Trung tâm gồm hai cơ sở: ở thành phố Đà Lạt và Thủ đô Hà Nội, với tổng mức đầu tư khoảng 500 triệu USD đến từ vốn vay ưu đãi của Liên bang Nga, TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, cho biết.
Được trang bị lò nghiên cứu công suất 10-20 MWt và các phòng thí nghiệm liên quan (với tổng nhân lực khoảng 400 người vào năm 2020), cơ sở tại Đà Lạt sẽ nghiên cứu về vật lý nơtron, khoa học vật liệu, sản xuất đồng vị phóng xạ phục vụ các ngành y tế, công nghiệp, nông nghiệp, cùng các lĩnh vực hỗ trợ điện hạt nhân.
“Sau khi chốt xong địa điểm xây dựng, sẽ sớm khởi công xây dựng cơ sở ở Đà Lạt”, PGS. TS Nguyễn Nhị Điền, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hạt nhân, cho biết hôm 17/3.
Nhân kỷ niệm 30 năm khánh thành công trình khôi phục và mở rộng lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt (20/3/1984), Viện Nghiên cứu Hạt nhân ngày 19/3 tổ chức Hội thảo khoa học: Thiết kế, vận hành và sử dụng lò phản ứng nghiên cứu, với sự tham gia của các đại biểu đến từ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, Liên bang Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam, ông Điền cho biết.