Phóng viên Tiền Phong đã theo chân đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm của TP HCM có mặt tại nhiều chợ đầu mối trên địa bàn thành phố . Hơn 22 giờ ngày 25/1, đoàn kiểm tra liên ngành ATTP do Phó chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng dẫn đầu có mặt tại chợ đầu mối Bình Điền (quận 8). Ông Phan Thành Tân, Giám đốc Công ty quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền cho biết, đến thời điểm này, sản lượng hàng hóa chưa tăng, thậm chí giảm nhẹ do nhu cầu thị trường giảm. “Giá cả các mặt hàng nông sản thực phẩm tại chợ ổn định, không có hiện tượng tăng giá đột biến. Dự báo những ngày cận Tết, nhu cầu tiêu dùng của người dân sẽ tăng hơn. Chợ Bình Điền đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa cho thị trường với giá giữ mức ổn định” - ông Tân khẳng định.
Ế ẩm
Ông Dũng trực tiếp gặp gỡ và lắng nghe các tiểu thương chia sẻ thông tin về tình hình hàng hóa tại chợ. Bà Trần Thị Hạnh (tiểu thương ngành hàng rau củ) cho biết, mặc dù cận Tết nhưng các loại rau như xà lách, bắp cải, cà rốt chỉ có giá từ 10.000 - 25.000 đồng/kg. Nói rồi chị Hạnh cầm cái bắp cải trắng nõn chỉ có giá 10.000 đồng đưa vị Phó chủ tịch UBND TPHCM, giọng đượm buồn: “Hơn 30 năm buôn bán ở chợ, chưa bao giờ tôi thấy rau củ có giá rẻ như thế này, và cũng chưa bao giờ khách đến mua lại vắng như vậy. Năm nay chúng tôi không dám nhập hàng, không dám trữ hàng. Rau nhập ngày nào bán hết ngày đó. Thị trường năm nay rất khó khăn. Thời điểm này những năm trước, tôi bán cả tấn rau mỗi ngày nhưng giờ chưa tới 200 kg/ngày. Trước đây khách lẻ còn vào chợ nhưng giờ vắng hẳn…”.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng trò chuyện cùng tiểu thương chợ đầu mối Bình Điền. Ảnh: U.P |
Bà Hạnh cho biết, vợ chồng bà có 2 người con, hiện đang làm giáo viên. Theo bà, nhờ buôn bán ở chợ mà lo được cho các con ăn học tới nơi tới chốn. Cái nghề đã nuôi mình thì mình phải sống tử tế với nó. Bà Hạnh lấy rau củ ở những nơi có uy tín, đủ giấy tờ và nói không với hàng trôi nổi. “Dù đang rất vắng khách mua trong mùa cao điểm Tết, tôi co kéo bằng cách xổ hàng, bán rau với giá chỉ từ 5.000 đồng/kg; nhưng không vì vậy mà lơ là chất lượng”, bà Hạnh nói, đồng thời cho biết luôn yêu cầu thương lái phải cung ứng hàng tốt nhất, đảm bảo an toàn thực phẩm, có giấy tờ hẳn hoi. Lực lượng chức năng, đội an toàn thực phẩm trong chợ cũng thường xuyên lấy mẫu rau bà bán để kiểm nghiệm và tất cả đều đáp ứng các tiêu chuẩn cho phép.
“Ngoài các chợ đầu mối, các ngành chức năng còn phải kiểm soát tốt cả những hàng hóa bên ngoài, đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố...”.
Phó chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng
Lúc 1 giờ sáng 26/1, tại chợ đầu mối nông sản Hóc Môn (huyện Hóc Môn), những chiếc xe tải chở thịt heo nối nhau xếp hàng vào chợ. Cán bộ quản lý ATTP đã túc trực sẵn, cẩn thận kiểm tra dây niêm phong xe, quét mã QR code trên những chiếc vòng đeo của từng mảnh heo. Khi tất cả đều hiển thị thông tin khớp với giấy tờ, từng xe ấy mới lần lượt được đưa heo vào chợ. Một cán bộ quản lý chợ cho biết, trung bình mỗi ngày, gần 5.000 con heo nhập chợ và chưa phát hiện bất thường. Trời sáng dần, sương đêm lạnh thấm ướt áo nhưng lực lượng chức năng vẫn cần mẫn kiểm tra, đảm bảo từng loại thực phẩm đến tay người tiêu dùng phải an toàn.
Sáng sớm ngày 26/1, Sở An toàn thực phẩm TPHCM có mặt tại khu vực bánh kẹo, mứt Tết của chợ Bình Tây (quận 6). Một số tiểu thương khá bất ngờ khi thấy đoàn kiểm tra nhưng họ cũng nhanh chóng cung cấp giấy tờ theo yêu cầu. Chuẩn bị sẵn cả một tệp các loại giấy theo quy định, bà Nghê Mỹ Phụng (sạp 675) chuyên trái cây chế biến cho biết, năm nay hàng bán rất chậm, sức mua giảm tới 70%. Tuy nhiên, bà luôn chấp hành việc kiểm tra ATTP và hàng hóa chủ yếu nhập từ các công ty, có giấy chứng nhận ATTP rõ ràng. “Chúng tôi chào hàng qua điện thoại, khách đồng ý mua thì mình mới đặt chứ không trữ hàng như trước. Với sức mua hiện nay, nhiều khả năng hàng hóa sẽ không tăng giá” - bà Phụng dự báo.
Dọc các quầy hàng bánh mứt, thực phẩm chế biến sẵn trong chợ Bình Tây, hầu hết các sản phẩm đều được bao gói cẩn thận chứ không “trần mình” mặc kệ ruồi bâu kiến đậu như trước. Tiểu thương cũng chăm chút hơn về mặt mẫu mã, niêm yết giá cả cụ thể trên từng mặt hàng để khách dễ dàng lựa chọn.
Kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm
Bà Phong Lan cho biết, Sở ATTP đã thành lập 11 đoàn kiểm tra ATTP dịp Tết nguyên đán. Ngoài ra còn có các đoàn của các quận, huyện, TP Thủ Đức tập trung kiểm tra các mặt hàng Tết được người dân tiêu thụ nhiều. Bên cạnh đó, Sở cũng đề nghị các quận, huyện, TP Thủ Đức chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết, tổ chức triển khai các biện pháp bảo đảm, phòng chống ngộ độc thực phẩm cho tất cả các nhóm đối tượng sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm ở cả thời điểm trước, trong dịp Tết Nguyên đán. Các đoàn thanh tra, kiểm tra tập trung kiểm tra chất lượng, hạn sử dụng, việc công bố tiêu chuẩn sản phẩm, ghi nhãn sản phẩm, nguồn gốc nguyên liệu, phụ gia sử dụng để sản xuất, chế biến thực phẩm... Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi và sản phẩm vi phạm về ATTP theo quy định của pháp luật.
"Sở sẽ mạnh tay hơn trong việc đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và chuyển cơ quan điều tra đề nghị truy tố trước pháp luật những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm nghiêm trọng, tái diễn. Đồng thời công khai các hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và cho cộng đồng” - bà Lan nhấn mạnh.