Cục Đăng kiểm kiến nghị Bộ GTVT xem xét, thống nhất với Bộ Tài chính, báo cáo Chính phủ chấp thuận áp dụng hình thức nhà nước định giá tối đa đối với dịch vụ kiểm định xe cơ giới.
Bảng giá dịch vụ kiểm định mới do Cục Đăng kiểm đề xuất. |
Cục Đăng kiểm cho biết, theo quy định hiện hành, giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới đang lưu hành thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Cơ quan có thẩm quyền định giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới đang lưu hành là Bộ GTVT. Tuy nhiên, dịch vụ kiểm định xe cơ giới không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, không phải hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền Nhà nước sản xuất, kinh doanh.
Thống kê cho thấy, trên thị trường hiện có 281 trung tâm đăng kiểm thuộc nhiều thành phần kinh tế, hoạt động trên phạm vi toàn quốc. Trong số này, các trung tâm thuộc khối tư nhân, đang hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp là 192/281 đơn vị, chiếm 68,3%.
Đáng chú ý, sau khi Nghị định 30/2023/NĐ-CP ban hành, số lượng doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ kiểm định xe cơ giới sẽ tăng lên đáng kể do có sự tham gia của các trung tâm bảo hành, bảo dưỡng ô tô. Khi đó, hoạt động cung cấp dịch vụ kiểm định xe cơ giới sẽ tiếp tục có sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn.
“Về nguyên tắc, Nhà nước không nên cố định một mức giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới cho nhiều loại hình đơn vị cung cấp dịch vụ kiểm định xe cơ giới trên toàn quốc. Việc tiếp tục áp dụng hình thức Nhà nước định giá cụ thể đối với giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới trong bối cảnh đã xã hội hóa lĩnh vực đăng kiểm xe cơ giới, thiết bị và xe máy chuyên dùng đang lưu hành là không còn phù hợp”, Cục Đăng kiểm lý giải.
Ngày 19/6 vừa qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Giá (sửa đổi), trong đó quy định hình thức Nhà nước định giá đối với dịch vụ đăng kiểm xe cơ giới theo phương pháp định giá tối đa.
Theo phương án giá kiểm định ô tô mới Cục Đăng kiểm đề xuất, mức giá tối đa sẽ cao hơn từ 26-28% so với mức giá hiện hành.
Tại phương án giá mới, Cục Đăng kiểm Việt Nam đề xuất điều chỉnh 2 yếu tố chi phí cơ bản. Theo đó, chi phí lương và các khoản có tính chất lương, đề nghị điều chỉnh tăng 70% căn cứ theo mức tăng tiền lương cơ sở từ năm 2013 đến nay (thực tế tăng 71,43%). Chi phí dịch vụ mua ngoài, đề nghị điều chỉnh tăng 20% do yếu tố tăng chỉ số giá tiêu dùng từ năm 2013 đến nay (thực tế chỉ số giá tiêu dùng - CPI tăng 26,05%).