Sẽ cải tạo không gian phố cổ Hà Nội

Chợ Đồng Xuân dịp Tết. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Chợ Đồng Xuân dịp Tết. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - “Sẽ cải tạo không gian công cộng phố cổ Hà Nội, đặc biệt là khu vực chợ Đồng Xuân - Bắc Qua, biến nơi đây trở thành trung tâm thương mại dịch vụ du lịch chất lượng cao. Khu vực chợ Đồng Xuân - Bắc Qua đã đi vào thơ ca nhạc họa, đi cùng năm tháng chiến đấu và xây dựng Thủ đô, nay đứng trước thách thức đổi thay cần thiết”.

Đó là khẳng định của TS.KTS Dương Đức Tuấn, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, trong hội thảo quốc tế kiến trúc các công trình có tính khả thi (AIAC 2015), sáng 30/3 tại ĐH Xây dựng Hà Nội. 

Mở rộng nhanh

Hai diễn giả PGS.TS Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, và nhà sử học Dương Trung Quốc tham luận, tỏ ý lo ngại về mức độ phát triển nhanh chóng của các đô thị vệ tinh trong lòng Hà Nội.

“Đô thị hóa tại Hà Nội nhanh vô cùng. Từ chỗ tổng diện tích thành phố chỉ khoảng 1.000km2 giờ trên 3.000km2. Từ 1 triệu lên tới 6, 7 triệu dân trong vòng không đầy 30 năm”, ông Thông nói. “Các khu đô thị mới có quy mô lớn từ vài trăm đến vài nghìn héc ta, lại nằm rải rác trong thành phố, tạo ra cấu trúc không gian dạng ra vào không có sự liên kết mạch lạc. Phát triển với quy mô ngày càng lớn và hệ thống kiến trúc ngày càng mất đi cá tính, Hà Nội đang đứng trước nhiều vấn đề tiêu cực như tắc nghẽn, ô nhiễm và các hệ lụy xã hội”, ông nhận định.

“Bên cạnh việc phá thành Hà Nội, người Pháp còn mắc sai lầm khi quy hoạch lại phố cổ. Đó là cố gắng sắp xếp lại thiên nhiên, thay vì thuận theo nó như thực trạng lúc bấy giờ. Họ đã lấp khá nhiều mặt nước, trong đó có con sông Tô Lịch chảy sau lưng chợ Đồng Xuân khiến hệ thống giao thông thủy bị tê liệt. Điều này bị thế hệ sau tại chính nước Pháp phê phán”.  

Nhà sử học Dương Trung Quốc   

Theo ông Thông, kiến trúc Hà Nội hiện đại đang lạc mất bản sắc và sự hài hòa mà người Pháp từng tạo ra. “Trong đô thị Pháp thường có yếu tố Việt Nam được chuyển đổi. Người Pháp đã cải tạo khu phố cổ với các nguyên tắc riêng, biến chúng thành một khu phố liên tục”, ông nói. Thành công nhất của người Pháp là “Kiến trúc Đông Dương với những công trình tiêu biểu như Nhà hát lớn Thành phố, Phủ toàn quyền Đông Dương… kết hợp giữa tư duy thiết kế phương Tây (khâu tổ chức mặt bằng) với kiến trúc ấn tượng phương Đông (yếu tố nền mái, khung sơn) cùng hệ thống hành lang mái dài thích ứng khí hậu khắc nghiệt của Hà Nội”, ông Thông nói.

Giải đáp thắc mắc của một giáo sư người Pháp về việc xây dựng hàng loạt cầu bắc ngang sông Hồng, TS Thông khẳng định: “Việc xây những chiếc cầu dài với kiến trúc đẹp nhằm biến con sông Hồng thành trục cảnh quan của thành phố, tạo đà phát triển đô thị dọc hai bên bờ sông”.

Đại biểu Nhật Bản tỏ ra băn khoăn khi chứng kiến các ngôi nhà trong phố cổ có chiều ngang rất hẹp vẫn “đội” 6-7 tầng lầu. Đại diện Ban Quản lý phố cổ Hà Nội, KTS Nguyễn Hoàng Phương, cho rằng, đây là hiện tượng tiêu cực nhất thời, phát sinh dưới áp lực phát triển đô thị và hút khách du lịch, không đảm bảo an toàn, cần phải chấn chỉnh.

Sẽ cải tạo không gian phố cổ Hà Nội ảnh 1

Nhà sử học Dương Trung Quốc.

Siêu thị hóa

“Xu thế siêu thị hóa, tái cấu trúc các chợ Đồng Xuân, Hàng Da… là thất bại về văn hóa”, nhà sử học Dương Trung Quốc nhận định. Theo ông, việc này nếu thành công về mặt kinh tế cũng chỉ dành cho một nhóm người: “Chính sự tích tụ giá trị văn hóa mới tạo nên vị thế thương hiệu của chợ” và “Mái chợ Đồng Xuân là công trình dàn thép lợp tôn đầu tiên ở Hà Nội (theo quan sát ảnh các công trình kiến trúc cùng thời). Đặc biệt, do khẩu độ giữa các cột lớn nên việc tối ưu hóa dầm thép là một thành công”, ông nói.

Ông Quốc cho rằng: “Hiện tại Hà Nội mở rộng gấp ba và đang đứng trước thử thách lớn trong việc bảo tồn di sản trên một mặt bằng quá rộng. Chợ Đồng Xuân, trước là chợ Cầu Đông (phố Hàng Đường) với những cửa hàng nối dài dọc tuyến phố đang dần mất đi vị thế giao thương quan trọng”.

TS.KTS Nguyễn Xuân Hinh, Trưởng Khoa Quy hoạch đô thị & nông thôn, ĐH Kiến trúc Hà Nội, nói về chiến lược quy hoạch quốc gia tăng trưởng xanh; phát triển kinh tế, văn hóa Thủ đô phải đi đôi với phát triển không gian xanh. Hiện tại, mật độ cây xanh tại Hà Nội là 2,3m2/người.

Dự tính đến năm 2020, con số này phải đạt được trong khoảng 12 đến 15m2/người. “Đây là bài toán khó”, ông Hinh nói. “UBND thành phố Hà Nội cần áp dụng những tiến bộ về công nghệ và tiêu chuẩn xanh toàn cầu từ vi mô đến vĩ mô để đáp ứng được mục tiêu đưa Hà Nội thành thành phố xanh văn hiến, hiện đại và giàu bản sắc”, ông Hinh đề xuất.

Đề xuất cải tạo chợ Đồng Xuân và khu phụ cận tại AIAC 2015:

Mở rộng chợ xanh. Phá bỏ tầng trệt khu chung cư cũ và di chuyển trường học hiện hữu (Trường THCS Lê Lợi). Xây chung cư mới đảm bảo việc tái định cư tại chỗ cho dân sống trong chung cư cũ cộng thêm các khu chức năng như văn phòng, cửa hàng nhỏ và 1 nhà trẻ. Tổ chức lại không gian chợ ở tầng trệt, không gian các tầng trên dành cho khối dịch vụ, văn phòng, cửa hàng nhỏ. Không gian tầng hầm dành cho việc đỗ xe và các dịch vụ kỹ thuật. Chỉnh trang mặt sau chợ Đồng Xuân đồng thời nghiên cứu kiến trúc cảnh quan không gian kết nối giữa chợ Đồng Xuân và khu vực xây mới.

MỚI - NÓNG
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
TPO - Trên địa bàn hiện có 12 thủy điện, tuy nhiên huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đề xuất thêm 15 thủy điện vì cho rằng, với tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo hiện có, kết cấu hạ tầng truyền tải điện cơ bản hoàn thiện với cấp điện áp 110kV, và nhu cầu tiêu thụ điện tương đối lớn nên việc đầu tư, phát triển nguồn điện trên địa bàn huyện hiện nay là rất cần thiết.