Sẽ có nhiều nguồn lây và ca nhiễm mới

PGS.TS Lương Ngọc Khuê kiểm tra diễn tập thăm khám cho bệnh nhân nghi ngờ tại BV Medlatec
PGS.TS Lương Ngọc Khuê kiểm tra diễn tập thăm khám cho bệnh nhân nghi ngờ tại BV Medlatec
TP - Ngày 10/3, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt tại Việt Nam (ghi nhận 3 ca mắc mới), Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, thời gian tới sẽ xuất hiện những nguồn lây và nhiều ca bệnh mới, cần nhiều giải pháp để lấp lỗ hổng trong phòng chống dịch. 

Chưa chuẩn khi phân loại, cách ly người bệnh

Lãnh đạo ngành Y tế dự báo, sẽ có nhiều ca bệnh nghi ngờ đến khám tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Để bảo đảm việc sàng lọc, phân luồng, cách ly và quản lý ca bệnh Covid-19 tại các cơ sở này, Bộ Y tế đã ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể. Tuy nhiên, một số nơi không thực hiện nghiêm, để lọt ca bệnh không được cách ly và quản lý kịp thời.

Trước tình hình đó, ngày 10/3, Đoàn kiểm tra Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), do PGS. TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng làm trưởng đoàn, đã đến kiểm tra công tác tiếp đón, phân luồng, cách ly bệnh nhân để phòng chống dịch Covid-19 tại một số bệnh viện tư nhân ở Hà Nội. “Việc phân luồng đón tiếp bệnh nhân ngay từ đầu, cách ly riêng bệnh nhân nghi ngờ là đặc biệt quan trọng trong phòng chống dịch Covid-19. Hiện nay, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, dịch bệnh đã lan rộng trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Do đó, các cơ sở y tế phải chủ động trong công tác tiếp đón, phân luồng, sàng lọc, cách ly bệnh nhân nếu có biểu hiện nghi ngờ”- PGS. TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.

Cục Khám chữa bệnh đã tập huấn cho các cơ sở khám chữa bệnh, tất cả các bệnh viện ở Hà Nội, trong hướng dẫn của Bộ Y tế và Sở Y tế đều nêu rõ là các cơ sở khám chữa bệnh đón tiếp phải phân loại, cách ly ngay từ ban đầu. Người bệnh bước chân vào viện, tiếp xúc với chỗ gửi xe, bảo vệ, các nhân viên tiếp đón đầu tiên phải phân luồng ngay. Tuy nhiên, thực tế kiểm tra cho thấy, việc sàng lọc, phân luồng, cách ly người bệnh đến khám vẫn chưa phù hợp, chưa khoa học và chưa đúng hướng dẫn của Cục Quản lý Khám chữa bệnh.

 Nghiêm túc thực hiện những nội dung cấp bách

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn chỉ ra lỗ hổng trong việc quản lý, sàng lọc bệnh nhân. “Bài học ở Hà Nội, khi người bệnh đến Bệnh viện Hồng Ngọc là một minh chứng. Mặc dù bệnh viện đã phát hiện bệnh tốt, nhưng việc cách ly tới 17 nhân viên y tế có liên quan, tiếp xúc gần với người bệnh nhiễm Covid-19 chứng tỏ quy trình phải đi qua rất nhiều khâu”, ông nói.

Ban Chỉ đạo Quốc gia đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố nghiêm túc chỉ đạo thực hiện một số nội dung cấp bách. Tiếp tục khẩn trương chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh, bao gồm cả nhà nước và tư nhân trên địa bàn thực hiện sàng lọc, phân luồng, cách ly và quản lý điều trị ca bệnh Covid-19 theo chỉ đạo của Bộ Y tế. Trong đó, đặc biệt lưu ý sàng lọc người bệnh ngay khi đến cơ sở, có biển chỉ dẫn phân luồng ngay tại cổng cơ sở khám chữa bệnh cho các đối tượng có triệu chứng lâm sàng sốt, ho, khó thở… yếu tố dịch tễ liên quan dịch Covid-19.

Phân công nhân viên y tế hướng dẫn sàng lọc toàn bộ người bệnh tới khám chữa bệnh trước khi vào Khoa khám bệnh (bằng bảng hỏi), tuyệt đối không để người bệnh có dấu hiệu lâm sàng, yếu tố dịch tễ vào chung phòng chờ khám bệnh với các người bệnh khác. Toàn bộ người bệnh có dấu hiệu lâm sàng, yếu tố dịch tễ sẽ được phân luồng tới phòng chờ khám bệnh, phòng khám bệnh riêng biệt, đảm bảo các điều kiện cách ly.

Các phòng khám đa khoa, chuyên khoa nhà nước, tư nhân ngay sau khi phát hiện có ca bệnh nghi ngờ cần ghi lại thông tin liên lạc của người bệnh và báo ngay cho Sở Y tế hoặc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật của địa phương để có biện pháp theo dõi, quản lý, cách ly người bệnh.

“Lách” khai báo y tế  gây nguy hiểm

Thạc sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, cho biết, việc khai báo y tế, cách ly phòng dịch nhằm đảm bảo an toàn, chăm sóc sức khỏe cho bản thân người được cách ly cũng như phòng bệnh cho những người xung quanh và cả cộng đồng. “Lách” khai báo khi trở về từ vùng có dịch để trốn cách ly là hành động thiếu ý thức phòng dịch, vô trách nhiệm với sức khỏe của chính bản thân, gia đình và cộng đồng. Đó là mối nguy có thể khiến dịch bệnh lây lan, bùng phát khó kiểm soát”, ông Khoa khẳng định.

LHQ đánh giá cao việc phòng chống dịch của Việt Nam

Sẽ có nhiều nguồn lây và ca nhiễm mới ảnh 1 Việt Nam luôn chủ động các giải pháp để ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan

Chiều 10/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Việt Nam Kamal Malhotra. Ông Kamal Malhotra đánh giá rất cao nỗ lực mà Việt Nam đã thực hiện để chặn đà lây lan của dịch Covid-19; đánh giá cao giai đoạn 1 và giai đoạn hiện nay mà Việt Nam đang tiến hành chống dịch. LHQ đã sử dụng kinh nghiệm giai đoạn đầu của Việt Nam để chia sẻ với các nước trên thế giới. LHQ đánh giá cao các biện pháp mạnh mẽ, chủ động mà Việt Nam đang thực hiện để chặn sự lây lan trong cộng đồng. Các tổ chức LHQ ở Việt Nam sẽ có các tiếp cận và hỗ trợ Việt Nam hài hòa về công nghệ, kỹ thuật, hỗ trợ việc đánh giá giảm thiểu tác động của dịch bệnh tới kinh tế-xã hội…

TTXVN

“Các cơ sở khám chữa bệnh không đủ điều kiện giữ bệnh nhân điều trị cần thông báo rõ để các đối tượng, người có nguy cơ chỉ đến khám tại cơ sở y tế được các tỉnh, thành phố cho phép điều trị. Nếu các cơ sở y tế tư nhân không thực hiện đúng quy định cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn theo quy định thì Sở Y tế, Bộ Y tế sẽ rút giấy phép, đình chỉ theo các quy định của pháp luật”. PGS.TS Lương Ngọc Khuê

MỚI - NÓNG