SEA Games 32: Việt Nam khó vững ngôi đầu

0:00 / 0:00
0:00
TP - Mất lợi thế chủ nhà, khó khăn kinh phí và thiếu hụt lực lượng ở một số môn trọng điểm khiến cho việc giữ vị trí số 1 ở Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games 32, Campuchia) trở thành nhiệm vụ khó khăn, nếu không muốn nói là bất khả thi với đoàn thể thao Việt Nam.

Tối muộn ngày hôm qua 3/4, Tổng cục TDTT đã có cuộc họp quan trọng nhằm rà soát lại thành phần đoàn thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 32 (Campuchia). Được biết danh sách dự kiến trước đó gồm 1.018 người, trong đó có 744 VĐV, 18 HLV và 25 chuyên gia. Đoàn gồm 4 phó đoàn, Trưởng đoàn là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn.

SEA Games 32: Việt Nam khó vững ngôi đầu ảnh 1

Thể thao Việt Nam dự báo gặp nhiều thách thức ở SEA Game 32 ảnh: Như Ý

Tuy nhiên do khó khăn kinh phí và một số vấn đề phát sinh về chuyên môn, Tổng cục TDTT đã phải rà soát lại lực lượng nhằm đảm bảo đem đến SEA Games 32 các gương mặt “tinh nhuệ” nhất của các bộ môn.

Tại SEA Games 31 trên sân nhà, đoàn Việt Nam bùng nổ với 205 HCV, vượt trội so với phần còn lại. Kết quả này khiến cho khi bước vào giai đoạn chuẩn bị cho SEA Games 32, ngành thể thao đặt ra mục tiêu rất cao. Đã có những quan điểm cho rằng Việt Nam cần duy trì vị trí số 1 ở đại hội diễn ra tại Campuchia. Mặc dù vậy trao đổi với Tiền Phong, Phó Tổng cục trưởng Trần Đức Phấn cho rằng, đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn.

“Chúng tôi cho rằng mục tiêu thích hợp với Việt Nam ở SEA Games 32 là vị trí trong tốp 3. Ở đại hội tới nước chủ nhà cắt giảm nhiều nội dung thế mạnh của Việt Nam, ảnh hưởng nhiều tới số lượng HCV chúng ta có thể giành được. Bên cạnh đó các đối thủ trong khu vực như Thái Lan, Indonesia hay chủ nhà Campuchia đều có sự chuẩn bị rất tốt, tạo nên thách thức không nhỏ”-ông Trần Đức Phấn cho biết.

Ở SEA Games 31, điền kinh và các môn võ, bơi lội là “mỏ vàng” của đoàn thể thao Việt Nam. Trong số này đội tuyển điền kinh bứt phá với 22 HCV, lần thứ 2 liên tiếp thống trị khu vực. Tuy nhiên tới SEA Games 32, điền kinh vắng khá nhiều hy vọng vàng như Quách Thị Lan, Khuất Phương Anh hay Nguyễn Văn Lai (dự kiến chuyển sang thi đấu cự li marathon)…Đội tuyển điền kinh Việt Nam đứng trước thách thức rất lớn trong việc bảo vệ ngôi vị số 1.

Các môn bắn cung, bắn súng, đua thuyền và một số môn võ cũng bị loại khỏi nội dung thi đấu đại hội. Đáng tiếc nhất là trường hợp bắn súng, vốn là môn Olympic nhưng cũng không nằm trong chương trình thi đấu. Tại SEA Games 31, bắn súng đem về 7 HCV cho đoàn thể thao Việt Nam. Nếu bóng đá nữ vẫn duy trì được thực lực tốt thì môn bóng đá nam, đội U22 Việt Nam của HLV Philippe Troussier được dự báo sẽ đối diện áp lực lớn. U22 Việt Nam không còn lợi thế sử dụng cầu thủ quá tuổi, lứa trẻ chưa tích luỹ đủ kinh nghiệm quốc tế và cũng thiếu những gương mặt thực sự xuất sắc như lứa đàn anh. Theo tính toán, việc các môn nói trên bị loại có thể khiến Việt Nam mất khoảng 50-60 HCV. Số lượng HCV đoàn Việt Nam ngắm tới chỉ trong khoảng trên dưới 100 HCV.

Nguyên vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao (Tổng cục TDTT), chuyên gia Nguyễn Hồng Minh cũng cho rằng trong bối cảnh trên, chỉ tiêu tốp 3 là hợp với thực lực của đoàn thể thao Việt Nam. Theo chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, các nước chủ nhà thường tận dụng ưu thế để đưa vào SEA Games các môn thế mạnh của mình. Tuy nhiên với định hướng tập trung cho các môn Asiad và Olympic, Việt Nam cần kiên định duy trì hướng phát triển này, đầu tư một cách nhất quán.

Lễ xuất quân đoàn thể thao Việt Nam dự kiến tổ chức ngày 19/4 tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội (Nhổn). Hiện, các đội tuyển tập trung tại đây đều đang trong giai đoạn nước rút, nhả dần khối lượng để hoàn thiện kỹ-chiến thuật.

MỚI - NÓNG