Sinh viên “kiếm tết” đêm giao thừa

Sinh viên “kiếm tết” đêm giao thừa
(TPO) Trong khi mọi người nô nức đi đón giao thừa thì một số bạn trẻ lại rủ nhau đi... làm dịch vụ. Dù chỉ kinh doanh những mặt hàng đơn giản, nhưng lợi nhuận thu được không phải ít.

Mới hơn 21 giờ đêm 30 Tết mà “đội” của Trung đã chuyển những bó mía to, dài về điểm tập kết trên đường Đại Cồ Việt. Đây chỉ là 1 trong số 3 “cửa hàng bán lộc di động” của nhóm. Họ đã sẵn sàng triển khai kế hoạch làm ăn vào đêm 30 Tết năm nay.

Nhóm của Trung có 5 người chơi thân và gần nhà nhau. Năm nào họ cũng chung tiền đi buôn đào, quất. Đến 30 là cả nhóm “xả hơi”, tập trung nhau đi đón giao thừa. Những lần đi chơi như thế, Trung thấy người ngoại thành và các tỉnh lân cận như Hà Tây, Hưng Yên... mang những cành táo, khế, sung... lên Bờ Hồ bán rất chạy. Vì thế năm nay, Trung bàn với các thành viên “chuyển cửa làm ăn”. Cả nhóm thống nhất sẽ bán “cây nêu”... mía vào đêm 30 Tết.

Từ sáng 30, nhóm phân công từng người về các vườn mía ở Nhổn, Hà Tây... tìm hàng. 18 giờ, gần 100 cây mía tím chắc nịch đã được tập kết ở nhà nhóm trưởng. Để chuẩn bị cho không khí khai trương cửa hàng vào đêm giao thừa, họ thông báo cho đông đủ bạn bè, rủ đến bán mía cùng nếu không đi đâu đón Tết. Chính vì thế mà tôi thấy có đến khoảng 20 nam, nữ thanh niên đang vừa bán mía, vừa... nô đùa ở trước cổng Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Dù cứ ấp a ấp úng, lảng tránh câu hỏi về lời lãi nhưng cứ nhìn vào giá bán không lấy gì làm rẻ (8.000 - 10.000đồng/ cây), trong khi tốc độ tiêu thụ khá lớn, cũng thừa biết, “vụ” làm ăn trong một đêm của nhóm bạn sinh viên này đã "trúng quả".

Như đã thành thông lệ, đêm 30 Tết, người dân Thủ đô thường đổ về Bờ Hồ xem pháo hoa và đón giao thừa. Trong đó, nhiều nhất là tầng lớp thanh thiếu niên. Do “cầu” quá đông nên muốn tìm được một vị trí ngắm pháo hoa thuận lợi, nhiều bạn trẻ phải đi sớm, ngồi quanh bờ hồ nhận chỗ. Nắm bắt được điều này, một số nam thanh niên đã mở quán ”rượu chiếu” phục vụ khách trong lúc chờ đón giao thừa.

Theo quan sát của phóng viên TPO, các “quán cóc” này mọc lên như nấm sau mưa ở Hồ Gươm đêm giao thừa. Đa số các “ông chủ” còn rất trẻ, chỉ ở tầm tuổi trên dưới 25. Với vài cái chiếu ở vị trí đẹp (ngắm rõ pháo hoa), vài chai rượu (thường là Lúa mới hay rượu trắng), mực, cá chỉ vàng, xoài, cóc... làm mồi, họ phục vụ luôn chân tay mà vẫn không kịp đáp ứng yêu cầu của những vị khách “nam thanh nữ tú”.

“Bán hàng chạy thế này thì lãi to còn gì?” - Tôi gạ chuyện một chủ hàng trẻ tên Tuấn. Tuấn cười, thế này đã ăn thua gì anh, mấy đứa trông xe còn thu gấp bội bọn em ấy chứ. Chúng chẳng phải “đầu tư” gì ngoài mấy cái vé bằng giấy, vài sợi dây thừng quây trên vỉa hè làm bãi. Cứ 10.000đồng/xe đạp, 20.000đồng/xe máy, chỉ đêm nay đã có tiền triệu rồi. Tất nhiên phải có “máu mặt” mới cạnh tranh được...

Dạo quanh bờ hồ vào đêm 30 Tết, chúng tôi nhận thấy tình trạng thanh niên đi “kiếm tết” đêm giao thừa năm nay khá sôi động. Ngoài dịch vụ trông giữ xe đạp, máy, “mặt hàng kinh doanh” được chọn nhiều nhất là cành lộc, bao lì xì, bóng bay... Với những con người trẻ tuổi, năng động này, ba mươi mới là khi... "kiếm Tết".

Cách "kiếm Tết" của một số nhóm còn cần phải bàn, nhưng năng động như thế cũng là điều đáng học tập.

MỚI - NÓNG