Sĩ số học sinh ở nội thành Hà Nội tăng nhanh gây quá tải

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Việc xây dựng trường chuẩn quốc gia ở Hà Nội còn nhiều khó khăn vì các quận nội thành sĩ số học sinh tăng nhanh, trong khi hạ tầng trường lớp đáp ứng không kịp.

Sáng 23/4, Ban Chỉ đạo triển khai đầu tư, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo của thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban kiểm đếm công việc từ đầu năm 2024 đến nay và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của Ban Chỉ đạo từ nay đến hết năm 2024.

Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Lê Anh Quân cho biết, toàn thành phố có 1.424 dự án cho 3 lĩnh vực, được ngân sách thành phố hỗ trợ 45.191,2 tỷ đồng. Trong đó, cấp thành phố có 104 dự án với 11.474,3 tỷ đồng; cấp huyện có 1.320 dự án với 33.716 tỷ đồng.

Đến tháng 4/2024, thành phố đã phê duyệt chủ trương đầu tư 1.357 dự án, đạt 93,97% (tăng thêm 130 dự án so với kỳ họp tháng 1/2024); đã phê duyệt 1.211 dự án (tăng 167 dự án so với kỳ họp tháng 1/2024); khởi công và triển khai xây dựng 844 dự án (tăng thêm 132 dự án so với kỳ họp tháng 1/2024).

Như vậy, giai đoạn 2021-2023, thành phố hoàn thành 342 dự án; dự kiến năm 2024 hoàn thành 426 dự án; lũy kế đến hết năm 2024, dự kiến có 768 dự án hoàn thành (đạt 53,2% số dự án).

Sĩ số học sinh ở nội thành Hà Nội tăng nhanh gây quá tải ảnh 1

Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: PV.

Theo ý kiến tại hội nghị, việc xây dựng trường chuẩn quốc gia vẫn còn nhiều khó khăn vì các quận nội thành sĩ số học sinh tăng nhanh, trong khi hạ tầng trường lớp đáp ứng không kịp. Việc thực hiện một số dự án trường chuẩn quốc gia chậm, do phải được phê duyệt về công tác phòng cháy, chữa cháy.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương, toàn thành phố còn 394 trường chuẩn quốc gia chưa được công nhận lại; trong đó, 189 trường đã quá hạn phải công nhận lại. Hiện, còn 24 công trình vướng mắc về phòng cháy, chữa cháy, nên không quyết toán được, không đưa vào khai thác sử dụng.

Đại diện lãnh đạo quận Cầu Giấy cho biết, quận đang gặp áp lực việc công nhận các trường chuẩn quốc gia, vì hạ tầng trên địa bàn quận mới đáp ứng được hơn 95.000 học sinh từ mầm non đến phổ thông, nhưng số học sinh toàn quận tăng cao, trong khi quy định mới, trường đạt chuẩn phải có thêm các phòng chức năng. Việc công nhận trường chuẩn quốc gia trên địa bàn quận rất vất vả.

Ngoài ra, một số ngành, địa phương gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án xây dựng trường học; một số huyện khó khăn về vốn đối ứng, dẫn đến dự án chậm tiến độ. Đối với một số dự án di tích, y tế cũng khó khăn do điều chỉnh quy hoạch, hoặc phải xin ý kiến của các bộ, ngành trung ương nên thời gian thủ tục đầu tư kéo dài.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu thành viên Ban Chỉ đạo, các ngành, đơn vị tập trung triển khai đạt hiệu quả; tháo gỡ khó khăn về mặt bằng, nguồn vốn cho các công trình quan trọng, không đầu tư dàn trải.

Ông Tuấn giao Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, tổng hợp các phần việc trên cơ sở bảo đảm rõ tiến độ, nhiệm vụ, trách nhiệm từng ngành, từng cấp; đề xuất, kiến nghị giải pháp cụ thể cho từng khó khăn, vướng mắc để Ban Chỉ đạo chỉ đạo thực hiện.

Ông Tuấn cho rằng, Sở cần tập trung tham mưu UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị đôn đốc, triển khai công việc, như: Cơ sở vật chất trường chuẩn quốc gia; phê duyệt phòng cháy, chữa cháy của các dự án; bảo đảm chỉ tiêu về giường bệnh (đội ngũ cán bộ, nhân viên vận hành, thiết bị bệnh viện)…; đẩy nhanh tiến độ xây dựng bệnh viện ở các huyện Mỹ Đức, Mê Linh, Bệnh viện Nhi cơ sở 2...

Năm 2022, phụ huynh phải bốc thăm may mắn để giành suất vào Trường Mầm non Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai. Trong năm học 2022-2023, phụ huynh cũng phải xếp hàng xuyên đêm chờ mua hồ sơ trải nghiệm vào lớp 1 Trường Marie Curie, quận Nam Từ Liêm. Hàng trăm phụ huynh cũng phải chen lấn, xô đẩy, thậm chí giằng co nhau đến rách cả áo vì xếp hàng, tranh suất học ở Trường Tiểu học Vạn Bảo, quận Hà Đông.

Những năm qua, ở bậc học nào, Hà Nội cũng thiếu trường lớp trầm trọng. Dù ngành giáo dục Hà Nội khẳng định, cơ sở vật chất các trường THPT công lập đáp ứng được 60% nhu cầu của học sinh nhưng đó là con số tính trung bình toàn thành phố. Nhiều trường vùng ngoại thành, vùng ven hằng năm không tuyển đủ học sinh, mức điểm trung bình/môn rất thấp. Ngược lại, ở các quận nội thành, học sinh đạt mức trên 8 điểm/môn, nhưng vẫn có thể trượt mất cơ hội học tập ở trường công lập.

MỚI - NÓNG
Xe BMW vượt ẩu, húc văng xe máy xuống mương
Xe BMW vượt ẩu, húc văng xe máy xuống mương
TPO - Ngày 11/12, một đoạn video được lan truyền trên mạng xã hội, ghi lại cảnh một chiếc BMW lấn làn, vượt ẩu trên đèo Dran, tỉnh Lâm Đồng húc văng xe máy xuống mương nước. Sự việc này đã khiến nhiều người bày tỏ bức xúc.
Cần Thơ: Chưa rõ thời điểm tái khởi động dự án bệnh viện nghìn tỷ 'đắp chiếu'
Cần Thơ: Chưa rõ thời điểm tái khởi động dự án bệnh viện nghìn tỷ 'đắp chiếu'
TPO - "Sau khi xác định được nguồn vốn, Sở Y tế sẽ trình UBND thành phố để điều chỉnh chủ trương. Nếu hoàn thành các thủ tục, được cấp nguồn vốn, chúng tôi sẽ triển khai dự án trong thời gian sớm nhất”, Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ trả lời chất vấn của các đại biểu về dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ- vốn dừng thi công và "đắp chiếu" từ năm 2022 tới nay.