Sát thủ diệt hạm SM-6 đánh đắm tàu chiến từ phát bắn đầu tiên

SM-6 vốn là tên lửa đánh chặn và phòng không lợi hại trên các tàu chiến Mỹ. Ảnh: USNI
SM-6 vốn là tên lửa đánh chặn và phòng không lợi hại trên các tàu chiến Mỹ. Ảnh: USNI
Là tên lửa chuyên phòng không và đánh chặn, những cải tiến mới biến SM-6 thành vũ khí lợi hại giúp tàu chiến Mỹ tăng cường khả năng đối kháng trên biển.

Hôm 7/3, hải quân Mỹ và nhà thầu quốc phòng Raytheon thông báo tên lửa SM-6 có thể tiêu diệt tàu chiến đối phương ngay trong đợt tấn công đầu tiên, theo National Interest.

Phát ngôn viên Raytheon cho biết trong lần thử nghiệm hôm 18/1 ở bãi thử tên lửa trên Thái Bình Dương ngoài khơi Hawaii, tên lửa SM-6 được bắn từ khu trục hạm tên lửa dẫn đường USS John Paul Jones lớp Arleigh Burke đã đánh chìm tàu khu trục cỡ nhỏ đã nghỉ hưu USS Reuben James lớp Oliver Hazard Perry.

"Vụ thử này minh chứng cho kết quả hợp tác và phát triển công nghệ liên tục suốt nhiều thập niên giữa Raytheon và hải quân Mỹ. Khả năng trang bị Dòng Tên lửa Tiêu chuẩn và hệ thống vũ khí Aegis đời cũ trên các hệ thống mới triển khai sẽ bổ sung năng lực tác chiến cho hạm đội Mỹ", Tiến sĩ Taylor Lawrence, chỉ tịch phòng các hệ thống tên lửa Raytheon, nói.

Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh các chiến lược gia quân sự Mỹ than phiền rằng hải quân nước này không sở hữu các loại tên lửa diệt hạm đủ xa để có thể chống lại những tàu chiến mang tên lửa ngày càng hiện đại của Nga, Trung Quốc. Hậu quả là tàu chiến Mỹ sẽ gặp rủi ro rất lớn khi phải tiến vào trong tầm bắn tên lửa địch mới có thể tác chiến được bằng các loại vũ khí hiện có.

Tuy nhiên, với việc biến một tên lửa chuyên đánh chặn và phòng không cực mạnh như SM-6 thành tên lửa diệt hạm, nhiều chuyên gia tin rằng Mỹ đã có trong tay một vũ khí siêu thanh tầm xa đủ khả năng tiêu diệt tàu chiến đối phương từ khoảng cách an toàn. Khả năng này sẽ rất quan trọng trong bất kỳ kịch bản bùng phát xung đột thực sự nào với hải quân Nga và Trung Quốc.

Theo thông tin chính thức từ Raytheon, SM-6 có các tính năng của tên lửa đẩy và tên lửa tiêu chuẩn lắp đặt trên máy bay, đồng thời được tích hợp thêm năng lực kiểm soát dẫn đường và xử lý tín hiệu tiên tiến có trên các tên lửa không đối không tầm trung (AMRAAM).

Khi được trang bị cho khu trục hạm và tuần dương hạm, SM-6 sẽ giúp đội tàu mặt nước của Mỹ chống lại các mối đe dọa từ máy bay cánh bằng, trực thăng, máy bay không người lái, cũng như tên lửa hành trình diệt hạm.

SM-6 sẽ là thành tố then chốt làm nên năng lực kiểm soát hỏa lực và phòng không của hải quân Mỹ, giúp lực lượng này mở rộng không gian tác chiến, chống lại các mối đe dọa từ khoảng cách vượt đường chân trời.

SM-6 được dẫn đường theo cả cơ chế chủ động và bán chủ động, giúp nó tấn công chính xác mục tiêu. Vì phóng theo phương thẳng đứng nên SM-6 tương thích với các tuần dương hạm và khu trục hạm lớp Aegis hiện nay và trong tương lai.

Theo chuyên gia phân tích quốc phòng Dave Majumdar của National Interest, đây là lần đầu tiên Lầu Năm Góc cải tiến thành công vũ khí phòng không uy lực này thành một loại tên lửa đối kháng trên biển đầy lợi hại.

SM-6 tích hợp hệ thống kết nối mạng và radar dò tìm chủ động, được thiết kế để tấn công các mục tiêu ngoài tầm quan sát radar của tàu. Sử dụng hệ thống tác chiến kiểm soát hỏa lực hỗn hợp của hải quân, một tàu chiến lớp Aegis có thể tấn công các mục tiêu ngoài đường chân trời nhờ dùng dữ liệu chỉ thị mục tiêu từ máy bay cảnh báo sớm E-2D "Mắt Diều hâu" tối tân.

Phạm vi hoạt động của một radar dải tần S trên chiến hạm lớp Aegis đạt khoảng 402,3 km đối với mục tiêu bay ở độ cao 9,1 km. Trong trường hợp mục tiêu bay thấp hơn, tầm dò của radar cũng bị thu hẹp và đây chính là lúc máy bay cảnh báo sớm E-2D phát huy tác dụng. Giới phân tích cho rằng tầm bắn của tên lửa SM-6 còn có thể vượt qua phạm vi 402 km.

Máy bay E-2D có khả năng theo dõi những mục tiêu trên mặt nước và trên không, vì thế khi kết hợp với tên lửa SM-6, tổ hợp này sẽ giúp các tàu chiến Mỹ tấn công hiệu quả các tàu mặt nước đối phương từ ngoài đường chân trời bởi vận tốc của tên lửa lên tới 1.191 m/s.

Sát thủ diệt hạm SM-6 đánh đắm tàu chiến từ phát bắn đầu tiên ảnh 1

Tên lửa SM-6 khai hỏa từ tàu chiến USS John Paul Jones. Ảnh: Raytheon

Đầu đạn của SM-6 tương đối nhỏ, nhưng với khả năng đánh chặn được tên lửa đạn đạo, SM-6 hoàn toàn đủ sức tiêu diệt chiến hạm của đối phương chỉ sau một lần bắn trúng.

Do các tàu chiến hiện nay không được thiết kế bọc thép như kỷ nguyên của thiết giáp hạm, SM-6 tương đối dễ dàng để hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt tàu chiến trên biển thế hệ hiện nay. Điều này có nghĩa là dù có đầu đạn nhỏ như tên lửa SM-6 thậm chí còn tỏ ra hiệu quả hơn nhiều trong đối phó tuần dương hạm chiến đấu lớp Kirov của Nga hay khu trục hạm Type 52D của Trung Quốc nhờ vận tốc khủng của đầu đạn. Động năng từ một tên lửa bay siêu nhanh có thể tạo ra sức công phá vô cùng lớn mà vụ thử đánh chìm tàu USS Reuben James FFG 57 mới đây là một minh chứng.

Cho đến nay, Raytheon đã phân phối hơn 250 tên lửa SM-6 sau khi bắt đầu sản xuất từ năm 2013. Việc sản xuất sẽ được tiếp tục trong thời gian tới bởi hải quân Mỹ bắt đầu thay thế các tên lửa Standard cũ hơn bằng loại tên lửa mới này, ông Majumdar cho hay.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG