Sắp xếp, tinh giản bộ máy: Khâu đột phá trong cải cách tiền lương

Cần phải xây dựng tiền lương tối thiểu của công chức hành chính ngang bằng với sức lao động và tương đương mức lương trong khu vực thị trường (Ảnh HM)
Cần phải xây dựng tiền lương tối thiểu của công chức hành chính ngang bằng với sức lao động và tương đương mức lương trong khu vực thị trường (Ảnh HM)
TPO - Đề án cải cách chính sách tiền lương là một trong những nội dung quan trọng được Hội nghị T.Ư 7 cho ý kiến vào tuần tới đây. TS Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đưa ra 6 giải pháp quan trọng cần thực hiện khi cải cách tiền lương.

Nhiều công chức không sống bằng lương

Theo TS. Bùi Sỹ Lợi, sau 25 năm (tính từ 1993), qua 2 lần cải cách tiền lương (năm 1993, 2004), mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh song đời sống người hưởng lương, đặc biệt là công chức nói chung và công chức hành chính nói riêng ít được cải thiện. Họ không sống bằng lương mà bằng các nguồn thu nhập khác (cả chính đáng và đặc biệt là loại không chính đáng), điều đó dẫn đến hệ lụy là tha hóa đội ngũ công chức hành chính làm suy yếu bộ máy quản lý nhà nước.

Vì thế, theo ông Lợi, cần thiết phải có sự cải cách tiền lương một cách khoa học, vững chắc làm đòn bẩy kinh tế, sốc lại sức mạnh của đội ngũ công chức hành chính xóa bỏ những nguy cơ dẫn đến sự nguy hại cho đất nước. Vì vậy, phải đổi mới hơn nữa về tư duy trong cải cách chính sách tiền lương, chi tiền lương cho cán bộ, công chức chính là chi cho đầu tư phát triển; đảm bảo cho tiền lương thực sự là động lực quan trọng thúc đẩy cán bộ, công chức nâng cao năng lực để thực thi công vụ có hiệu quả hơn, giảm thiểu tham nhũng.

Bản chất tiền lương công chức là cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, tiền lương phải tiệm cận với giá trị sức Lao động thị trường, cần phải hướng tới sự công bằng, thực chất.

“Cần phải xây dựng tiền lương tối thiểu của công chức hành chính ngang bằng với sức lao động và tương đương mức lương trong khu vực thị trường; với tính chất phức tạp và vai trò quan trọng của lao động công chức hành chính, nên phải được xếp ở mức độ quan trọng hơn lao động trong khu vực sản xuất kinh doanh, khu vực sự nghiệp và chỉ đứng sau khu vực lực lượng vũ trang.

Tuy nhiên, tiền lương tối thiểu của công chức hành chính chỉ có thể được điều chỉnh dựa trên sự tương quan với lương tối thiểu của các khu vực; hệ số nuôi con của công chức hành chính; hệ số tương quan với thị trường lao động; hệ số vùng; hệ số tương quan với tốc độ tăng trưởng kinh tế”, TS. Lợi cho hay.

Kiên quyết sắp xếp lại bộ máy

Giải pháp đáng lưu ý được ông Lợi nhấn mạnh là phải đổi mới quản lý nhà nước về tiền lương, bộ máy hành chính nhà nước phải được sắp xếp lại theo hướng gọn nhẹ, đa chức năng, không bị chồng chéo, nhằm giảm bớt nhân lực dư thừa trong bộ máy hành chính, góp phần tạo thêm nguồn tài chính để trả lương cho cán bộ, công chức tương xứng với giá trị sức lao động. Xây dựng hệ thống công vụ chuyên nghiệp, hiện đại, tiến kịp trình độ của các nước trong khu vực và trên thế giới, bảo đảm yêu cầu hội nhập quốc tế, làm cơ sở cho việc cải cách cơ bản tiền lương công chức.

TS. Lợi cho rằng, cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa các dịch vụ công, nhằm giảm bớt quỹ tiền lương viên chức từ ngân sách nhà nước, việc đổi mới quản lý nhà nước về tiền lương cần phải đẩy mạnh việc thực hiện các quy định của Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức; khoán biên chế và khoán chi hành chính hằng năm; sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức sao cho phù hợp với thực tế yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.

“Việc tinh giản biên chế bộ máy hành chính nhà nước phải được coi như một khâu đột phá quan trọng, tinh giản biên chế về số lượng nhưng phải đồng thời chú trọng đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ công chức; phải coi việc đào tạo nâng cao trình độ của người công chức hành chính là một công việc hệ trọng đặc biệt trong điều kiện hội nhập kinh tế.

Đồng thời, tuyển dụng những người có đức, có tài, thật sự tâm huyết với nghề nghiệp và kiên quyết đào thải những người không đủ trình độ chuyên môn, năng lực phẩm chất và thiếu đạo đức ra khỏi đội ngũ công chức”, ông Lợi nói.

Tạo nguồn kinh phí tăng lương

Theo Phó chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi, giải pháp tạo nguồn tiền để tăng lương là một trong những bước đi đột phá để đưa chính sách tiền lương vào thực tiễn đời sống với đúng ý nghĩa của nó, tiền lương gắn với hiệu quả công tác, năng suất lao động và đảm bảo nguyên tắc tốc độ tăng năng suất lao động phải nhanh hơn tốc độ tăng tiền lương bình quân. Nhưng việc đầu tư cho con người và cho đội ngũ công chức hành chính nói riêng, sẽ có lợi về lâu dài cả về kinh tế, chính trị và xã hội nhân văn.

Song song với nhiệm vụ này, theo ông Lợi, phải tiến hành rà soát lại đội ngũ công chức hành chính vừa để nâng cao chất lượng vừa để giảm những công chức không có năng lực hoặc biến chất; nghiên cứu xây dựng các phương án đào tạo bồi dưỡng công chức hành chính đề nâng cao trình độ đáp ứng được công việc, các phương án sử dụng số lao động dôi dư; dựa vào kết quả hệ thống công vụ được thiết kế, hệ thống chức danh công chức được điều chỉnh, đối chiếu lại các mức lương trong bảng lương công chức đã được sắp xếp lại để đảm bảo có sự tương xứng cần thiết.

Cũng theo TS. Lợi, cần thiết lập cơ chế tuyển dụng, đào thải công chức hành chính khoa học, chặt chẽ và nghiêm minh trên cơ sở những tiêu chuẩn cán bộ đã được xác lập. Đào tạo, tuyển dụng và đào thải là hai mặt của một vấn đề, phải gắn chặt với nhau.

“Tuyển dụng linh hoạt và đào thải cũng linh hoạt, phải coi đó là việc bình thường, thường xuyên trong công tác cán bộ. Tuy nhiên, việc tuyển dụng và đào thải cán bộ phải được tiến hành một cách công khai, minh bạch và dựa trên các tiêu chuẩn cũng như kết quả đánh giá khách quan”, ông Bùi Sỹ Lợi cho hay. 

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.