Đất xây trường bỏ hoang, trẻ bốc thăm suất học

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Một đứa trẻ sinh ra, lớn lên, đi học đại học nhưng đất xây trường học vẫn bỏ hoang”- đại diện UBND phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) nói về nghịch lý trên địa bàn phường, nhiều ô đất quy hoạch trường học bỏ hoang hàng chục năm, có ô đất bị chuyển nhượng, không đầu tư xây dựng.

10 năm dân số một phường tăng gấp 3

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, đại diện UBND phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, năm 2012, phường chỉ có khoảng 33.000 nhân khẩu. Do tốc độ đô thị hóa nhanh, đến nay, dân số phường đã tăng gấp 3 lần (gần 100.000 người).

“Dân số tăng nhanh kéo theo hàng loạt hệ lụy mà phường Hoàng Liệt gặp phải như ùn tắc nghiêm trọng các nút giao thông ra vào bán đảo Linh Đàm, thiếu trường lớp cho trẻ đến trường”, vị này nói.

Nguyên nhân là do chỉ trong thời gian ngắn, các chung cư cao tầng mọc lên như nấm trên địa bàn. Hiện, phường có 85 toà chung cư, tập trung chủ yếu ở bán đảo Linh Đàm, khu đô thị Pháp Vân. Trong đó 12 tòa HH trong bán đảo Linh Đàm có tới 40.000 dân.

“Dân số 12 tòa HH trong bán đảo Linh Đàm gần bằng 2 phường bình thường của thành phố Hà Nội, trong khi hạ tầng không thay đổi dẫn đến mọi thứ đều quá tải”, đại diện UBND phường Hoàng Liệt nói.

Đất xây trường bỏ hoang, trẻ bốc thăm suất học ảnh 1

Một ô đất quy hoạch xây trường ở phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) hiện bỏ hoang. Ảnh: P.V

Mỗi năm trên địa bàn phường này có khoảng 2.000 trẻ vào mầm non. “Nghịch lý nằm ở chỗ, chủ đầu tư chỉ tập trung xây nhà để bán kiếm tiền. Còn 12 ô đất quy hoạch trường học quây tôn nhiều năm qua, để cỏ dại mọc hoặc tận dụng làm bãi xe”, đại diện UBND phường Hoàng Liệt thông tin.

Để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ mầm non của người dân, quận Hoàng Mai đã đầu tư xây dựng mới 2 cơ sở cho Trường Mầm non Hoàng Liệt tại các khu dân cư Tứ Kỳ, nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu của các gia đình đang sinh sống trên địa bàn.

Vì thế, tại đây vừa diễn ra sự kiện hy hữu khi các phụ huynh phải bốc thăm suất vào học trường mầm non công lập trên địa bàn phường. “Nếu không giải quyết tình trạng này, vài ba năm nữa có khi phải bốc thăm vào trường tiểu học”, vị này nói.

Một lãnh đạo cấp huyện ở Hà Nội cũng cho biết, nếu chỉ trông chờ vào các nhà đầu tư khu đô thị đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở vật chất như trường học thì rất khó, rất lâu, bởi họ chỉ chăm chăm xây nhà để bán kiếm tiền. Trong khi đó, mỗi khu đô thị mọc lên kéo theo sức ép rất lớn lên hạ tầng, cả chính quyền và người dân đều rất vất vả. Một số ý kiến chuyên gia cho rằng, cần thiết phải có quy định chủ đầu tư các khu đô thị phải đảm bảo về mặt hạ tầng, cơ sở vật chất thiết yếu phục vụ khu đô thị trước một bước rồi mới được xây nhà để bán.

Xây nhà, quên xây trường

Trong giai đoạn 2016 - 2019, qua giám sát, HĐND thành phố Hà Nội đã chỉ rõ nhiều khu đô thị xảy ra tình trạng “chỉ xây nhà, quên xây trường”.

Thời điểm đó, hàng loạt dự án, khu đô thị lọt vào danh sách như: Khu nhà ở Đài phát thanh phát sóng Mễ Trì; khu đô thị Xuân Phương; khu đô thị Thành phố giao lưu; khu đô thị Đoàn Ngoại giao; khu đô thị mới Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh; dự án khu nhà ở và công trình công cộng tại xã Cổ Nhuế; khu nhà ở để bán nhà ở Vĩnh Hoàng; khu chức năng đô thị Ao Sào; khu đô thị mới Cầu Bươu; khu nhà ở Thạch Bàn; khu đô thị Đặng Xá; khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp; khu đô thị mới Việt Hưng...

Riêng khu vực Linh Đàm, trong kết quả giám sát, HĐND thành phố Hà Nội chỉ rõ, có tình trạng chủ đầu tư chuyển nhượng lại cho các nhà đầu tư thứ cấp, các nhà đầu tư thứ cấp này chậm triển khai nhưng các chủ dự án không đôn đốc kịp thời theo tiến độ.

Vừa qua, quận Hoàng Mai đã có kiến nghị Bí thư Thành ủy Hà Nội thu hồi 12 lô đất do chủ đầu tư chậm triển khai ở phường Hoàng Liệt để xây trường mầm non và trường tiểu học, trung học.

“Chủ trương của quận và phường là chuyển sang đầu tư công. Nguồn vốn có thể bố trí được. Chúng tôi rất mong muốn có đất để triển khai nhanh, giải quyết bức xúc của nhân dân”, đại diện phường Hoàng Liệt nêu.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, thông tin từ UBND huyện Gia Lâm cho biết, sau khi Khu đô thị Đặng Xá được nhắc tên trong kết quả giám sát việc chỉ xây nhà quên xây trường, trong vài năm qua, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư xây dựng đủ trường học phục vụ nhu cầu của người dân trong khu vực.

Đáng chú ý, theo vị này, huyện phải chuyển sang đầu tư công vì chờ đợi nhà đầu tư thực hiện thì không biết đến bao giờ. Hiện, huyện đang tiếp tục thúc giục, yêu cầu các chủ đầu tư khu đô thị trên địa bàn huyện phải đảm bảo xây dựng đủ hạ tầng thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân trong khu đô thị mới hình thành thời gian gần đây, đặc biệt là vấn đề trường học.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.