Sinh viên khởi nghiệp, khó hay dễ?
Nhằm khơi dậy tinh thần sáng tạo khởi nghiệp trong sinh viên, Cuộc thi "Ý tưởng sáng tạo công nghệ VYTEC'22" mang bản sắc riêng của trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội đã chính thức được phát động và thu hút sự quan tâm của đông đảo sinh viên.
Mở đầu chuỗi hoạt động nằm trong khuôn khổ cuộc thi, talk show "Từ ý tưởng đến start-up" diễn ra tối ngày 8/10 đã diễn ra sôi nổi với những đề xuất ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên trong và ngoài trường. Theo đó, câu hỏi được nhiều bạn sinh viên quan tâm nhất chính là: "Có nên khởi nghiệp từ khi còn là sinh viên? Làm sao để chuyển hóa từ ý tưởng đến khởi nghiệp thành công? Những kỹ năng cần có của một sinh viên đam mê khởi nghiệp là gì?..."
Từ những kinh nghiệm thực tế trong khởi nghiệp, chị Lê Thanh Nhàn (sinh năm 1994) hiện là Giám đốc CTCP Makeit, CEO&Founder dự án Alium chia sẻ: "Tôi bắt đầu có "máu" khởi nghiệp khi còn là sinh viên năm 3, cho đến năm 24 tuổi, tôi đã bắt đầu thu về một khoản lợi nhuận lớn và có những bước tiến cao hơn trên thị trường doanh nghiệp.
Tôi cho rằng, tất cả các bạn sinh viên quan tâm và có khao khát khởi nghiệp, hãy tự đặt ra câu hỏi: "Mình sẽ trở thành "ai" trong tương lai?; "Vị trí của mình là gì?"... để từ đó phát triển những kỹ năng cần thiết cho việc khởi nghiệp. Cụ thể, nếu muốn start-up và trở thành một CEO giỏi, bạn phải có kỹ năng xây dựng team và "thu hút" đủ 4 nguồn nhân lực: Sản xuất; Quản trị tiếp thị; Kết nối; Quản lý KPI.
Ngoài ra, nếu khởi nghiệp khi đang ngồi trên ghế nhà trường, bạn sẽ có những thuận lợi lớn như được các thầy cô định hướng, cố vấn chuyên môn; thị trường trước mắt của bạn chính là tất cả sinh viên trong trường. Quan trọng hơn cả, bạn sẽ dễ dàng được thầy cô kết nối và tạo cơ hội học hỏi với chuyên gia khởi nghiệp, dễ dàng gọi vốn và mở rộng thị trường".
Chị Lê Thanh Nhàn (sinh năm 1994) hiện là Giám đốc CTCP Makeit, CEO&Founder dự án Alium chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong quá trình khởi nghiệp cho sinh viên. |
Bổ sung thêm, anh Phạm Trung Dũng, Phụ trách Phòng Hỗ trợ Khởi nghiệp - Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay: "Thế hệ trẻ ngày nay dễ bị dẫn dụ theo vẻ bề ngoài hào nhoáng của 2 chữ "chủ tịch" trong các video ngắn trên mạng xã hội TikTok hay Youtube, hay dễ tin vào những doanh nhân "triệu đô" hay "khoe" trên mạng... Vì thế, nếu muốn khởi nghiệp sớm, các bạn phải "thanh lọc" được nguồn thông tin "đầu vào" và nghiêm túc tìm hiểu về vấn đề mình quan tâm một cách bài bản, không hời hợt.
Từ đó, bài học cho các bạn sinh viên chính là, hãy xác định rõ lĩnh vực khởi nghiệp, sau đó vẽ và lập trình ngay ý tưởng, sơ đồ khởi nghiệp của mình để hướng đến mục tiêu phát triển. Khi bạn có một ý tưởng đủ sức thuyết phục và một hướng đi cụ thể hứa hẹn tạo ra lợi nhuận, bạn sẽ chinh phục được nhiều nhà đầu tư và những người "đồng đội".
Talk show "Từ ý tưởng đến khởi nghiệp" diễn ra tối ngày 8/10. |
Mạnh dạn nêu ý tưởng khởi nghiệp
Trước những chia sẻ thực tế về câu chuyện khởi nghiệp của các diễn giả, nhiều bạn sinh viên đã mạnh dạn nêu ý tưởng khởi nghiệp và bày tỏ nguyện vọng được định hướng thêm.
Em Nguyễn Đức Long (sinh viên năm 2, ngành Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội) mạnh dạn nêu ý tưởng: "Ý tưởng khởi nghiệp của em là tạo nên một mạng xã hội kết nối giữa các mentor (người hướng dẫn, cố vấn) và mentee (người được cố vấn). Thực tế, em đã từng khảo sát và nhận thấy có khá nhiều bạn trẻ muốn tìm hiểu về một ngành nghề hoặc vị trí nào đó trong lĩnh vực cụ thể. Tuy nhiên, các bạn lại không biết hỏi và xin tư vấn từ ai, không biết ngành nghề này có thực sự phù hợp với họ hay không...
Bên cạnh đó, em mong muốn mạng xã hội kết nối này sẽ giúp cho việc tuyển dụng trở nên dễ dàng hơn và định hướng cho nhiều người có một công việc phù hợp mà họ thực sự cảm thấy vui vẻ khi làm nó".
Không chỉ Đức Long, bạn Vũ Hoàng Anh (sinh viên năm 3 ngành Điện tử viễn thông, Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng ấp ủ ý tưởng: "Người Việt Nam ngày nay có phong cách sống hiện đại và có nhiều người chọn nuôi thú cưng như những đứa con của mình. Vì thế, em muốn start up một Công ty công nghệ cung cấp giải pháp chăm sóc thú cưng sử dụng công nghệ IOT (Internet of Things - Internet vạn vật).
Mong muốn của em khi khởi nghiệp về ý tưởng này là có thể áp dụng những kiến thức đã học ở trường để đưa ra một giải pháp áp dụng công nghệ mới nhất, tiện ích hơn dành cho những người yêu thú cưng.
Đáp ứng mong muốn và nguyện vọng khởi nghiệp trong sinh viên, cuộc thi Ý tưởng sáng tạo công nghệ VYTEC'22" chính thức được phát động (mở đơn đăng ký đến 16/10) để tạo ra môi trường, sân chơi sáng tạo cho các bạn sinh viên.
Sinh viên sôi nổi bày tỏ ý tưởng khởi nghiệp. |
Chia sẻ với Tiền Phong, Anh Trần Cường Hưng (Bí thư Đoàn trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội) nói: "Trong vai trò là một thủ lĩnh Đoàn, ban tổ chức cuộc thi Ý tưởng sáng tạo công nghệ cho sinh viên, tôi mong muốn tập hợp được đông đảo sinh viên có đam mê khởi nghiệp tham gia để thúc đẩy tinh thần sáng tạo, ý tưởng khởi nghiệp độc đáo có ích cho cộng đồng.
Cuộc thi cũng là cơ hội để mỗi đoàn viên, thanh niên trường Đại học Công nghệ phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò trong sáng tạo khởi nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ để góp phần vào sự phát triển chung của xã hội, đúng với phương hướng, nhiệm vụ của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh".