Sinh viên vượt 'sướng'

Sinh viên vượt 'sướng'
TPO - Chúng ta đã quá quen với câu nói “sinh viên nghèo vượt khó” , giờ đây trong giới trẻ lại rộ lên một câu nói cũng na ná như trên, nhưng lại hàm ý chỉ những cô cậu sinh viên thời @ hiện đại, được gia đình nuông chiều và có cuộc sống quá xa hoa so với cái tên gọi “sinh viên” vốn dĩ gắn liền với sự giản dị. Họ được gọi là những “sinh viên giàu vượt sướng!”

Chân dung những “cậu ấm cô chiêu” là sinh viên

Đỗ đại học, Minh ngay lập tức được bố mẹ mua cho một chiếc xe tay ga đắt tiền, một chiếc điện thoại nắp trượt mới ra lò trên thị trường. Sau khi vào học được một thời gian, cậu lại được bố mẹ cấp cho một chiếc laptop nhãn hiệu Apple thời trang, ngoài ra còn có khoản chi tiêu hàng tháng không cố định, tức là bố mẹ cho bao nhiêu dùng bấy nhiêu, nếu hết thì chỉ cần nói một câu là lại có “viện trợ” tức thì!

Lan cũng là một trường hợp tương tự. Cô sinh viên năm hai của một trong những trường Đại học nổi tiếng nhất nhì đất Hà Thành là người ngoại tỉnh. Điều kiện gia đình dưới quê khá giả, bản thân thời trung học cũng là một nữ sinh khá nổi tiếng bới sức học và ngoại hình không đến nỗi nào. Ngay từ những ngày đầu lên thành phố, Lan đã quyết chí phải sống hết mình với thời sinh viên 4 năm ngắn ngủi. Tiền bố mẹ chu cấp hàng tháng đủ để Lan đảm bảo một cuộc sống đầy đủ nơi thành thị sầm uất, không những thế cô còn có thể được bố mẹ đáp ứng mọi nguyện vọng về tài chính, vật chất nếu có nhu cầu.

Minh và Lan là hai trong số những đại diện tiêu biểu của một nhóm sinh viên được gọi nôm na vui là: “sinh viên giàu vượt sướng!”

Để có một hình ảnh chân thực về các sinh viên thuộc tầng lớp “thượng lưu” này không hề khó khăn. Bạn chỉ cần dành một khoản thời gian ngồi học trên giảng đường, hay đơn giản là đứng ở cổng một trường Đại học bất kì nào đó cũng có thể dễ dàng nhận ra họ. Đa số các sinh viên này đều có ngoại hình rất bắt mắt ( thậm chí có nhiều người là hotboy, hotgirl trong trường), ăn mặc thời trang, từ tóc tai đến ngoại hình đều được chăm chút hết sức kĩ lưỡng, đi những loại xe tay ga, những chiếc điện thoại đắt tiền, họ cũng thường tụ tập thành những nhóm nhỏ chơi với nhau... “Cảm giác họ đi đến đâu cũng thu hút ánh nhìn hiếu kì của mọi người vậy!”- Tâm ( SV ĐH Ngân hàng) nói.

Điều kiện tốt, học lực có tốt?

Sẽ là không công bằng nếu quy cho tất cả các sinh viên có điều kiện vật chất- tinh thần tốt lại là những người không có học lực tốt. Nhưng sự thực thì đa số các bạn sinh viên có hoàn cảnh như vậy lại đều là những người khá... lười! Họ không những lười vận động thân thể mà quan trọng hơn là lười vận động trí óc, từ đó dễ dẫn đến sự chây ì và sa đà vào tệ nạn xấu.

Nguyên nhân thì có muôn hình vạn trạng, nhưng chủ yếu đó là do tâm lý chủ quan, ỷ lại vào bố mẹ, người thân, vào những điều kiện vô cùng tốt mà mình đang có, từ đó mà không chịu phấn đấu học tập. Việc không chịu lên lớp đầy đủ, không chịu tìm hiểu các tài liệu- thông tin thầy cô cung cấp mà chỉ chăm chăm đua đòi ăn chơi, chạy theo những mốt mới... cũng khiến cho sức học của họ mau chóng đi xuống.“ Họ thường hay nghỉ học hoặc trốn tiết. Đôi lúc đến lớp chỉ để cho có mặt điểm danh thôi, xong xuôi thì lại ra về hoặc rủ nhau ra căng-tin ngồi tán phét.”- Vân ( SV ĐHKHXH&NV)

Sự lười nhác này còn gây ra hậu quả rất xấu, đặc biệt là với các sinh viên bắt đầu bước vào năm thứ 3, năm thứ 4. Không những kết quả học lực yếu không đủ cho làm luận án tốt nghiệp, mà cơ hội để lấy được tấm bằng Đại học lúc này cũng khó khăn bởi một số sinh viên nợ quá nhiều môn học. Số khác lại không thể đi thực tập bởi kiến thức cơ bản trên lớp được thầy cô giảng dạy không hề có, trong khi bạn bè xung quanh họ thì nô nức đi làm thêm, học thêm chuyên ngành từ những năm thứ nhất, thứ 2... Đến lúc đó, bắt họ thay đổi cách sống “gà công nghiệp” được bố mẹ chu cấp, bản thân không bao giờ phải lo lắng hay suy nghĩ về tương lai, bắt họ nhìn nhận mọi vấn đề một cách độc lập và tự chủ là điều hoàn toàn không thể, hoặc đã quá muộn!

Hãy trở thành một sinh viên thế hệ mới đúng cách!

Minh tự tin rằng cuộc sống đã có bố mẹ chu cấp đầy đủ nên chẳng cần phải lo lắng điều chi. Cậu cứ thế mà ăn chơi với bạn bè, lúc thì đi hội hè ở nơi này, khi thì lại tụ tập ở chỗ khác, về đến nhà chỉ thiết lăn ra ngủ chẳng muốn học hành hay nghiên cứu bất cứ điều gì nữa.

Lan lên thành phố, nằm ngoài vòng kiểm soát của bố mẹ nên tha hồ bay nhảy, tham gia vào những buổi tiệc tùng thâu đêm suốt sáng. Tệ hơn nữa, cô đã từng uống thuốc lắc và gần đây còn được bạn bè rủ dùng thử cần sa! Đến giờ, Lan đã cầm cả máy điện thoại, cả xe tay ga để đủ tiền mua thuốc.

Không phải ngẫu nhiên mà đa số các tệ nạn xã hội hiện nay đều có một số lượng lớn sinh viên- học sinh, những người có tương lại vô cùng sáng sủa, dính líu vào. Từ sự nuông chiều của gia đình, sự tự phụ và thiếu kiểm soát của bản thân... dần dần, những con người trẻ tuổi ấy đang vẽ nên một con đường dẫn vào ngõ cụt cho cuộc đời mình. Trong khi đó, không ít những bạn sinh viên điều kiện thiếu thốn và còn gặp nhiều khó khăn nhưng lại vô cùng chăm chỉ và cần cù, say sưa học hành, phấn đấu vì ngày mai lập nghiệp.

Tương lai nằm ở trong tay các bạn, cái quan trọng là bạn điều khiển tay lái như thế nào để không lạc nhịp, không sa đoạ vào một lối sống thả phanh không có điểm dừng và luôn biết dừng lại có chừng mực. Chúng ta là một thế hệ sinh viên hiện đại, vậy tại sao không biết sống theo một lối sống lành mạnh và văn minh, biết lựa chọn thông minh và tận dụng những điều kiện tốt nhất mà bản thân có để làm bàn đạp phấn đấu lên những nấc thang cao hơn? Hãy sống sao cho đừng để cho bạn trở thành một sinh viên cộp mác “sinh viên giàu vượt sướng”!

Theo Viết
MỚI - NÓNG