Trong chương trình THPT, duy nhất bài số 16 Lịch sử lớp 12 "Phong trào giải phóng dân tộc và Tổng khởi nghĩa Tháng Tám (1939-1945). Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời", có 2 dòng đề cập nạn đói năm 1945: "Chính sách vơ vét, bóc lột của Pháp - Nhật đã đẩy nhân dân ta tới chỗ cùng cực. Hậu quả là cuối năm 1944 - đầu năm 1945, có gần 2 triệu đồng bào ta chết đói".
Trao đổi với PV, PGS sử học Lê Mậu Hãn, người tham gia hội đồng biên soạn sách giáo khoa Lịch sử lớp 12 cho biết, sách giáo khoa được biên soạn bởi một hội đồng riêng, mỗi người chỉ viết một phần. "Chúng tôi phải dựa trên một khung chương trình được đưa ra, các nhà sử học không tự quyết được vấn đề cho hay không cho nội dung gì vào", ông nói.
Theo PGS Hãn, nạn đói năm 1945 không được nhắc đến cụ thể, chi tiết trong sách giáo khoa mà nằm trong phong trào giải phóng dân tộc 1939-1945 và liên quan đến các sự kiện lịch sử khác, như ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, đất nước phải diệt giặc dốt, giặc đói, giặc ngoại xâm.
"Dù chỉ tham gia biên soạn phần lịch sử ra đời của Đảng, không trực tiếp viết về giai đoạn lịch sử này, nhưng tôi thấy việc không nói chi tiết hơn về nạn đói năm 1945 là một thiếu sót lớn", PGS Lê Mậu Hãn nói. Từng trải qua nạn đói khi sống ở quê nhà Triệu Phong (Quảng Trị), ông Hãn nhớ rõ cảnh dân đói bỏ làng kéo ra phố ăn xin, vừa đi vừa nhặt những thứ ăn được dọc đường, rồi lăn ra chết rất thê thảm.
Đồng tình với quan điểm phải đưa nạn đói năm 1945 vào sách giáo khoa dày dặn, đầy đủ hơn, GS Phan Huy Lê khẳng định: "Cần phải đưa từ lâu rồi vì đó là sự thật lịch sử liên quan đến sinh mạng của 2 triệu người Việt Nam. Đây là một thiếu sót nằm trong hệ thống rất nhiều thiếu sót của sách giáo khoa hiện nay".
Nhận xét về sách giáo khoa lịch sử hiện nay, GS Lê cho rằng những kiến thức không cần thiết thì đưa vào quá dài dòng. Còn sự kiện lịch sử quan trọng phải khắc sâu trong tiềm thức của lớp trẻ như nạn đói năm Ất Dậu, chiến tranh biên giới, hải chiến Hoàng Sa, hải chiến Trường Sa... thì lại bỏ qua hoặc chỉ đưa lướt một vài câu, không đọng lại trong đầu học sinh kiến thức gì. "Cách dạy như vậy khiến các em chán học lịch sử là phải. Học sinh lớn lên thiếu hiểu biết về những sự kiện lớn của đất nước thì sao họ làm tròn nghĩa vụ công dân được", ông nói.
Về việc nên đưa lượng kiến thức bao nhiêu, PGS Lê Mậu Hãn và GS Phan Huy Lê chung quan điểm cần chọn lọc thông tin về nạn đói năm 1945 cô đọng, nhưng đầy đủ nhất thành một phần quan trọng trong bài học. Tùy theo sách giáo khoa của từng cấp mà biên soạn nội dung cho phù hợp với học sinh THCS hay THPT.
"Rất khó tổ chức tư liệu về nạn đói năm 1945 thành một bài riêng vì lượng kiến thức lịch sử đã rất lớn mà dung lượng sách thì có hạn, không thể ôm đồm hết. Phải lựa chọn những gì cần thiết để đưa vào làm cho học sinh hiểu được và thấy hứng thú với những kiến thức đó", PGS Lê Mậu Hãn bày tỏ quan điểm.
Trẻ em mút vỏ ốc thối nhặt được ngoài đường trên một đoạn đường phố tại thành phố Nam Định. . Ảnh tư liệu.
GS Phan Huy Lê nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ tiếp tục góp ý với Bộ GD-ĐT về việc cần biên soạn lại sách giáo khoa, đưa thêm không chỉ nạn đói năm 1945 mà còn những sự kiện trọng đại khác do sách giáo khoa trước đây đã bỏ quên hoặc đưa một cách quá sơ lược".
Nghiên cứu về nạn đói năm 1945, GS Văn Tạo và một số nhà sử học từng đặt vấn đề đưa phần kiến thức này vào sách giáo khoa từ lâu, nhưng cuối cùng vẫn không được. Theo ông, sách giáo khoa là nơi đầu tiên giáo dục cho học sinh biết về lịch sử nước nhà để bồi dưỡng kiến thức, giáo dục lòng yêu nước. Nạn đói xảy ra để lại dấu ấn nặng nề, bi thảm trong lịch sử dân tộc và vết thương trong lòng những nạn nhân từng trải qua.
"Sách lịch sử đã viết, báo chí nói đến, nhân dân cũng kể cho nhau nghe. Cũng đến lúc cho thanh thiếu niên, học sinh biết để họ nhìn thấy lịch sử, thấy trách nhiệm của họ với đất nước ngày hôm nay bằng những bài học bắt nguồn từ sách giáo khoa", ông Tạo nói.