Sẽ công khai những “ẩn số” EVN

Sẽ công khai những “ẩn số” EVN
Với người tiêu dùng, lợi nhuận, hiệu suất, cơ cấu giá thành, tổn thất điện năng, các cơ chế bù chéo... trong ngành điện đến nay vẫn là “ẩn số”. Trước khi công bố kết quả kiểm toán Tập đoàn Điện lực VN (EVN), ông Vương Đình Huệ - tổng Kiểm toán Nhà nước - đã có cuộc trao đổi với phóng viên.
Sẽ công khai những “ẩn số” EVN ảnh 1
So với nhu cầu thực tế, mức lãi của EVN còn thấp

Ông có thể cho biết nội dung, phạm vi kiểm toán EVN?

Kiểm toán EVN được tiến hành theo ba mục tiêu lớn. Một là xác định tính trung thực, đúng đắn của báo cáo tài chính của công ty mẹ, các công ty hạch toán độc lập và báo cáo tài chính hợp nhất của EVN. Hai là kiểm toán tính tuân thủ quy định trong quản lý kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh.

Và ba là đánh giá tính hiệu quả về sử dụng vốn và tài sản trong đơn vị. Hai chuyên đề được chú trọng nhất là kiểm toán chi phí giá thành và mức độ hao tổn điện năng trong tất cả các khâu: sản xuất, truyền tải và phân phối, tiêu thụ với từng loại hình thủy điện, nhiệt điện và nhiệt điện hỗn hợp. Đến nay quá trình kiểm toán đã kết thúc, dự thảo báo cáo kiểm toán đang được gửi tới EVN để lấy ý kiến theo đúng quy trình của Luật kiểm toán nhà nước. Dự kiến hai tuần sau có thể công khai kết luận cuộc kiểm toán này.

Ông nhận xét gì về những kết quả kiểm toán chi phí giá thành điện?

Chi phí giá thành được hình thành từ các phần chính là nhiên liệu, khấu hao thiết bị và chi phí quản lý. Riêng phần hoạt động sản xuất, kinh doanh đã phải tính trên tất cả các khâu: sản xuất, truyền tải và phân phối, tiêu thụ. Trong đó còn cả những phần sản phẩm điện mua của nhà đầu tư ngoài EVN, mua của nước ngoài.

Thủy điện, nhiệt điện chạy than và nhiệt điện hỗn hợp than khí... là những loại hình công nghệ, phương thức hạch toán rất khác nhau, đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật cao và việc kiểm toán không phải dễ dàng. Những con số và phân tích cụ thể sẽ được công bố khi được phép.

Sẽ công khai những “ẩn số” EVN ảnh 2Mặc dù mức hao tổn điện năng năm 2007 của EVN đã thấp hơn so với năm 2006 nhưng vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra. So với các nước trong khu vực, con số này còn cao Sẽ công khai những “ẩn số” EVN ảnh 3

Kiểm toán Nhà nước có thể phân tích, bóc tách và tìm ra được những con số tuyệt đối chính xác, thưa ông?

- Theo nguyên tắc, Kiểm toán Nhà nước chỉ có trách nhiệm xác định, phân tích những con số, bài toán mà dữ liệu cho phép. Những phần không thể xác định, kiểm toán đưa ra ý kiến “ngoại trừ”.

Ở EVN, phần không xác định được chính xác là mức tiêu thụ nhiên liệu than phục vụ nhiệt điện. Nếu như nhiên liệu chạy thủy điện được tính chi phí bằng không, ngoại trừ khoản đóng thuế tài nguyên; nhiệt điện chạy khí có thể dùng đồng hồ để đo thì nhiên liệu chạy bằng than rất khó xác định. Thông thường nếu than chở đến kho bằng tàu thủy người ta tính bằng đo mớn nước. Nếu chở bằng ôtô thì cân toàn bộ xe than rồi trừ đi trọng lượng ôtô.

Sẽ công khai những “ẩn số” EVN ảnh 4
Ông Vương Đình Huệ

Bản thân cách đo đếm này đã khó chính xác tuyệt đối, hơn nữa những con số chỉ có thể xác nhận khi người đo có mặt tại hiện trường. Kiểm toán viên không có mặt khi than nhập kho và không chứng kiến trực tiếp việc kiểm kê tồn kho cuối kỳ, nên về nguyên tắc không thể xác nhận chi phí về tiêu thụ than trong giá thành nhiệt điện mà ghi nhận theo số liệu hạch toán của đơn vị.

Một trong những yếu tố quan trọng cấu thành giá điện là lượng hao hụt điện năng trong sản xuất, truyền tải và phân phối. Ông thấy gì ở tỉ lệ hao hụt hiện nay của EVN?

- Mặc dù mức hao tổn điện năng năm 2007 của EVN đã thấp hơn so với năm 2006 nhưng vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra. So với các nước trong khu vực, con số này còn cao. Tuy nhiên, yếu tố công nghệ và hạ tầng kỹ thuật lưới điện của mỗi quốc gia khác nhau nên cũng không thể so sánh thuần túy bằng con số hao hụt này. Nhưng dù sao đây cũng là phần thực hiện chưa tốt của EVN.

Thưa ông, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị gì với thực trạng chi phí giá thành và mức hao hụt điện năng của EVN?

- Hai kiến nghị lớn nhất là EVN phải xây dựng được hệ thống quản lý giám sát nhiên liệu đầu vào, đặc biệt là than. Đó là những định mức, tiêu chí về dự trữ, về sử dụng kèm theo những quy định để kiểm soát, kiểm kê rõ ràng, minh bạch. Đây là đòi hỏi của quy trình quản trị nội bộ. EVN có trách nhiệm phải làm.

Trước thực trạng hoạt động sản xuất của EVN, ông có quan điểm gì về đề nghị tăng giá điện vào năm 2009?

- Trong thời gian dài vừa qua, chúng ta neo giá điện ở mức thấp mặc dù nhiều chi phí đầu vào liên tục tăng cao. Mức lãi không đủ tái đầu tư và giá điện so với mặt bằng giá cả cũng đang thấp. Giá điện sau này sẽ được điều chỉnh theo cơ chế như giá xăng dầu hiện nay, tức là có tăng có giảm tùy theo thị trường.

Tuy nhiên, mức điều chỉnh giá điện và thời điểm tăng giá điện trong năm 2009 cần được EVN, các bộ: Tài chính, Công thương tính toán, cân nhắc kỹ để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Kiểm toán Nhà nước cũng sẽ kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu kết quả kiểm toán, phân tích giá thành, chi phí, kết quả kinh doanh của EVN để sử dụng như một căn cứ quan trọng điều hành giá điện.

Thứ hai, mức hao hụt điện năng hiện vẫn còn cao đã đội giá thành sản phẩm. EVN cần có giải pháp, kế hoạch giảm tỉ lệ này ở cả ba giác độ: điều độ, quản lý và công nghệ.

Về chính sách, theo tôi, cơ chế bù chéo bằng cách bán giá than, giá gas, khí cho ngành điện thấp hơn so với thị trường cũng như lẫn lộn giữa kinh doanh và an sinh xã hội làm méo mó giá điện và bài toán kinh doanh cũng ảnh hưởng thị trường, môi trường đầu tư.

Vừa qua có sự kiện EVN đề nghị được trích thưởng cho tập đoàn 1.002 tỉ đồng từ khoản chênh lệch giá điện. Qua kiểm toán, ông nhận xét gì về mức chi phí quản lý và hiệu suất lao động của EVN?

Quỹ tiền lương của EVN hiện bình quân hơn 4 triệu đồng/người/tháng, theo tôi, con số này cũng không quá cao so với mặt bằng xã hội tại thời điểm năm 2007. Riêng “sự kiện” 1.002 tỉ đồng, theo tôi được biết đây là EVN đề nghị cho trích quỹ phúc lợi và quỹ khen thưởng chứ không hoàn toàn chỉ để thưởng.

Theo quyết định 276 của Thủ tướng Chính phủ, phần chênh lệch thu được từ tăng giá điện được sử dụng cho đầu tư phát triển. Cũng cần phải xác định chính xác khoản chênh lệch này, không thể nói là không thể tách được trên hóa đơn.

Kiểm toán Nhà nước sẽ công bố con số cụ thể là bao nhiêu. Cho dù EVN đang trong quá trình đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Công thương, chưa có quyết định cuối cùng của Thủ tướng Chính phủ, nhưng tôi nghĩ EVN đã có thể và cần phải có cân nhắc hơn, có trách nhiệm hơn khi đưa ra số liệu và đề nghị như vậy.

Ông đánh giá gì về nhận định: mức lợi nhuận hiện nay của ngành điện hiện không đủ hấp dẫn nhà đầu tư?

- So với nhu cầu thực tế, mức lãi của EVN còn thấp, cần có mức lãi phù hợp mới có thể thu hút được các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, theo tôi, khả năng hấp dẫn nhà đầu tư không hoàn toàn chỉ là giá bán điện và lợi nhuận. Các yếu tố rất quan trọng khác là môi trường cạnh tranh ra sao, thủ tục đầu tư thế nào... nhà đầu tư cũng rất quan tâm.

Phần lớn người tiêu dùng sẵn sàng chấp nhận giá điện cao nếu chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ tương xứng. Như vậy người tiêu dùng còn có lợi hơn là dùng điện giá thấp nhưng chất lượng kém hoặc điện không được cung cấp ổn định thì các doanh nghiệp phải đầu tư máy phát điện dự phòng, chưa kể chi phí thiệt hại ngừng sản xuất sẽ rất lớn nếu bị cắt điện đột xuất.

Theo Quang Thiện
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.