung tiếp cận bằng cách đe dọa, ép buộc để bắt họ phải trả mức phí không thỏa đáng là vi phạm nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự. Khoản 3, Điều 2 Bộ luật dân sự đã nêu rõ: ” 2. Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận.”SKY Music chọn con đường đối thoại và đã làm được việc rất khó là tạo ra nhu cầu để các đơn vị kinh doanh tình nguyện sử dụng giải pháp âm nhạc tổng thể XMS (và sắp tới là SKY soundtrack) gồm các thành tố sau: 1) Quyền tác giả, quyền liên quan: định lượng bằng đo đếm tần suất tự động; 2) Bản ghi: các file chất lượng cao do chính các nghệ sĩ/kho nhạc cung cấp; 3) Lập lịch phát: đảm bảo việc phát nhạc đồng bộ, ổn định trên phạm vi toàn Việt Nam và kiểm soát trực tuyến từ xa; 4) Không gian âm nhạc: tư vấn bởi hệ thống Trí tuệ nhân tạo và chuyên gia của SKY Music đảm bảo phù hợp với định hướng thương hiệu của từng khách hàng.
Hiện nay, SKY Music đang tồn đọng một khoản nhuận bút, thù lao phần quyền tác giả chưa phân phối do không liên hệ được với chủ thể quyền tác giả, nếu VCPMC chứng minh được họ là đại diện hợp pháp của các chủ thể quyền tác giả như họ tuyên bố đáp ứng được các yêu cầu hợp pháp về đối soát dữ liệu thì SKY Music hoàn toàn có thể hợp tác với VCPMC giải ngân chuyển khoản nhuận bút, thù lao chưa phân phối này tới đúng địa chỉ
.-Xin cảm ơn ông!