Singapore thúc đẩy ASEAN -Trung Quốc đàm phán COC

Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan (trái) bắt tay người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị ngày 29/2.
Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan (trái) bắt tay người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị ngày 29/2.
TP - Singapore đang tập trung đẩy mạnh đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc để sớm ban hành Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở biển Đông (COC), trang tin Mỹ IBTimes đưa tin ngày 1/3.

Singapore đang thúc đẩy sự hình thành COC với nội dung mang tính pháp lý ràng buộc cao. COC sẽ đề ra các hướng dẫn cho các nước liên quan tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông và tránh xung đột ở một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới.

Với tư cách nước điều phối quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc, Singapore và Trung Quốc sẽ cùng nhau làm việc để vạch ra các kế hoạch cụ thể trong những tháng tới, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan nói.

“Cả hai chúng tôi đều tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông. Đây là tuyến đường huyết mạch đối với Trung Quốc và tất cả các nước ASEAN”, Channel News Asia dẫn lời ông Balakrishnan thông báo sau khi hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm thứ Hai tại Bắc Kinh. Trung Quốc đã nhất trí tìm kiếm các biện pháp hạn chế nguy cơ đụng độ vũ trang tại khu vực tranh chấp trên biển Đông, Ngoại trưởng Singapore nói.

Ông Vương nói lập trường của Trung Quốc về vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông vẫn không thay đổi, nhưng nhấn mạnh rằng, Bắc Kinh sẵn sàng làm việc với ASEAN để đưa ra và thực hiện COC, Channel News Asia đưa tin. Trong khi các nước liên quan tìm cách giải quyết các tranh chấp cụ thể thông qua đối thoại và thương lượng, “Trung Quốc và ASEAN sẽ tiếp tục duy trì hòa bình, ổn định, tự do hàng hải trên biển Đông”, ông Vương nói.

Gần đây, cộng đồng quốc tế bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc Trung Quốc ngang nhiên bồi đắp, cải tạo các bãi đá tại vùng tranh chấp trên biển Đông, xây dựng cơ sở hạ tầng, lắp đặt hệ thống vũ khí, khí tài trên đó. Philippines cảnh báo rằng, đây là kế hoạch của Bắc Kinh nhằm áp đặt vùng nhận diện phòng không trong khu vực trong thời gian tới, IBTimes đưa tin.

Tuần trước, Philippines tuyên bố nước này đặc biệt quan ngại trước việc Trung Quốc triển khai tên lửa đất đối không trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, nói rằng điều này đi ngược lại cam kết của Bắc Kinh là không quân sự hóa biển Đông. Bộ Ngoại giao Philippines tuyên bố, việc triển khai vũ khí tiếp tục làm xói mòn “lòng tin và làm trầm trọng hóa tình trạng căng thẳng trong khu vực”.

Trung Quốc sẽ tăng ngân sách quốc phòng

Ngày 1/3, báo Hong Kong South China Morning Post đưa tin, Trung Quốc có thể sắp tăng ngân sách quốc phòng lên đến 20% - mức tăng cao nhất kể từ năm 2007. Dự kiến, Trung Quốc công bố ngân sách quốc phòng năm 2016 vào ngày 5/3 khi Quốc hội nước này họp.

Căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng cũng như Mỹ liên quan tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông, biển Hoa Đông là một lý do khiến Bắc Kinh tăng ngân sách quốc phòng, một nguồn tin gần gũi với quân đội Trung Quốc nói với South China Morning Post. Một lý do nữa là quân đội Trung Quốc cần thêm tiền để trả lương hưu, phụ cấp, các khoản bồi thường.

Tháng 9/2015, Trung Quốc thông báo cắt giảm 300.000 binh sĩ, chủ yếu thuộc lục quân, cho đến năm 2017, Xinhua đưa tin. Trung Quốc sẽ dành nhiều nguồn lực hơn để hiện đại hóa hải quân và không quân, chuẩn bị cho các cuộc xung đột tiềm tàng ở châu Á-Thái Bình Dương, báo Nhật Bản Nihon Keizai nhận định. Sau khi cắt giảm binh sĩ, Trung Quốc sẽ còn khoảng 2 triệu quân, vẫn là quân đội lớn nhất thế giới.

Phải thực thi DOC, thực tâm về COC

Ngày 1/3, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen tiếp Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh, nhân dịp đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng Việt Nam sang Singapore dự Đối thoại chính sách quốc phòng Singapore-Việt Nam lần thứ 7. Trước đó, chiều 29/2, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và Thư ký Thường trực Bộ Quốc phòng Singapore Chang Yeng Kit đồng chủ trì Đối thoại chính sách quốc phòng. Về an ninh trên biển Đông, hai bên đều bày tỏ lo ngại trước những diễn biến mới, phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, rủi ro tại vùng biển này. Hai bên thống nhất, để có được hòa bình ổn định trên biển Đông và khu vực châu Á-Thái Bình Dương, không có cách nào khác là tất cả các bên liên quan cần phải triệt để tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, chấm dứt việc xây đảo nhân tạo trái phép làm thay đổi hiện trạng tại khu vực đang tranh chấp, không đe dọa vũ lực và sử dụng vũ lực, không quân sự hóa trên biển Đông. Trước mắt, tất cả các bên phải thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và thực tâm đẩy nhanh quá trình đàm phán để sớm có được COC. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh bày tỏ hy vọng Singapore có thể giúp nâng cao trách nhiệm của Trung Quốc và ASEAN trong việc thực thi đầy đủ DOC và sớm có được COC…  

TTXVN

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.