Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa có thông báo về đề án tái cơ cấu doanh nghiệp.
Theo đó, ngày 8/10/2015, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 1787 về 19 doanh nghiệp thuộc diện đầu tư, nắm giữ lâu dài trong đề án chiến lược của SCIC.
Trong đó chỉ đạo SCIC tiếp tục nắm giữ vốn, đầu tư dài hạn đối với 9 doanh nghiệp.
SCIC chọn thời gian thích hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc thoái hết vốn nhà nước tại 10 doanh nghiệp nhằm đạt lợi ích cao nhất. Trong đó có các doanh nghiệp có mức vốn hóa lớn được thị trường chờ đợi như: Vinamilk, Nhựa Tiền Phong, Nhựa Bình Minh, Bảo hiểm Bảo Minh, FPT, FPT Telecom, Tổng công ty Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam, Công ty Xuất nhập khẩu Sa Giang, Công ty Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam, Công ty Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang.
Theo kế hoạch, năm 2016 sẽ thoái vốn tại 120 doanh nghiệp và chỉ có 2 cái tên là FPT và Xuất nhập khẩu Sa Giang có trong danh sách. Còn lại 8 doanh nghiệp vẫn chưa có trong kế hoạch bán vốn. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư thất vọng vì quá trình bán vốn tại các doanh nghiệp này nhiều lần bị trì hoãn.
Tuy nhiên, SCIC cho biết, việc thoái vốn tại 10 doanh nghiệp được SCIC thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
“SCIC đã và đang báo cáo Bộ Tài chính, Chính phủ để quyết định. Trường hợp cần thiết, SCIC sẽ điều chỉnh danh mục thoái vốn năm 2016”, SCIC cho biết.
Năm 2016, SCIC kế hoạch năm 2016 đạt doanh thu 12.528 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 8.414 tỷ đồng, trong đó lãi cổ tức là 4.428 tỷ đồng.