Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo SCMP, ông Suhail nói rằng Taliban hiện kiểm soát 85% diện tích Afghanistan và điều này sẽ bảo đảm sự an toàn cho các nhà đầu tư và công nhân Trung Quốc nếu họ trở lại.
“Chúng tôi chào mừng họ. Nếu họ đầu tư vào, đương nhiên chúng tôi sẽ bảo đảm an toàn cho họ. Sự an toàn của họ rất quan trọng với chúng tôi”, ông Suhail nói.
Đại diện này khẳng định Taliban sẽ không cho phép những người Duy Ngô Nhĩ ly khai từ Trung Quốc sang Afghanistan trú ẩn. Taliban cũng sẽ không để al-Qaeda hay nhóm khủng bố nào hoạt động ở quốc gia này.
Cuộc trả lời phỏng vấn diễn ra khi Taliban đang trên đà giành hết quyền kiểm soát các tỉnh miền bắc Afghanistan trong lúc Mỹ sắp hoàn tất việc Mỹ rút quân. Tình báo Mỹ cho rằng chính phủ ở Kabul có thể sẽ sụp đổ trong vòng 6 tháng sau khi Mỹ rút, để Taliban trở lại cầm quyền sau 20 năm bị lật đổ.
Mỹ tấn công Afghanistan sau loạt khủng bố 11/9/2001 mà al-Qaeda thực hiện, với lý do là Taliban đã dung túng tổ chức này.
Ông Suhail nói rằng sau khi Mỹ rút quân, “việc cần thiết là đàm phán” với Trung Quốc, nhà đầu tư lớn nhất ở Afghanistan.
“Chúng tôi đã đến Trung Quốc nhiều lần và chúng tôi có quan hệ tốt với họ. Trung Quốc là nước thân thiện và chúng tôi chào đón họ đến tái thiết và phát triển Afghanistan”, ông Suhail nói.
Afghanistan có trữ lượng đồng, than, quặng sắt, khí đốt, coban, thuỷ ngân, vàng, lithium và thorium dồi dào nhất thế giới, trị giá khoảng 1 nghìn tỷ USD nhưng chưa được khai thác.
Phát ngôn viên Taliban Suhail Shaheen. (Ảnh: NV) |
Năm 2011, Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) giành được hợp đồng trị giá 400 triệu USD để khoan 3 giếng dầu ở Afghanistan trong 25 năm. Trữ lượng dầu của 3 giếng này ước tính là 87 triệu thùng.
Các công ty Trung Quốc cũng giành được quyền khai thác đồng ở Mes Aynak, tỉnh Logar, cách thủ đô Kabul khoảng 40km.
Trung Quốc đổ lỗi cho một nhóm người Duy Ngô Nhĩ thuộc Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) đã thực hiện nhiều vụ khủng bố ở Tân Cương. Dù một số chuyên gia hoài nghi sự tồn tại của nhóm này, thực tế là trong những năm 1990, một số người Duy Ngô Nhĩ đã rời Trung Quốc sang Afghanistan với ý định thành lập phong trào du kích nổi dậy. Năm ngoái, Mỹ đưa ETIM khỏi danh sách khủng bố, khiến Trung Quốc khó chịu.
“Một số người nước ngoài muốn dùng Afghanista làm bàn đạp để thực hiện tấn công các nước khác. Chúng tôi cam kế sẽ không để cá nhân hay tổ chức nào có hành động chống lại nước khác, bao gồm Trung Quốc”, ông Suhail khẳng định.