Sau lắp đặt barie tại quận 1, TPHCM: Xe máy leo vỉa hè, đi bộ xuống lòng đường

Du khách nước ngoài phải quan sát khi bước qua barie để tránh bị vấp té. Ảnh: Huy Thịnh
Du khách nước ngoài phải quan sát khi bước qua barie để tránh bị vấp té. Ảnh: Huy Thịnh
TP - Các thanh chắn (barie) vừa được Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 lắp đặt trên một số tuyến đường khu vực trung tâm TPHCM tuy hạn chế nhưng chưa ngăn được nạn xe máy lưu thông vô lối trên vỉa hè, còn không ít người đi bộ chọn cách đi xuống lòng đường vì sợ bị vấp té…

Xe máy lọt qua dễ dàng

Vỉa hè một số tuyến đường khu vực trung tâm TPHCM như Lý Tự Trọng, Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1)… đã được lắp nhiều thanh chắn bằng inox để ngăn xe máy lưu thông. Các thanh chắn cao khoảng 30 cm, có phản quang, được gắn so le, chừa khoảng hở để xe lăn của người khuyết tật đi qua. Theo Phó Chủ tịch UBND phường Bến Nghé Võ Quốc Hưng, những tuyến đường trên có rất đông du khách nước ngoài và học sinh đi lại. Vì vậy, vào giờ cao điểm, xe máy chen lấn, leo lên vỉa hè rất đông, gây nguy hiểm cho người đi bộ.

Tại một số khu vực như Bảo tàng TPHCM, trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, UBND phường phải cắt cử lực lượng bảo vệ dân phố, Đoàn thanh niên túc trực vào giờ cao điểm để ngăn xe máy. Từ khi lắp barie, tình trạng xe máy lưu thông tuỳ tiện trên vỉa hè đã giảm đáng kể.

“Một đô thị thông minh, văn minh thì các giải pháp quản lý đô thị cũng phải thông minh và văn minh”.

 TS John Nguyễn

Ghi nhận của Tiền Phong vào chiều 16/2 tại giao lộ Lý Tự Trọng- Nguyễn Trung Trực (quận 1), bất chấp sự có mặt của lực lượng cảnh sát giao thông và Quản lý trật tự đô thị quận 1, nhiều người vẫn cho xe máy chạy lên vỉa hè và dễ dàng luồn lách qua khoảng hở giữa các thanh chắn. Càng vào giờ cao điểm, số lượng người chạy xe lên vỉa hè để vượt qua đoạn đường kẹt xe càng tăng cao.

Theo ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1, lực lượng liên ngành đã tổ chức kiểm tra hai tuyến đường đã gắn baire trên vỉa hè, gồm Nguyễn Bỉnh Khiêm (phường Bến Nghé) và Lý Tự Trọng (phường Bến Thành) lập biên bản xử phạt trên 100 trường hợp người điều khiển xe máy chạy lên vỉa hè dành cho người đi bộ. Mức phạt đối với hành vi điều khiển xe đi trên hè là 300.000 - 400.000 đồng. “Việc các phương tiện chạy lên vỉa hè rất nguy hiểm cho người đi bộ, mặt khác hình ảnh này rất phản cảm trong mắt khách du lịch đến thăm TPHCM”, ông Hải nói.

Làm ngược

Việc lắp các thanh chắn dọc theo vỉa hè đang gây nhiều lo ngại từ người dân và các chuyên gia. Chị Hương, hướng dẫn viên du lịch thuộc Tổng Công ty du lịch Sài Gòn (Saigon Tourist) kể: “Tôi vừa dẫn một đoàn khách nước ngoài tham quan đường phố Sài Gòn về đêm. Một số du khách lớn tuổi mắt kém bị vấp thanh chắn suýt ngã. Họ phàn nàn mắt lúc nào cũng chăm chăm nhìn xuống vỉa hè để khỏi bị vấp té nên không còn tâm trạng để thưởng ngoạn. Ngăn xe máy, bảo vệ người đi bộ nhưng chính các barie lại không an toàn với người đi bộ. Lắp như vậy, người mù, khiếm thị làm sao đi? Ai vừa đi vừa nghe điện thoại, không để ý trông chừng là té bể đầu”.

Ông Năm (52 tuổi, chạy xe ôm ở quận 1) cho biết, cuối tuần trước có một số học sinh đùa giỡn, rượt đuổi nhau, có em vấp thanh chắn trên vỉa hè, bị té ngã trầy trụa khắp người. “Buổi tối, nhiều tuyến đường không đủ đèn chiếu sáng nên lắp barie trên vỉa hè như vậy rất nguy hiểm đối với những người mù, khiếm thị, mắt kém và các du khách chưa thông thuộc đường xá ở TPHCM. Buổi tối và sáng sớm, nhiều du khách, người tập thể dục thay vì đi bộ trên vỉa hè thì họ đi xuống lòng đường cho an toàn”, ông Năm nói.

Mới đây, UBND quận 1 đã có văn bản đề nghị Sở Giao thông Vận tải và Khu quản lý giao thông đô thị số 1 xem lại tính pháp lý và hợp lý của biện pháp lắp thanh chắn trên vỉa hè, đồng thời đề xuất hướng xử lý phù hợp hơn để tránh xáo trộn thói quen đi bộ trên vỉa hè của người dân. Theo UBND quận 1, việc lắp đặt rào chắn trên vỉa hè dành cho người đi bộ chưa được UBND thành phố chấp thuận. Hệ thống barie gây khó cho người khuyết tật sử dụng xe lăn, người khiếm thị đi trên lề đường và hiệu quả không cao bởi nhiều người vẫn cố tình chạy xe qua các thanh chắn, chạy trên thảm cỏ khi né barie gây mất mỹ quan và xâm hại đến mảng xanh trên vỉa hè.

Theo TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, nhiều nước có lắp barie nhưng lắp theo chiều dọc các tuyến đường để bảo vệ an toàn cho người đi bộ trên vỉa hè nếu xảy ra tình huống xe chạy trên đường bị mất lái, mất phanh. Barie ở TPHCM lại được lắp ngang vỉa hè như những cái bẫy khiến người đi bộ rất dễ vấp ngã.

Theo TS John Nguyễn (Việt kiều Mỹ), việc lắp barie, dựng chướng ngại vật trên vỉa hè không chỉ gây nguy hiểm mà còn làm đường phố kém thân thiện, kém văn minh, đi ngược với nỗ lực của chính quyền thành phố đang mong muốn xây dựng TPHCM trở thành thành phố thông minh, văn minh. “Một đô thị thông minh, văn minh thì các giải pháp quản lý đô thị cũng phải thông minh và văn minh”, TS John Nguyễn nói. 

Chuyên gia này đề xuất thay vì rào chắn, TPHCM nên cải tạo lại cao độ các vỉa hè, thay thế loại bó vỉa vát cạnh bằng loại vuông góc để ngăn ô tô, xe máy leo lên vỉa hè.

Đại diện Sở GTVT TPHCM thừa nhận việc lắp đặt rào chắn trên vỉa hè chỉ là giải pháp tạm thời góp phần nâng cao nhận thức của người dân khi tham gia giao thông. Trước mắt, Sở sẽ chỉ đạo lắp đặt thêm thông tin cảnh báo và tăng độ phản quang trên các rào chắn, đồng thời nghiên cứu loại gạch có thiết kế gờ dẫn đường giúp người khiếm thị di chuyển qua rào chắn.

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.