Thành lập Sở An toàn Thực phẩm đầu tiên trên cả nước

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sau 6 năm thí điểm mô hình Ban Quản lý An toàn thực phẩm, ngày 30/12, TPHCM đã chính thức công bố thành lập Sở An toàn Thực phẩm. Đây là Sở đầu tiên trên cả nước chịu trách nhiệm chính về sự an toàn trên “mâm cơm” của mọi gia đình.

Tại lễ công bố quyết định thành lập Sở An toàn Thực phẩm, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết: Ngày 19/9/2023, tại kỳ họp thứ 11 Hội đồng nhân dân thành phố khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thống nhất thông qua Nghị quyết về việc thành lập Sở An toàn thực phẩm. TPHCM là địa phương đầu tiên của cả nước có Sở An toàn thực phẩm và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2024.

Thành lập Sở An toàn Thực phẩm đầu tiên trên cả nước ảnh 1

UBND TPHCM công bố quyết định thành lập Sở An toàn Thực phẩm và trao quyết định bổ nhiệm lãnh đạo sở

Theo ông Đức, qua thời gian hoạt động thí điểm, Ban Quản lý An toàn Thực phẩm đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao và đầu mối chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Ngày 24/6/2023, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM trong đó có chấp thuận cho Thành phố được thành lập Sở An toàn thực phẩm. Đây là cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng tham mưu, quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm tình hình mới.

“Việc lập Sở An toàn Thực phẩm là cấp thiết cho một đô thị đặc biệt như TPHCM. Mô hình này là một bước đột phá trong tiến trình phát triển bền vững và đảm bảo an sinh xã hội, lấy mục tiêu bảo vệ sức khỏe người dân làm kim chỉ nam cho hành hành động; hoàn toàn phù hợp với chính sách của thành phố và tình hình thực tiễn của địa phương” – ông Dương Anh Đức nói.

Lãnh đạo thành phố yêu cầu Sở An toàn Thực phẩm đẩy mạnh các hoạt động đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, phát triển các mô hình tăng cường nguồn thực phẩm sạch cho thành phố theo chuỗi, hệ thống phân phối thực phẩm an toàn; tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm, kể cả về xử lý hình sự các tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn thực phẩm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng theo quy định của pháp luật; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân lơ là, thiếu trách nhiệm trong quản lý an toàn thực phẩm.

Ngay sau khi có quyết định thành lập, UBND thành phố cũng đã công bố quyết định bổ nhiệm bà Phạm Khánh Phong Lan làm Giám đốc Sở An toàn Thực phẩm; ông Lê Minh Hải là Phó giám đốc.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định chấm dứt việc thí điểm hoạt động của Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM.

Theo đó, việc chấm dứt hoạt động Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM bắt đầu từ ngày 1/1/2024.

UBND TPHCM có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện các công tác chuyển giao nhân sự, hồ sơ tài chính, hồ sơ công việc tại Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố theo nguyên tắc nguyên trạng về Sở An toàn thực phẩm.

Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM được thí điểm thành lập tại quyết định số 2349 ngày 5/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Ban có nhiệm vụ giúp thành phố thực thi pháp luật về an toàn, vệ sinh thực phẩm trên địa bàn.

Sau 6 năm thí điểm, việc thí điểm thành lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM đã cho nhiều kết quả tích cực trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, cần thiết có một cơ chế đặc thù cho TPHCM về quản lý an toàn thực phẩm.

Do đó, tại Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, Quốc hội đồng ý cho thành phố được thành lập Sở An toàn thực phẩm là cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng tham mưu, quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Tại kỳ họp thứ 11 (tháng 9/2023), HĐND TP.HCM khóa X đã thống nhất thông qua nghị quyết về thành lập Sở An toàn thực phẩm TPHCM. Việc thành lập cơ quan này được xem là bước tiếp nối của mô hình thí điểm và kéo dài thời gian thí điểm hoạt động Ban quản lý an toàn thực phẩm TPHCM.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.