Cải cách để tiền lương thành 'thu nhập chính' của cán bộ

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc tọa đàm về tiền lương và bảo hiểm xã hội.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc tọa đàm về tiền lương và bảo hiểm xã hội.
TPO - Một trong những mục tiêu mà Đề án cải cách chính sách tiền lương trình Hội nghị T.Ư 7 hướng đến là làm sao để “tiền lương phải là thu nhập chính”, tạo động lực nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, góp phần làm trong sạch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.

Ngày mai, Hội nghị Trung ương 7 chính thức khai mạc. Tại Hội nghị lần này, T.Ư sẽ bàn và thảo luận về Đề án Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Về nội dung cải cách trong khu vực công, Đề án nêu rõ, đối với những công việc thừa hành, phục vụ (yêu cầu trình độ dưới trung cấp) thực hiện thống nhất chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động (hoặc hợp đồng cung cấp dịch vụ), không áp dụng bảng lương công chức, viên chức.

Đề án cũng đưa ra thiết kế cơ cấu tiền lương và tiền thưởng mới gồm: Mức lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương); Các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương) và Tiền thưởng (bằng khoảng 10% tổng quỹ lương).  

Bên cạnh đó sẽ ban hành hệ thống bảng lương mới (quy định bằng số tiền tuyệt đối thay cho việc quy định hệ số lương nhân với mức lương cơ sở) theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo trên sở điều chỉnh tăng mức lương thấp nhất và mở rộng quan hệ tiền lương tiệm cận với khu vực thị trường.

Theo đó, sẽ có 1 bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã; 1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo

Trong lực lượng vũ trang cũng sẽ có ba bảng lương, gồm: 1 bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm/cấp hàm), 1 bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an và 1 bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an.

Đặc biệt, Đề án cũng đề xuất, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được sử dụng quỹ tiền lương và kinh phí chi thường xuyên được giao hằng năm để thuê chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt. Mở rộng thí điểm cơ chế áp dụng đối với một số tỉnh, thành phố ở vùng động lực được chi thu nhập bình quân tăng thêm không quá 0,8 lần.

Các giải pháp tài chính, ngân sách được xác định là giải pháp đột phá: Hằng năm, ưu tiên dành khoảng 50% tăng thu dự toán và 70% tăng thu thực hiện của ngân sách địa phương, khoảng 40% tăng thu ngân sách trung ương cho cải cách tiền lương.

Nguồn cải cách tiền lương còn dư sau khi điều chỉnh mức lương cơ sở hằng năm phải tiếp tục sử dụng để thực hiện cải cách tiền lương sau năm 2020. Bãi bỏ các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức có nguồn gốc từ NSNN.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.